Cơ chế và hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn, trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý

* TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO - Tháng 2-2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với rất nhiều vấn đề quan trọng, cuốn sách nhấn mạnh: “…Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu”.

Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu loạt bài viết của nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.

Kiến lập cơ chế bảo đảm quyền lực, trách nhiệm cá nhân và tổ chức trong công việc tổ chức cán bộ, tham chiếu với 5 cảnh báo

Nhìn khắp mọi thời, bao người mang họa, rồi thân bại danh liệt, bao cơ quan rối ren, bao triều đại đổ nát, bao thể chế tan tành, chẳng đã bắt đầu từ sự lệch lạc, khiếm khuyết, sai lầm, dù với bất cứ nguyên nhân gì, há chẳng bắt đầu trước nhất từ việc xem người, tuyển dụng người đó sao?!

Nếu buông lơi liêm chính, rất dễ sao vào lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tiêu cực trong tác tổ chức cán bộ; núp dưới cái vỏ “đúng quy trình” để bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo. Nó làm ly tán nhân tài, rối loạn tổ chức, giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Không nhìn thấy, thấy mà không nhận ra nhân tài là tội nhỏ. Tội to hơn là, biết là hiền tài mà không dùng. Tội to hơn nữa là, dùng mà không tin nhân tài. Mắc trọng tội, khi trọng dụng mà không bảo vệ được nhân tài. Nhưng cộng cả 4 cái tội ấy cũng không nặng bằng tội đem cái mũ của bậc nhân tài đội lên đầu kẻ bất tài, vô hạnh.

Do đó, đổi mới cơ chế tuyển chọn nhân tài, cơ chế kiểm soát quyền lực mà hạt nhân là nguyên tắc lãnh đạo tập thể trên nền tảng dân chủ tập trung nhưng cá thể hóa trách nhiệm, trước hết là người đứng đầu trong hoạt động của các bộ máy được phân công trọng trách làm công việc tổ chức cán bộ là việc cần kíp và có ý nghĩa chiến lược. Nếu không như thế, chúng ta sẽ chỉ chọn được những người… rất trung bình, thậm chí là sa vào vũng lầy “tứ ệ” (nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ), phường hội, cát cứ sứ quân hoặc thậm chí thu dung tới… cả đàn sâu mọt làm băng hoại bộ máy và phá tan đội ngũ nhân tài mà thôi!

Tài năng thường dễ vượt ra ngoài khuôn khổ, không chịu trói mình trong vòng cương tỏa, nên trong một xã hội mà tôn ti, trật tự đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, một xã hội cần sự tuân thủ, khuôn phép kiểu phong kiến, tài năng thường khó được chấp nhận. Hơn nữa, trong xã hội quân chủ phong kiến - xã hội mà trong đó hoàng đế là người có quyền năng tối cao - đã không hiếm trường hợp tài năng bị kìm hãm hoặc bị lợi dụng, thậm chí còn bị loại trừ. Với lòng đố kỵ và ý thức về quyền năng, vua chúa luôn mang nỗi ám ảnh về nỗi sợ người tài vượt lên tiếm quyền. Đặc biệt, một số triều đại phong kiến, khi đến giai đoạn suy vong, xảy ra hiện tượng mua quan bán chức, bọn bất tài lộng quyền thì thân phận người tài lại càng khốn đốn, kẻ thì bị sát hại, người thì phải giũ áo từ quan, người phải mai danh ẩn tích và sống cuộc sống vô nghĩa. Sự hạn chế đó đã làm cho một lực lượng lớn tài năng bị lãng phí.

Và, nay, chẳng phải không còn những tệ ấy, thậm chí chúng còn tinh vi, biến ảo hơn nhiều, khiến bao nơi “rối như canh hẹ”, không ít buổi xã tắc chí nguy như “trứng để đầu đẳng”, quốc gia nguy nan, làm lòng người không ít hoang mang, thậm chí nổi giận; vì thế, nhân tài thường lánh thân hoặc bỏ đi… Hơn 250 năm trước, Bảng nhãn Lê Quý Đôn dự báo: Có năm nguy cơ sẽ làm mất nước: Một là, trẻ không trọng già; hai là, trò không kính thầy; ba là, binh kiêu tướng thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; và năm là, sĩ phu ngoảnh mặt.

Tất cả bởi ở lỗi của người có quyền chọn, dùng người tài, ở tội của những người cầm cân nảy mực trong việc cắt đặt tổ chức, trọng dụng con người. Thế nên, phải chăng, để chọn đúng, dùng đúng nhân tài lãnh đạo, quản lý, những người giữ quyền, ai được giao trọng trách, nên tránh 5 điều kiêng kỵ hay 5 tội này, mà lịch sử từng cảnh báo? Ở đây, tôi gọi là Định chế 5 điều:

Một: Không nhìn thấy, thấy mà không nhận ra nhân tài là tội nhỏ.

Nhân tài thường giấu mình. Núi cao thường khuất ngọn, sông sâu thường lặng sóng. Nhìn mà không thấy nhân tài, do kém, không đáng trách, thì nên tự đi làm việc khác, sẽ lợi hơn cho mình và cho quốc gia xã tắc.

Thời nhà Lý từng cho thấy, nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, người giỏi thì nước trị, người xấu thì nước loạn, các bậc đế vương sở dĩ hưng nghiệp được là nhờ dùng người quân tử, bị mất nước là bởi dùng kẻ tiểu nhân. Thời Lê Thánh Tông, việc tuyển lựa quan xét xử càng trở nên nghiêm ngặt. Các quan chức đương nhiệm mà không cử được người giỏi thì cũng xử biếm hoặc phạt tiền. Chế độ quan lại thời phong kiến còn đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm của các quan lại trong thừa hành công vụ. Quốc triều Hình luật có nhiều quy định trừng trị nghiêm khắc, như: phạt do để chậm trễ chiếu chỉ công văn giấy tờ, quan do vô tình dùng dằng để lỡ mất việc, nếu việc nhỏ (công việc hằng ngày) xử tội biếm, việc thường (công việc hằng tháng) xử tội đồ, việc lớn (công việc hằng năm) xử tội lưu; đối với quan lại tại chức, không đến nơi làm việc mà không có lý do thì bị xử phạt biếm hoặc bãi chức, nếu ở sở làm mà ngồi không đúng phép sẽ bị xử tội biếm hoặc phạt tiền. Đó chính là sự mẫu mực để thiết lập trật tự kỷ cương, bảo vệ chế độ phục vụ, trước hết đối với nhân tài.

Khi được giao bổn phận kén chọn nhân tài, mà chỉ có con mắt hạt đậu, lại kém tinh tế, khi người có thể cùng nói chuyện mà không nói, thế là bỏ lỡ người; người không thể bàn chuyện cùng mà lại nói, thế là uổng lời, thì thật càng đáng tội với người với việc, tuy nhỏ, thì cũng nên thôi, đừng làm công việc đụng chạm tới con người, chứ chưa nói tới việc chiêu hiền đãi sĩ hay trọng dụng hiền tài.

Chính việc dùng người đúng khả năng, chọn đúng người thực tài, nhất là thái độ chí công vô tư trong tuyển dụng, nhà Trần ở giai đoạn cường thịnh, đã không để sót nhân tài, càng không cho kẻ bất tài, gian nịnh có cơ hội lộng hành và hiếm ai là bậc thực tài mà trở nên bất đắc chí...

Ban “Chiếu cầu hiền”, Lê Lợi nghiêm khắc: "Vậy hạ lệnh cho các văn võ đại thần, công hầu, đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã..."; và, ông vô cùng khoáng đạt trong việc mở lượng cầu hiền: "Nếu cử được người trung tài thì thăng chức hai bực, nếu cử được người tài đức đều hơn người tột bực, tất được trọng thưởng"...

Thưởng phạt phân minh được như thế, hỏi rằng, ai không mở lòng, dốc sức, huống chi những bậc nhân tài?

Hai: Tội to hơn là, biết là hiền tài mà không dùng.

Dụng nhân như dụng mộc. Như thế, càng không thể đem lòng tỵ hiềm, mang cái tiểu kỷ, nhất là lấy sự ghen ghét mà đối đãi với nhân tài. Chớ vì một vài chỗ mục mà bỏ cả cây lớn. Nhất là đối với người có tài đức to thì đừng săm soi, chê bai những nết nhỏ mọn; đối với người có danh dự lớn, thì đừng chỉ trích những lỗi cỏn con.

Nhớ lại năm 1946, nhìn vào thành phần của Chính phủ lâm thời cũng như Chính phủ đầu tiên của nước nhà, do Hồ Chí Minh là Chủ tịch, đã tụ hội những nhân tài kiệt xuất của quốc gia. Trong chuyến đi Pháp hơn 4 tháng tiếp xúc với bà con người Việt Nam ở Pháp, một số trí thức lớn người Việt Nam ở nước ngoài đã theo lời kêu gọi của Bác Hồ về nước giúp sức... Thế mà sau này, Người vẫn thấy chưa đủ, phải tiếp tục "cầu hiền". Và, Người lại thân chinh viết thư mời các bậc đức cao vọng trọng về với Chính phủ; và chỉ ít năm sau bao bậc sĩ phu, hiền tài tụ hội dưới ngọn cờ cách mạng đông đúc như hội mở.

Biết hiền tài và tin dùng hiền tài chính là ở chỗ này!

Ba: Tội to hơn là, dùng mà không tin nhân tài.

Chỉ có người hiền mới cầu được hiền. Thành tâm "cầu hiền" là một trong những phẩm chất của "người hiền" ở vị trí nắm giữ rường cột quốc gia.

Lê Phụ Trần không thuộc hàng tôn thất, nhưng có tài năng, đã được nhà Trần cho giữ chức Thiếu sư kiêm chức Sử cung giáo thụ (thầy dạy của thái tử). Đoàn Nhữ Hài giữ chức Sử trung tán, Đinh Củng Viên làm Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ,... đều xuất thân từ chốn bình dân. Và tiêu biểu nhất là Phạm Ngũ Lão, từ thân phận chỉ là nông dân, trở thành con rể của Hưng Đạo Đại Vương, được giao trọng trách trong những cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, nhiều lần được thăng chức, và khi mất, được vua Trần Minh Tông trao ân điển đặc biệt cho triều thần nghỉ chầu 5 ngày... Ấy là sự tin tưởng và trọng dụng nhân tài vậy.

Ở thời đại Tây Sơn, khi mới lập triều, với vị thế là một vĩ nhân "hết trận lôi đình lại ra ơn mưa móc, cứu sinh đều khắp, với các sĩ phu thì cuốn vào máy, thu vào lồng, tìm trong hang núi, hỏi chốn thôn quê, hái chẳng sót loài cỏ mọn", với "khí tượng công bằng rộng lớn từ xưa ít thấy", vì thế, những sĩ phu yêu nước, thương nòi, thức thời, năng động thì lần lượt tìm đến với Nguyễn Huệ và xả thân vì đại nghĩa đến cùng: Ðoàn Nguyễn Tuấn (anh rể thi hào Nguyễn Du), Vũ Huy Tấn, Bùi Dương Lịch, Phạm Huy Lượng (tác giả "Tụng Tây Hồ phú" nổi tiếng). Trái ngược hẳn với những sĩ phu biết chọn con đường sáng, là một loạt quan triều, kẻ thì do ý thức ngu trung cầm tù, người thì cố níu giữ chức tước danh vị hão đã được vua chúa tấn phong, cắm đầu đi theo chúa Trịnh, vua Lê đến cùng, kẻ thì bỏ mạng trên đường chạy trốn theo vua chúa, kẻ thì cùng vua đi sống lưu vong bỏ xương đất khách, có kẻ sống sót sau này lại tìm đường ra làm tôi tớ cho triều Gia Long Nguyễn Phúc Ánh: Những Ngô Thì Chí, Nguyễn Ðăng Trường, Lý Trần Quán, Trần Công Xán, Nguyễn Ðình Giản, Lê Duy Ðản, Trần Danh Án…

Tin và dùng, dùng và tin nhân tài, là ở chính chỗ này!

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131534/co-che-va-he-the-che-phat-hien-thu-hut-tuyen-chon-trong-dung-nhan-tai-lanh-dao-quan-ly