Cơ chế và hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn, trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý

* TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(Tiếp theo và hết)

BPO - Tháng 2-2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với rất nhiều vấn đề quan trọng, cuốn sách nhấn mạnh: “…Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu”.

Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu loạt bài viết của nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.

Bốn: Mắc trọng tội, khi trọng dụng mà không bảo vệ được nhân tài.

Xưa nay, kinh nghiệm cho thấy, dùng nhân để trị người, dùng nghĩa để trị mình, nhất là trong việc đối đãi với nhân tài, thường nhất định thành công. Vì, không gì hơn, dùng người tài phải dựa theo nghĩa mà an định bốn phương. Nên phải dùng nhân nghĩa mà đối đãi với nhân tài, chính là bảo vệ nhân tài vậy.

Bảo vệ nhân tài một cách cương quyết không chỉ sự phồn vinh của quốc gia, xã tắc bừng lên, không chỉ để cho nhân tài nảy nở, phúc ấm dân tộc mãi mãi dài lâu mà còn lấp lánh mãi trí huệ, danh dự, nhân nghĩa và liêm sỉ của người mang trọng trách trọng dụng, tính ưu việt của thể chế trong cuộc bảo vệ và đối đãi nhân tài.

Năm: Cộng cả 4 cái tội ấy cũng không nặng bằng tội đem cái mũ của bậc nhân tài đội lên đầu kẻ bất tài, vô hạnh.

Nói như cổ nhân, bậc làm chúa không có người hiền tài giúp đỡ thì cũng như kẻ mù lòa không người dẫn dắt. Kỵ nhau còn gì bằng nước với lửa, thế mà khéo dùng, đem lửa đun nước thì được bao nhiêu là việc. Đó là sự khéo léo, cái kỳ tài trong việc dùng nhân tài.

Nguyễn Huệ khi viết trong Chiếu cầu hiền rằng: "Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy" thì bậc uyên bác số một đương thời, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, dẫu sớm xa lánh thời cuộc, lui về quê ở ẩn trên núi, nghiền ngẫm lẽ thịnh suy trời đất, làm một hiền triết, nhưng không thể không cảm tấm lòng Nguyễn Huệ mời tới 3 lần, khiến ông phải xuống núi, dâng kế, rằng: "Nếu đánh gấp thì không quá mười ngày sẽ phá được. Nếu trì hoãn một chút thì khó mà phá được nó". Lời bàn hợp chủ ý của Nguyễn Huệ, càng khiến vị chủ soái tăng tốc hành quân và tác chiến quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược. Tấm lòng Quang Trung đối đãi với La Sơn - người mà nhà vua Quang Trung xem trọng là “bậc thày để thờ” - thật đáng để muôn đời soi về nghệ thuật thu phục và đối đãi nhân tài, về đem vầng hào quang của cái mũ hiền tài cung kính trao một cách minh triết cho bậc kỳ tài trong thiên hạ!

Vẫn là một thái độ chân thành yêu quý hiền tài, xem hiền tài như của báu trời sinh. Nếu hiền tài không được biết đến, không cho người ta biết đến thì thật phí hoài. Và cũng là có tội với đấng tạo hóa đã có công sinh ra mình, vun đắp cho mình nữa! Chưa kể việc hiền tài mà không được sử dụng thì đâu còn là hiền tài. Hiền tài không phải là cái danh suông.

Nhưng, trong trọng dụng nhân tài, gặp người hiền mà không thể cất nhắc lên được hay cất nhắc được mà không kính cẩn, vô hình đã là khinh mạn họ; gặp người không thiện mà không thể đuổi đi được hay đuổi đi mà không đuổi xa, ấy chính là lầm lỗi của kẻ dùng người. Do thế, nếu khuôn phép đạo đức và hình phạt không đặt ra và nghiêm dụng thì rối loạn, mà rối loạn thì họa và loạn sẽ cùng đến. Bệnh tiểu kỷ, bệnh tham nhũng quyền lực, công tư bất minh đã tạo cơ hội cho không ít kẻ bất tài, xu nịnh, con ông cháu cha đắc ý, còn người tài năng, trung thực thì khốn đốn, bất bình. Khi đã không thành ý, lại kém cỏi, thậm chí vì cái bụng dạ đen tối của mình mà đem cái mũ của bậc hiền tài chụp bừa lên đầu của kẻ tiểu nhân, bất tài thì không khác gì rước mối vào nhà, nối giáo cho giặc nội xâm! Đó là tội đáng phải bị lưu, đồ. Rốt cuộc, nhân tài rũ áo khoanh tay!

Trong việc dùng nhân tài, không cất nhắc người căn cứ vào lời nói, không bỏ lời nói căn cứ vào người. Nếu kỳ thị lời “trung ngôn nhịch nhĩ” thì dễ dàng bỏ mất người ngay. Nếu tin dùng kẻ biết nói lời xiểm nịnh, ton hót, cơ hội, lại dốt nát và tham lam thì họa không ập ngay tới trước mắt mới lạ. Phải, trái không rõ ràng, tiết nghĩa không giảng xét, thiên hạ sở dĩ loạn là tại thế. Thời nhà Trần cho chúng ta một bài học lớn về điều này. Đối với những chức vụ lớn và hệ trọng nhất trong triều đình, như hành khiển hay tể tướng, đặc biệt càng cẩn trọng: “Chức tể tướng thì chọn người hiền trong tôn thất, có đạo đức, có tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm”. Khi vua Thái Tông định cho An Quốc là anh của Thái sư Trần Thủ Độ làm Tể tướng thì vị Thái sư đã biện lý một cách công tâm: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?”. Cái mũ của bậc hiền tài quả đã trao đúng cho người tài cần trao! Quả là mẫu mực! Nếu không làm thế, nhất định nhân tài trông đi và ngoảnh mặt, triều chính rối ren và nhà vua có thể tự mình đã rước lấy cảnh loạn từ trong tường vách quốc gia rồi!

Nguy ngập hơn, những kẻ đức nhỏ mà xếp cho địa vị cao; trí cạn mà tham lam lại cắt đặt vào nơi màn trướng quân cơ, để mưu việc lớn thì việc chưa tàn canh, họa lớn quốc gia rình ngay trước cửa. Vì những loại như thế giống như cọp. Nếu nuôi cọp thì phải cho nó ăn, bằng không tất nó ăn thịt mình. Thượng hoàng Thánh Tông đã can ngăn vua Nhân Tông không giao cho Quốc Phụ (vốn làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của nhà vua) chức hành khiển: “Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi”. Từ việc chăm lo giáo dục, khoa cử đến đường lối cầu hiền rộng mở, nhà Trần luôn huy động tối đa nhân tài trong xã hội. Với cách thức dùng người đúng khả năng, chọn người thực tài, nhất là thái độ chí công vô tư trong tuyển dụng, nhà Trần ở giai đoạn cường thịnh, đã không để cho kẻ bất tài, gian nịnh có cơ hội lộng hành.

Vì trọng nhân tài, nhà Trần dùng người không kể thân - sơ. Vua Anh Tông đối với người tôn thất như Bảo Hưng thân yêu hết mực, nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài. Nguyễn Sĩ Cố và Chu Bộ vốn là cận thần của thái tử Mạnh (sau này là vua Minh Tông), lại phục vụ thượng hoàng Anh Tông khó nhọc lâu ngày, nhưng vì “tài không thể dùng được, nên đặt họ vào chức nhàn tản và đều cho bổng lộc tước trật ưu hậu mà không trao cho thực quyền”. Trần Quang Khải được phong làm tướng vì giỏi cầm quân, thay cho Trần Quốc Khang vì Khang tuy lớn tuổi, là anh vua nhưng tài năng tầm thường. Việc tôn trọng thực tài, công tư phân minh trong dùng người của nhà Trần đã khiến những người tài lúc bấy giờ không phải chịu bất công, ấm ức.

Dưới triều Nguyễn, năm 1824, Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Thượng thư Bộ Hình kiêm quản Đô sát viện là Vũ Xuân Cẩn khi được đi phái phát chẩn ở Nghệ An ông đã chủ động xét người phát theo tiêu chuẩn người nào khỏe mạnh thì cho ít, trẻ con ốm yếu thì phát nhiều và khi về triều ông xin chịu tội “vi chế”, vua Minh Mạng bảo: “Nếu có lợi cho dân thì tự ý làm cũng được, có tội gì?”. Ông cũng là người không ham danh lợi, khi tuổi già, sức yếu sợ không cáng đáng được trọng trách triều đình nên ông 2 lần xin cho hưu trí, nhưng không toại nguyện. Năm 1841, khi 70 tuổi, nhưng ông vẫn được thăng Thự Đông các đại học sĩ. Tự xét thấy tuổi cao, sức yếu, một lần nữa, ông xin hồi hưu nhưng không được chuẩn tấu. Vua Thiệu Trị nói: “Nước có bề tôi già, là điều hay của thịnh triều...”. Năm ông 80 tuổi, vua Tự Đức làm 2 bài thơ tặng với ý ngợi ca, tỏ niềm tâm đắc với một vị đại thần “Túc đức nguyên lão”, và sau này được liệt thờ vào miếu Hiền lương. Quả là không ngoa khi người đời gọi ông là người tam đạt: Tước cao - Đức lớn - Sống lâu. Người hiền tài xứng đáng đội chiếc mũ của bậc hiền tài!

Ở triều đại Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm từng làm quan cho chúa Trịnh, được nể trọng như danh sĩ số một ở Thăng Long. Khi được lời mời gọi, ông ra mắt, Nguyễn Huệ mừng rỡ thốt lên: "Thật là trời để dành ông cho ta vậy" và phong cho ông chức Tả thị lang Bộ Lại. Ông là bộ óc của lực lượng cai quản Bắc Hà. Ông cảnh báo nguy cơ ngoại xâm và khi giặc Thanh phạm bờ cõi, ông hiến kế bỏ ngỏ thành, rút lui để giữ toàn quân, khiến giặc kiêu căng không phòng bị, đợi đại quân ra đánh bất ngờ mới cầm chắc phần thắng. Nguyễn Huệ khen mưu kế ấy là diệu kế trong thuật dùng binh. Hiếm ai tin tưởng và trọng dụng nhân tài như thế! Sau này, khi nhà Tây Sơn đổ vỡ, ông bị nhà Nguyễn bắt. Và, cuộc đối đáp lừng danh, với tiết tháo bất khuất của bậc sĩ phu Bắc Hà trước Đặng Trần Thường (người trốn vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh, từng bị Ngô Thời Nhậm mắng khi Thường khúm núm, xin xỏ làm mất phong độ của kẻ sĩ, ít năm trước đó: “Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác”), với vế đối lừng lẫy, dưới sân Văn Miếu: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”, thì quả không hổ danh là người soạn “Chiếu cầu hiền”. Quả là, nhân tài đã không làm nhục người trọng dụng!

Nhưng tệ hại nhất là những kẻ sĩ xu thời, vụ lợi, không nghĩ đến nước, không biết đến dân, thấy Tây Sơn mạnh như uy vũ thì chạy theo để tìm đường sống và chức vị, có cơ hội lại lập tức trở cờ, phản trắc. Những kẻ như Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm từng làm quan dưới triều Tây Sơn, vì tội đó, bị lột mũ quan và bị trừng trị nghiêm khắc. Không dung trắng, đen lẫn lộn, không tha phải trái đảo điên! Ấy là bảo bối trọng dụng hiền tài!

Trọng dụng nhân tài mà vì lợi lộc, lại mặc cả đổi chác, sa vào bán tước mua quan, thì quốc gia tự chuốc cái loạn vô hồi! Người giữ trọng trách cắt đặt không tự diệt mới là chuyện lạ! Nhân tài đoạn tuyệt và bỏ đi! Thử hỏi, như thế thì chính thể sao mà không suy tàn, xã tắc sao mà không loạn lạc cho được?

Điều mệnh hệ ấy, chẳng cần phán xét, lịch sử và thực tế hiện nay đã cho thấy những quả báo và ứng nghiệm rồi! Khi ấy, người được quyền trọng dụng hiền tài dẫu nghìn lần hối hận, cũng không sao còn kịp nữa. Có thể nói, đây là những tham chiếu quý báu trong công việc phát hiện, tuyển chọn, trọng dụng, đối đãi và phát triển nhân tài hiện nay.

Nói khái lược, không ngừng đổi mới cơ chế, hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn và trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý ngang tầm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn 2030, 2045 là công việc then chốt, động lực có ý nghĩa thành bại không chỉ cấp bách trước mắt mà mang ý nghĩa chiến lược của tiến trình đổi mới việc kiến tạo và phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung, cấp chiến lược nói riêng, làm nền tảng xây dựng chiến lược cán bộ ngang tầm trọng trách lịch sử.

Sự thành bại mang tầm chiến lược trong công việc quan trọng này chỉ còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và phương pháp của chính chúng ta hiện nay nữa mà thôi.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131561/co-che-va-he-the-che-phat-hien-thu-hut-tuyen-chon-trong-dung-nhan-tai-lanh-dao-quan-ly