Có chính sách đột phá, ngành dịch vụ cao cấp của TPHCM mới được nâng tầm
Ngày 17/12, Sở Công thương TPHCM tổ chức hội thảo 'Giải pháp xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao'. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã có ý kiến góp ý về đề án này.
Theo Sở Công thương TP.HCM, thành phố là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc khai thác tốt tiềm năng của Thành phố, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, trưởng kinh tế TPHCM đã và đang chuyển dịch đúng hướng và tăng dần tỷ trọng dịch vụ so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Tỷ lệ này năm 2010 chiếm hơn 57,6% GRDP, năm 2020 tăng lên 62,5% và năm 2023 là 64,9%.
Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ lực như: bán buôn, bán lẻ, vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản... chiếm hơn 90% khu vực dịch vụ của Thành phố.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, để thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thành phố cần đánh giá lại 9 ngành dịch vụ chủ lực của thời gian qua. Để làm rõ, sự phát triển này theo cơ chế thị trường hay do có những chính sách tác động của Nhà nước.
TPHCM cũng cần xác định những ngành dịch vụ chiến lược trong thời gian tới và có chính sách tác động hiệu quả. Ông Trần Du Lịch phân tích thêm:
Nhà nước tác động chính sách, cơ chế gì, một hệ sinh thái như thế nào để các ngành dịch vụ này phát triển theo định hướng của Thành phố, chứ không phải là tự phát. Đề án này phải trả lời được câu hỏi đó thì nó mới đi vào cuộc sống ?
Cùng quan điểm với ông Trần Du Lịch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, thành phố phải đẩy mạnh chuyển đổi số tạo môi trường thuận lợi, sự kết nối dữ liệu giữa các ngành với nhau, để giảm chi phí giúp cho sự phát triển của ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao:
TP.HCM phải có cơ chế chính sách đầu tư lớn về tài chính hỗ trợ các ngành dịch vụ này phát triển, trong đó sẵn sàng cơ chế thử nghiệm. Đầu tư cho ngành dịch vụ là đầu tư cho tài sản vô hình nên rất khó thấy rõ “hình dáng” ban đầu nhưng đầu tư đúng hướng thì nó phát huy hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình
Ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo của TP.HCM cho rằng, Chính chủ đã ban hành Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa đến năm 2030 và nó chiếm 7% GDP. Vì vậy, cần đề cập rõ nét hơn vị trí của ngành dịch vụ giải trí.
Theo ông Đảo, ở Hàn Quốc, xuất khẩu sản phẩm văn hóa hàng năm là 13 tỷ USD, đây là con số không nhỏ.
Trong các dịch vụ, chúng ta nên có 1 dịch vụ công nghiệp văn hóa, mặc dù nó đã có rải rác ở 1 số lĩnh vực. Vì công nghiệp văn hóa có đến 12 ngành, thì chúng ta chưa nói rõ vai trò của nó trong đề án, mà xếp nó vào những ngành dịch vụ khác, chứ chưa nổi bật vai trò của nó.