Có chồng hờ hững cũng như không
Nhiều lúc Linh không sao xóa được ý nghĩ chồng mình mà cứ như người dưng.
Hình như Huy chỉ muốn làm người đàn ông lý tưởng trong mắt người ngoài, còn về nhà với vợ con thì như kẻ vô hình. Đi đâu người ta cũng khen Linh chọn chồng khéo thế, vừa đẹp trai lại tài hoa, vừa khéo mồm miệng lại giỏi cả chân tay, thật chẳng ai bằng. Linh chỉ biết cười trong lặng thầm, chua xót.
Sáu năm trước cũng vì nghĩ đời mình may mắn khi có được Huy, nên bây giờ cực khổ Linh nào dám kêu ai. Không nhẽ bảo với thiên hạ rằng cái người đàn ông tuyệt vời mà họ vẫn nhìn thấy thực ra không phải chồng mình.
Hoặc thứ Linh có chỉ là cái bóng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đã có lần Linh phải thốt lên rằng có phải Huy đã quá chán cái gia đình này? Có phải Linh không xứng đáng được hưởng hạnh phúc như những người đàn bà khác?
Hay đơn giản chỉ vì Huy thích thú sống hộ phần người khác nên sức tàn lực kiệt trong vai trò của chính mình? Hãy trả lời đi để Linh biết mình cần phải làm gì…
Huy chẳng làm chức gì ở khu phố, cũng chẳng phải thợ sửa chữa điện nước ăn lương hằng tháng. Ấy vậy hễ có việc gì các bà vợ lại cầm máy gọi cho anh. Nào thì chập điện, tủ lạnh hỏng, máy giặt ngừng quay, bồn cầu bị tắc… cứ gọi là Huy đến, hì hụi sửa chữa cho người ta chẳng kể sớm khuya, mưa nắng. Linh từng bảo: “Nhà người ta cũng có đàn ông sao anh phải vất vả chi cho khổ?”.
Huy càu nhàu “Bán anh em xa mua láng giềng gần, ai cũng nghĩ như em thì cần gì hàng xóm”. Huy nói vậy mà không biết nghĩ, thiên hạ khối người nhờ vả được mà cũng chê bai được. Trước mặt họ đon đả nói cười, khen ngợi hết lời thế thôi chứ sau lưng biết đâu họ lại bảo “Cũng may mà có cái đứa dễ sai bảo vặt, chồng mình đỡ phải nhúng tay làm”.
Đành rằng nhiều người tôn trọng, nể nang Huy thật. Nhưng Huy không bao giờ chịu tự nhìn lại mình xem có giống kẻ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Suốt ngày chỉ thích lo những chuyện bao đồng. Huy như chồng chung của cả khu phố.
Con người ta ốm cũng gọi Huy chở đi bệnh viện. Nhà người ta cơm không lành canh không ngọt cũng gọi Huy giải quyết. Huy chẳng biết phân biệt xem việc gì nên giúp việc gì không. Mặc cho người thân đã nhiều lần can ngăn Huy đừng ôm rơm nặng bụng. Vậy mà anh nào nghe.
Nếu với vợ con mình mà Huy cũng đối xử tốt như với người dưng thì có lẽ Linh đã chẳng nhiều lời. Nhưng Huy đã lâu rồi không đưa con đi học, không thu dọn nhà cửa, không vào bếp nấu ăn. Cái bóng điện trong nhà vệ sinh hỏng cả tuần Huy cũng không thèm mó đến.
Linh giục thì Huy bảo “cứ từ từ”. Xe đạp của con bị bung bánh, thằng bé đã mấy lần năn nỉ “bố ơi sửa giúp con” nhưng lần nào Huy cũng có lý do để bận. Nhà kho chật ních, đồ đạc cồng kềnh bề bộn, Huy sức dài vai rộng không buồn nhúng tay để mặc Linh quần quật quét dọn hết tối này qua tối khác.
Con ốm, Huy chẳng buồn thuốc thang, vậy mà con hàng xóm ho thôi cũng khiến Huy sốt sắng hỏi han đủ kiểu. Vợ tai nạn chân đi tập tễnh, mỗi sáng nhờ Huy dắt cái xe cũng cảm thấy khó khăn. Vợ bận bịu hết chuyện cơ quan đến đưa đón, chăm sóc con cái, vậy mà về đến nhà thấy chồng ngồi vểnh râu đọc báo.
Rác có ngập đầu Huy cũng kệ, đến bữa vợ nấu thì Huy ăn còn nếu không thì phóng xe đi nhậu. Đàn ông tuyệt như Huy thiếu gì người mời cơm, vợ con đói thì mặc kệ.
Huy ra ngoài mồm năm miệng mười. Gặp vợ người ta là khen hết cả phần người khác. Ấy vậy về nhà cấm có khen vợ, nịnh con được câu nào, mặt cứ đăm đăm cáu gắt. Chê vợ vụng, con hư, động đến gì cũng tỏ ra ngán ngẩm.
Kiểu như có bao nhiêu tinh hoa phát tiết hết bên ngoài cánh cửa gia đình nên vợ con Huy đành phải hưởng cái phần gàn dở nhất. Sẽ đến một lúc nào đó Huy nhận ra ý nghĩa của hạnh phúc gia đình. Là lúc Huy ốm đau sẽ chỉ có vợ con chăm sóc.
Lúc Huy gục ngã chẳng ai chìa vai cho bấu víu, nên Huy hãy thôi làm chồng thiên hạ mà quay về vun vén cửa nhà. Bởi Linh không biết mình còn chịu đựng được bao lâu cái cảnh “có chồng hờ hững cũng như không”…
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/co-chong-ho-hung-cung-nhu-khong-121105