'Cổ chứng' có đang thực sự hấp dẫn?
Kỳ vọng vào sự phục hồi lợi nhuận khả quan được cho là đòn bẩy giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến khá tích cực trong thời gian qua, nhất là khi hệ thống KRX đang đếm ngược ngày chính thức vận hành.
Theo quan sát, giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong giai đoạn hiện nay đang chiếm 25% - 30% tổng giá trị giao dịch mỗi ngày.
Diễn biến tích cực
Cùng với đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có một khoảng thời gian chạy đà khá tích cực. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ trong hơn một tháng, hàng loạt cổ phiếu nhóm này đã tăng rất mạnh. Có thể kể đến như SSI của Chứng khoán SSI (+30%), VND của VNDirect (+39%), VCI của Chứng khoán Vietcap (+35%), HCM của Chứng khoán TP HCM (+27%), MBS của Chứng khoán MB (+56%), SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (+60%), VIX của Chứng khoán VIX (+48%),…
Đáng chú ý, trong phiên 4/12, VN-Index đã có một phiên giao dịch sôi động bất ngờ với thanh khoản khớp lệnh trên 3 sàn vượt ngưỡng tỷ USD. Tâm điểm là nhóm chứng khoán với sắc xanh tím trải rộng ở hàng loạt cổ phiếu với mức tăng trên 5%. Cùng với đó là giao dịch bùng nổ khi hầu hết các cổ phiếu đều ghi nhận thanh khoản tăng đột biến.
Thậm chí, SSI, VND và VIX đều khớp lệnh trên nghìn tỷ, chiếm trọn 3 vị trí dẫn đầu toàn sàn về cả khối lượng và giá trị giao dịch. Trong đó, khối lượng giao dịch của SSI lên cao nhất trong hơn một tháng, VND ghi nhận thanh khoản cao nhất từ giữa tháng 8, còn VIX khớp lệnh kỷ lục kể từ khi niêm yết với hơn 68,8 triệu đơn vị.
Việc cổ phiếu chứng khoán bứt phá mạnh trong bối cảnh hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam) đang đến gần ngày chính thức vận hành (go-live) theo kế hoạch là cuối tháng 12/2023. Các đợt kiểm thử gấp rút được triển khai với sự tham gia của cơ quan quản lý và thành viên thị trường bao gồm các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) cũng ra thông báo sẽ xem xét xử lý vi phạm với bất kỳ công ty chứng khoán nào không tham gia hoặc tham gia không đạt yêu cầu kiểm thử hệ thống KRX.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), đến cuối tháng 9/2023, tổng cộng 59 công ty chứng khoán đã kiểm thử thành công 100% các chức năng go-live của hệ thống KRX.
Bên cạnh kỳ vọng vào KRX, một trong những động lực thúc đẩy nhóm chứng khoán đi lên mạnh mẽ là sự phục hồi lợi nhuận khả quan của các công ty chứng khoán. Theo thống kê, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý III ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 23% so với quý II và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý I/2022 - thời điểm thị trường chứng khoán đang trên đỉnh 1.500 điểm với giao dịch cực kỳ sôi động.
Chưa nên mừng vội?
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KBSV cho rằng mức nền thấp vào quý IV năm ngoái sẽ là động lực cho tăng trưởng của nhóm ngành chứng khoán trong thời gian tới. Bởi trong quý IV/2022, nhóm công ty chứng khoán ghi nhận khoảng thời gian khó khăn nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, kết quả thực tế còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường trong tháng cuối năm, vì dù sao đây cũng là nhóm cổ phiếu có hệ số beta cao, biến động mạnh theo diễn biến của thị trường.
Chưa kể, có ý kiến cho rằng “go-live” có khả năng chậm hơn dự kiến khoảng 3 – 5 tháng, từ đó gây ra sự “hụt hẫng” cho tâm lý nhà đầu tư.
Chia sẻ với VnBusiness, chuyên viên kỹ thuật của một công ty chứng khoán thông tin, hiện nay, việc test hệ thống giữa các bên bao gồm: KRX, Trung tâm Lưu ký (VSD), HoSE, các công ty chứng khoán, và các vendor cung cấp phần mềm cho các công ty chứng khoán đang phát sinh nhiều lỗi sau quá trình test 2 tuần đầu tiên, như: lệnh treo không vào được, không truy xuất được báo cáo, trả kết quả chưa chính xác…
Chuyên viên này cũng cho biết, theo tham khảo quan điểm một số bên tham gia test thì có thể trễ 3 - 5 tháng, tức kỳ vọng “go-live” nhanh nhất cũng phải cuối quý I hoặc quý II/2024.
Mặt khác, giai đoạn cuối năm 2023, các công ty chứng khoán đang gấp rút tăng mạnh vốn. Nhìn rộng hơn, hơn 2 năm qua, nhiều công ty chứng khoán đã dồn dập tăng vốn điều lệ với tổng quy mô tăng gấp 2,5 lần. Mặc dù việc tăng vốn khủng được cho là động lực để thị giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá, tuy nhiên đi cùng với đó là lo ngại pha loãng cổ phiếu.
"Bởi khi “nồi cháo” đã to hơn, nó sẽ loãng ra nhiều và cần thời gian cho thêm thịt thà mắm muối – chính là việc gia tăng hơn nữa lợi nhuận của các doanh nghiệp trong thời gian tới thì mới ngon trở lại", một chuyên gia ví von.
Chưa kể, định giá của nhóm chứng khoán cũng đã không còn quá hấp dẫn sau nhịp tăng vừa qua. Đa phần các cổ phiếu nhóm này đang có P/B ở trên mức trung bình 5 năm và cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành trong khu vực.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ pha loãng cổ phiếu là điều không thể tránh khỏi, nhưng cũng không phải sự pha loãng nào cũng mang lại rủi ro. Việc này sẽ phụ thuộc vào nội lực của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 40% trong năm nay sẽ có thể bù đắp phần nào mức độ pha loãng này. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ kế hoạch phát hành, chia cổ phiếu mới của từng doanh nghiệp để tránh thiệt hại.
“Các cổ phiếu có mức P/B dưới trung bình, thị phần nằm trong nhóm dẫn đầu cùng nền tảng kinh doanh tốt sẽ là cơ hội đầu tư đáng quan tâm để giải ngân trong thời gian tới”, KBSV nhấn mạnh.