Có chúng tôi - người lính Cụ Hồ
'Mỗi người dân là một chiến sĩ' - câu khẩu hiệu từng trở thành suy nghĩ và hành động của các thế hệ người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giành và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Và hôm nay, khi đất nước đang đối diện với 'kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa', những người lính Cụ Hồ lại không màng hiểm nguy 'ra trận', sống trọn với bài ca yêu Tổ quốc…
Có chúng tôi - người lính Cụ Hồ
Trên “mặt trận” không tiếng súng
4 giờ sáng, như một thói quen, ông Trần Minh Tâm (Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Cựu Chiến binh khu phố 10, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) lại giật mình tỉnh giấc, để chuẩn bị ra chốt, công việc mà mấy tuần qua ông vẫn đồng hành cùng anh em trực. Nhưng định thần lại mới nhớ ra chốt đã được tháo dỡ mấy ngày nay rồi. Chắc nỗi lo chìm cả vào giấc ngủ.
Hơn 20 ngày ở chốt là những ngày giờ giấc sinh hoạt của ông đảo lộn. “Cứ vơi bớt người qua lại thì vào nhà nghỉ, chứ không biết 12 giờ trưa hay 9, 10 giờ đêm”, người cựu chiến binh đã ở tuổi 66 nhớ lại.
Điểm chốt tại đường Lê Thị Hồng Gấm – Võ Văn Tần có lưu lượng người và xe qua lại khá đông, nhất là từ khi TP. Phan Thiết nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 kể từ ngày 8/9. Hôm nào cũng hàng trăm lượt người tới gửi nhận hàng từ ngoài vào và ngược lại, khiến cho lực lượng trực chốt lạc cả giọng khi nhắc nhở bà con xếp hàng, đứng đúng vị trí, khoảng cách, xịt khử khuẩn, kể cả đậu xe đúng chỗ nhằm tránh ùn tắc. “Phải đầy đủ giấy tờ theo quy định mới được qua chốt, không ngoại trừ bất kỳ đối tượng nào. Riêng những trường hợp cần hỗ trợ mua thuốc hoặc khẩn cấp sau 6 giờ tối, lực lượng trực sẵn sàng chở đi”, ông Tâm nói.
Để người dân an tâm và tuân thủ phòng chống dịch tại nhà, nhất là 86 hộ thuộc khu phố 10 nằm trong khu vực phong tỏa, ông Trần Minh Tâm và khu phố trưởng Trần Văn Minh kịp thời nắm bắt đời sống từng gia đình. Lập danh sách các trường hợp cần giúp đỡ. Nên ngay khi nhận hỗ trợ của chính quyền và mạnh thường quân gửi vào 8 tấn gạo, cùng nhu yếu phẩm khác, ban điều hành khu phố đã tới tận nhà trao cho bà con. Thậm chí có trường hợp ở nhà trọ, đang nuôi con nhỏ còn được chia sẻ thêm phần sữa, tã và tiền mặt.
Đi dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù trên các chiến trường ở Tây Nguyên, Campuchia, rồi biên giới phía Bắc còn không màng đến hy sinh, gian khổ, thì trong cuộc chiến này, ông càng không thể đứng ngoài cuộc. Ông Tâm chi sẻ thêm: “Tôi nghĩ công tác phòng chống dịch Covid-19 không là nhiệm vụ của riêng ai, mỗi người dân đều cần có ý thức, có trách nhiệm cùng tham gia. Thêm nữa là một đảng viên, cần phải gương mẫu đi đầu. Trước thời điểm Bình Thuận có trường hợp nhiễm bệnh, 11 tổ giám sát cộng đồng cùng ban điều hành khu phố đi nhắc nhở tuyên truyền, mở loa di động để bà con tuân thủ theo quy định 5K của Bộ Y tế. Không chỉ tôi, mà con trai cũng đang tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện của thành phố hơn 2 tháng nay. Những việc làm nhỏ nhưng tôi nghĩ cần làm và nên làm”.
Trở lại cuộc sống bình thường sau khi điểm chốt trên đường Lê Thị Hồng Gấm được tháo gỡ, người cựu chiến binh già lại tất tả với việc phân phát gạo của Chính phủ hỗ trợ cho bà con trong khu phố. “Việc chỉ nặng khi lòng mình nghĩ nặng”, nụ cười hiền ánh lên trên đôi mắt của người lính năm xưa.
Sẵn sàng khi Tổ quốc cần
Không giống như những quân thù trước đây họ đối mặt, được trang bị vũ khí đạn dược, “giặc” lần này vô hình, không thể nhìn thấy hay cầm, nắm. Chỉ biết rằng chúng đã mang đến bao đau thương, mất mát cho tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Cũng chính sự vô hình của vi rút SARS-CoV-2 và sức lây lan, hủy diệt của nó mà cuộc chiến chống “giặc dịch” này lại càng nguy hiểm hơn rất nhiều. Nhưng với những cựu chiến binh (CCB) đã dạn dày sương gió, quen với thử thách gian truân thì được cống hiến, đóng góp công sức cho quê hương đẩy lùi dịch bệnh mới là “chân lý”.
Hình ảnh những mái đầu pha 2 thứ tóc trong bộ quân phục cũ tại các tổ Covid-19 cộng đồng cho đến tổ trực khu cách ly, khu phong tỏa vừa nhẹ nhàng nhắc nhở, vừa cương quyết yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Sự tận tụy, gương mẫu và chuẩn mực của các bác, các anh không chỉ tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho những người trẻ đang làm nhiệm vụ tại địa bàn, mà còn là sự chấp hành tức thì của nhân dân. Như ở thôn Thanh Phong (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam), địa bàn giáp ranh với xã Tân Hải (La Gi) – khu vực đang là “điểm nóng” và có tuyến đường ven biển ĐT 719 đi qua, hơn 2 tháng nay, 10 hội viên CCB sẵn sàng cắt bớt thời gian việc nhà để tham gia phòng chống dịch. Ông Ngô Hải Duyên – Chi hội trưởng CCB, công an viên thôn Thanh Phong chia sẻ: “Việc nhà nông chẳng khi nào ngơi tay, nhưng ai cũng ngại khó thì đến bao giờ mới hết dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Vì thế chúng tôi nghĩ, làm được gì cho cuộc chiến chống dịch thì cứ cố gắng, đó cũng là việc rất đỗi bình thường”.
Là cánh tay đắc lực của Đảng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các CCB luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng gương mẫu trong mọi hoạt động, kiên quyết đấu tranh chống diễn biến hòa bình và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhất là trong thời điểm hiện nay, họ càng không cho phép mình dừng bước, phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau để chung tay góp sức cùng cán bộ, nhân dân trong phòng chống dịch bệnh. Mỗi hội viên lại có sự đóng góp khác nhau. Người có sức khỏe thì tham gia vào công tác tuyên truyền, trực chốt như ông Trần Minh Tâm (phường Phú Trinh), Phan Văn Cường, Nguyễn Thanh Huy, Ngô Hải Duyên (xã Tân Thuận), Đào Nguyên Minh (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết), Nguyễn Hoàng Sinh (phường Xuân An, TP. Phan Thiết)… hoặc bằng hình thức vận động, hỗ trợ vật chất để mua nhu yếu phẩm gửi tặng hội viên và người dân khó khăn. Tính từ đợt dịch lần thứ nhất năm 2020 đến nay, các cấp hội đã quyên góp được gần 3,4 tỷ đồng và 200kg gạo, 2 tấn rau.
Chưa dừng lại ở con số trên, thực hiện “Chương trình hỗ trợ triệu phần quà đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp triển khai, Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh phát động toàn thể cán bộ, hội viên hội CCB các cấp chung sức, đóng góp, ủng hộ theo 3 mức, tối thiểu từ 10.000 đồng/người đến 1 ngày lương cơ bản, lương hưu.
Dù chia sẻ, đóng góp bằng cách nào cho cuộc sống này, cho hôm nay thì lẽ sống nhân văn cao đẹp của những người lính bộ đội Cụ Hồ trong tỉnh đều mang giá trị vĩnh hằng, vẫn mãi lấp lánh. Lý tưởng cách mạng ấy sẽ được truyền cho thế hệ trẻ để luôn giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở và xây dựng quê hương tươi đẹp trong thời kỳ mới.
Giữa thời bình, khi dịch bệnh xảy ra, những người lính Cụ Hồ vẫn phát huy truyền thống, phẩm chất, trách nhiệm, đặc biệt là tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thời gian cao điểm nhất, đã có 800 hội viên/19.000 hội viên CCB trong tỉnh tham gia vào các tổ Covid-19 cộng đồng, trực chốt ở khu phong tỏa, khu cách ly.
Thùy Linh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/co-chung-toi-nguoi-linh-cu-ho-141576.html