Có chương trình mục tiêu riêng, văn hóa sẽ được đầu tư xứng đáng

Theo chương trình Kỳ họp thứ Bảy, tuần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN THỊ MAI THOA cho rằng, nếu không được xác định một khoản đầu tư có mục tiêu riêng thì đầu tư cho văn hóa, thể thao chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với vai trò, tầm quan trọng và tạo ra được bước phát triển đột phá.

Cần một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mang tính tổng thể

- Chuẩn bị cho việc thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát, làm việc với một số địa phương và đơn vị nghệ thuật, tham vấn chuyên gia... Tham gia các cuộc làm việc, bà nhận thấy nhu cầu và mong muốn về một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ở thời điểm này như thế nào?

- Về lý luận, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc là mục tiêu quan trọng của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Về thực tiễn, qua làm việc với địa phương, cơ sở, với chuyên gia và giới văn nghệ sĩ, chúng tôi nhận thức rất rõ nhu cầu về việc tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, ngày 11.5.2024 - Ảnh: Ngọc Trung

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, ngày 11.5.2024 - Ảnh: Ngọc Trung

Trong giai đoạn trước, đã có một số Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Thông qua các Chương trình này, nhiều di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng đã được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng và cấp trang thiết bị hoạt động cho các trung tâm văn hóa cấp huyện và nhà văn hóa - thể thao cấp xã, thôn…

Từ năm 2020 đến nay, cả nước chỉ còn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình này cũng có nội dung liên quan đến văn hóa nhưng chưa bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng. Trong khi đó, các chuyên gia, văn nghệ sĩ, các địa phương đều khẳng định rất cần một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mang tính tổng thể để đầu tư cho văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

- Các nội dung trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này đã “khớp” với nhu cầu thực tế đó chưa?

- Theo Báo cáo của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa bao gồm 10 nội dung thành phần, ngoài nội dung 10 liên quan đến công tác quản lý nhà nước, 9 nội dung còn lại gồm: (1) Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; (2) Phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; (3) Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; (4) Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; (5) Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; (6) Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; (7) Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; (8) Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; (9) Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN THỊ MAI THOA

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN THỊ MAI THOA

Các nội dung thành phần mà Chương trình đề xuất đều rất quan trọng và cần thiết, đã được thảo luận, đánh giá kỹ về nhu cầu thực tiễn phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Sở dĩ chúng ta cần nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia chứ không phải các dự án đầu tư công thông thường bởi trong cơ cấu đầu tư của các địa phương, các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… thường được ưu tiên hơn. Nếu không được xác định một khoản đầu tư có mục tiêu riêng thì đầu tư cho văn hóa, thể thao chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với vai trò, tầm quan trọng và tạo ra được bước đột phá trong phát triển lĩnh vực này.

Phân nhóm nhiệm vụ, phân cấp quản lý rõ ràng

- Năm 2023, Quốc hội đã giám sát tối cao việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai. Những khó khăn, vướng mắc, bất cập chỉ ra từ chuyên đề giám sát đó, theo bà, đã được rút kinh nghiệm cho việc xây dựng Chương trình này hay chưa?

- Về cơ bản, cơ chế quản lý của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thiết kế phù hợp với cơ chế quản lý của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra. Tuy vậy, số lượng văn bản hướng dẫn giao cho các bộ, ngành ban hành còn khá nhiều, có thể gây khó khăn cho cán bộ thực thi cấp xã. Vì vậy, để bảo đảm chương trình đáp ứng yêu cầu dễ thực hiện, dễ quản lý và đạt hiệu quả cao, tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để giảm bớt số lượng văn bản hướng dẫn; đồng thời cần cấu trúc, phân nhóm nhiệm vụ, phân cấp quản lý rõ ràng đối với các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tránh trùng lặp, chồng chéo, xung đột, bảo đảm gọn, rõ thẩm quyền, không có quá nhiều đầu mối.

- Quy trình trình Quốc hội cho ý kiến đối với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình này như thế nào, thưa bà?

- Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng Chương trình. Vì vậy, nhằm xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng để xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.

- Xin cảm ơn bà!

Hương Linh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/co-chuong-trinh-muc-tieu-rieng-van-hoa-se-duoc-dau-tu-xung-dang-i373795/