Có cơ sở để kỳ vọng kinh tế quý II khởi sắc

Chia sẻ tại Tọa đàm báo chí về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 vào tuần trước, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tích cực hơn, song thách thức còn nhiều

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế gần 6 tháng qua vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy (tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản đề ra ở mức 5,6% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư… tích cực hơn qua từng tháng.

Kinh tế 6 tháng qua đạt được nhiều kết quả tích cực

Kinh tế 6 tháng qua đạt được nhiều kết quả tích cực

“Xu hướng này cho chúng ta kỳ vọng tốc độ tăng trưởng quý II và 6 tháng sẽ tiếp tục tích cực, dự báo có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,2% và 6,0%)”, ông Nguyễn Đức Tâm tin tưởng.

Cùng với đó, nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng... tiếp tục được tập trung, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển. Ví dụ, trong phần vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia. Đến nay, cả nước đã có khoảng 2.000 km đường cao tốc đi vào hoạt động và mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là có thể đạt được.

Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).

Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Đặc biệt là, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn, trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực của Luật (hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng đã được trình và thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29/6 tới). Bên cạnh đó, một nhóm kết quả quan trọng khác là công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Trong đó đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các Hội nghị điều phối vùng, Hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng trong bối cảnh bất định và biến động gia tăng, khó lường hơn, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, các động lực tăng trưởng (cả ở phía cung và phía cầu) mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024. Doanh nghiệp vẫn đối mặt với các vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý, nhất là một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh… còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để. Tiêu dùng trong nước dù tăng khá, nhưng dự báo cả năm khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước đại dịch Covid-19. Tăng trưởng xuất khẩu cũng tích cực trở lại, song vẫn đối mặt với không ít khó khăn từ bất định của thị trường thế giới và áp lực cạnh tranh, rào cản thương mại gia tăng.

Nhận diện, tập trung tháo gỡ ngay những điểm nghẽn

Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro. Dư địa điều hành lạm phát cả năm không còn nhiều (bình quân 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ), có những yếu tố tác động lên lạm phát rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới và tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

Về vấn đề này, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC tại báo cáo vĩ mô tháng 6 nhận định: Lạm phát tháng 5 neo ở mức 4,4% so với cùng kỳ năm trước, gần chạm đến trần 4,5%. Phân tích chi tiết cho thấy một bức tranh khá đa chiều. Trong khi giá gạo giảm so với tháng trước, giá thịt lợn đẩy đà tăng giá thực phẩm nói chung lên; hay mặc dù giá xăng dầu giảm, giá điện tăng, thể hiện trong chỉ số CPI với độ trễ là một tháng… “Điều đó nhắc chúng ta nhớ rằng, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động hàng hóa toàn cầu như thế nào. Do đó, lạm phát đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ trong ngắn hạn”, chuyên gia này cho biết.

Lưu ý thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta cần phải có những giải pháp, chính sách tương thích. Trong đó, một đặc điểm nổi lên là kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, bất định lớn, khó đoán định và các cơ hội tồn tại rất ngắn. “Do đó thể chế của chúng ta phải tăng cường phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương”, đại biểu nói. Bên cạnh đó, các thủ tục trong đầu tư công (vấn đề tổng vốn đầu tư, thủ tục trong điều chỉnh quy hoạch cục bộ…) cần sớm được luật hóa thành các cơ chế chính sách đặc thù để quá trình triển khai được nhanh hơn.

Như vậy, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong những nội dung quan trọng cần được tiếp tục chú trọng triển khai. Trong đó liên quan đến đầu tư công, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 tới, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương và giảm bớt thủ tục hành chính trong đầu tư công. Cùng với đó là tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và cho các dự án, công trình giao thông đường bộ, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả.

“Việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.

Không chỉ liên quan đến đầu tư công, mà những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh cũng cần được tập trung tháo gỡ ngay. Vấn đề này được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 93/NQ-CP Chính phủ vừa ban hành ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần quyết tâm cải cách, đổi mới, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để chủ động, tích cực tập trung tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại, không đùn đẩy, né tránh và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-co-so-de-ky-vong-kinh-te-quy-ii-khoi-sac-152826.html