Có CPTPP, thép Việt 'tăng tốc' sang Mexico
3 năm gần đây, xuất khẩu thép sang Mexico tăng trưởng vượt bậc nhờ CPTPP, trong đó, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu thép sang thị trường này đạt trên 700.000 tấn, trị giá gần 800 triệu USD.
Xuất khẩu sắt thép sang Mexico đã tăng trưởng mạnh từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019, nhưng từ đó cũng tiềm ẩn những rủi ro về phòng vệ thương mại.
Tại Tọa đàm trực tuyến “Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA - Nhìn từ vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ 14/1/2019, xuất khẩu sản phẩm thép đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt 700.000 tấn, trị giá gần 800 triệu USD.
Ngoài Hiệp định CPTPP, Mexico còn là thành viên của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico. Do đó, thông qua thị trường Mexico, không gian xuất khẩu sản phẩm thép của Việt Nam được mở rộng rất nhiều.
Xuất khẩu tăng nhanh nhờ thuận lợi hóa thương mại từ các FTA là nguyên nhân khiến thép Việt mới đây bị Mexico đưa vào tầm ngắm khởi kiện.
Số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) (http://trademap.org) cho thấy, trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng có mã HS 7210 chiếm gần 80%.Tháng 8/2021, Bộ Kinh tế Mexico đã nhận đơn của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Việt Nam.
Đây vụ kiện thứ 19 của các nước đối với thép mạ Việt Nam. Điều may mắn trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, chúng ta đề nghị và được Mexico chấp nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Vì vậy, khi điều tra, họ sẽ chấp thuận sử dụng các dữ liệu về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, chứ không sử dụng dữ liệu thay thế, điều rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong các vụ kiện mà nước kiện chưa công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường
Bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại
Do Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên các sản phẩm có mã HS 7210 của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang thị trường này. Đây là vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico đối với Việt Nam.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, "Mexico nhận đơn khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với thép Việt cũng không quá bất ngờ. Hiệp hội Thép Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu thép đã được cảnh báo trước đó từ hơn 1 năm".
Sự cảnh báo dựa trên 2 dấu hiệu, bà Giang nói, do xuất khẩu thép Việt Nam sang Mexico tăng nhanh từ khi CPTPP có hiệu lực và doanh nghiệp thép Mexico kiến nghị lên Chính phủ thép Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép của Mexico.
Khi thâm nhập sâu vào thị trường Mexico cũng như thị trường có FTA, việc đối mặt với kiện phòng vệ thương mại là điều dễ hiểu, bởi các quốc gia đều có thể sử dụng công cụ phòng vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa khi cần thiết.
Tuy nhiên, là ngành đã tham gia sân chơi hội nhập sớm, có nhiều kinh nghiệm trong các vụ việc hàng hóa bị nước ngoài khởi kiện, Hiệp hội Thép Việt Nam đã phối hợp cùng Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) hướng dẫn cho doanh nghiệp chuẩn bị số liệu, sổ sách, tài liệu để trả lời, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra Mexico.
Dù khá chủ động trước các vụ việc phòng vệ, chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu đầy đủ, nhưng bà Giang khuyến cáo: "Những cuộc điều tra phòng vệ thương mại có điểm tiêu cực, như khả năng áp thuế cao, hạn chế khả năng xuất khẩu, và có tính “lây lan”".
Đơn cử, như Mexico điều tra thép Việt cũng có thể là “gợi ý” các thị trường khác điều tra sản phẩm này của nước ta. Song cũng có điểm tích cực, khi doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thì có tinh thần chuẩn bị tốt hơn, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị của mình để mở rộng không gian xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro ở một vài thị trường.
Theo TS. Hoàng Ngọc Thuận, Đại học Ngoại Thương, phòng vệ thương mại ngày càng được các nước thành viên WTO và thành viện của các FTA sử dụng nhiều. Đặc biệt, thép vốn thuộc nhóm sản phẩm bị nhiều nước trên thế giới điều tra phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 40% vụ việc, và 9% đối với các sản phẩm sử dụng thép.
"Các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định, các biện pháp phòng vệ thương mại là không thể tránh khỏi trong thương mại quốc tế", ông Thuận lưu ý.
Để hạn chế nguy cơ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, duy trì hệ thống sổ sách, kế toán minh bạch để sẵn sàng cung cấp thông tin khi cơ quan của nước khởi kiện yêu cầu.
Thực tế, trong từng vụ việc cụ thể, những doanh nghiệp lưu trữ thông tin, hồ sơ tốt thì năng lực chứng minh mình không bán phá giá hay không nhận trợ cấp của Chính phủ sẽ tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp không lưu trữ hồ sơ, khi đó nguy cơ doanh nghiệp bị áp thuế cao sẽ thấp đi.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-cptpp-thep-viet-tang-toc-sang-mexico-d157417.html