Có đáng lo khi VN-Index đổi màu?
'Sắc đỏ' bao phủ VN-Index khi nhà đầu tư bắt đầu có dấu hiệu chốt lời, sau chuỗi tăng 'nóng' liên tiếp từ phiên 'khai xuân'. Dù vậy, giới phân tích cho rằng thị trường vẫn còn nhiều cơ hội, có dư địa lớn để hồi phục sau những phiên giảm mạnh.
Phiên 21/2, chỉ số VN-Index quay đầu xuống mức 1.230,04 điểm, tuy nhiên mức giảm khá nhẹ nhàng nhờ lực đỡ từ cổ phiếu ngân hàng.
Dấu hiệu đổi chiều
Trước đó, VN-Index liên tục duy trì xu hướng tăng giá tích cực khi ghi nhận 7 phiên tăng điểm liên tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu lớn. Theo đó, chỉ số chung đã dứt khoát vượt khỏi ngưỡng cản mạnh 1.200 điểm để lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua. Nhìn xa hơn, VN-Index cũng đã ghi nhận tháng thứ 4 tăng điểm liên tiếp với mức tăng hơn 200 điểm kể từ đáy tháng 10/2023.
Giới phân tích đánh giá, chỉ số VN-Index đang dần tiệm cận ngưỡng cản mạnh 1.250 điểm, do đó áp lực bán sẽ mạnh dần lên và thị trường sẽ đối diện với nhiều rung lắc hơn.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, VN-Index tăng liền mạch nhiều phiên liên tiếp vượt qua kháng cự Fibonacci 50% tại 1.202 và hướng lên các vùng cản kỹ thuật mạnh hơn tại vùng 1.235 – 1.255 điểm - nơi từng là đỉnh của tháng 9/2023 và là giao điểm của đường kháng cự trendline nối liền các đỉnh gần nhất.
Độ rộng thị trường tiếp tục tích cực ủng hộ xu hướng tăng điểm. Về độ rộng thị trường, sự đồng thuận diễn ra khá rõ ở các lớp cổ phiếu khi tỷ lệ % số mã nằm trên MA50/MA20 lên mức 69,44% và 73,26% đồng thời số mã lấy lại được MA200 cũng tăng lên 58,38% cho thấy tín hiệu tích cực về mặt xu hướng.
Mặc dù xu hướng tăng theo đồ thị ngày vẫn mạnh mẽ và VN-Index vẫn trong uptrend mới nhưng bắt đầu cho thấy tín hiệu tăng nóng. Sức nóng bắt đầu thể hiện ở tỷ lệ % số mã có RSI>70 đang lên mức 14,32% - là mức thường xảy ra khả năng rung lắc hoặc đảo chiều của các vùng đỉnh nhỏ trước đây. Chỉ số này càng cao, áp lực đảo chiều có xác suất xảy ra càng lớn.
Tuy nhiên, chuyên gia VPBankS vẫn cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn nhiều cơ hội trong tháng 3. Theo thống kê trong quá khứ, tháng 3 thường có xác xuất tăng điểm, loại trừ ảnh hưởng đặc thù của nhịp giảm mạnh do dịch Covid-19 vào năm 2020 thì thị trường tháng 3 thường duy trì tín hiệu tích cực với mức tăng trung bình 2,46% trong 5 năm gần đây nhất. Và thị trường thường tăng tốt trong 3 tháng đầu năm mới như dữ liệu lịch sử đã chứng minh.
Thêm vào đó, với đà tăng tốc của TTCK toàn cầu, ông Sơn kỳ vọng TTCK Việt Nam vẫn còn dư địa để phục hồi tiếp, trợ lực kéo chỉ số đến từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn đang bắt đầu tăng tốc từ đáy.
Dù vậy, vùng trũng trong năm bắt đầu xuất hiện kể từ tháng 4, đây cũng là tháng ra kết quả kinh doanh và trống thông tin về cuối tháng ẩn chứa nhiều biến động khi VN-Index phải đối mặt với nhiều vùng kháng cự mạnh đang tiến gần. Vùng kháng cự theo trendline nối các đỉnh gần nhất của 2022-2023 đang ở mức 1.235 điểm sẽ là ngưỡng thử thách thị trường trong ngắn hạn.
Trong kịch bản khả quan nhất, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục có nhịp tăng tốc về đích ngắn hạn với vùng điểm mục tiêu 1.255 – 1.280 điểm trước khi một nhịp điều chỉnh lớn xuất hiện. Kịch bản thận trọng hơn, nếu vùng kháng cự 1.235 chưa thể vượt qua và xuất hiện đảo chiều mạnh chỉ số có thể sẽ bước vào nhịp điều chỉnh kiểm nghiệm lại hỗ trợ 1.160 – 1.170 điểm.
Cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh
Theo đó, hầu hết các chuyên gia khuyến nghị hạ dần tỷ trọng trading ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản đã đề cập trên và chỉ trải mua trở lại trong các nhịp điều chỉnh với thanh khoản thấp. Một số nhóm ngành có thể thu hút dòng tiền đáng lưu ý bao gồm ngân hàng, đầu tư công và khu công nghiệp.
Nhìn rộng hơn, trong báo cáo mới nhất, SSI Research cho rằng cả dòng vốn nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài đều thuận lợi cho TTCK trong năm nay. Lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế (giá vàng đã tăng đáng kể, trong khi ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hồi phục). Vì vậy, dòng vốn này có thể quay lại thị trường trong các giai đoạn của năm 2024.
Bên cạnh đó, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư ngoại cũng có thể đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Fed và cơ hội TTCK Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024-2025. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi là sự kiện nhà đầu tư đã mong chờ từ lâu, mở ra kỳ vọng áp lực bán của khối ngoại sẽ không còn mạnh mẽ như năm trước.
"Năm 2024 dự kiến là một năm biến động mạnh, với sự phục hồi mạnh có thể nối tiếp ngay sau điều chỉnh sâu. Nhà đầu tư được khuyến nghị mua khi thị trường điều chỉnh mạnh", báo cáo SSI nhấn mạnh.
Tương tự, VinaCapital kỳ vọng nhà đầu tư trong nước sẽ rót tiền vào TTCK Việt Nam nhiều hơn trong quý I và cả năm nay nhờ 3 yếu tố: lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam đang gần mức thấp nhất; hồi phục kinh tế trên diện rộng sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp - đặc biệt là ngành ngân hàng và các công ty tiêu dùng, và định giá thị trường đang ở mức rất hấp dẫn (VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 10x, dưới gần 2 lần độ lệch chuẩn so với P/E trung bình 5 năm và thấp hơn định giá của các thị trường mới nổi cùng khu vực 25%).
Thêm vào đó, sự phục hồi của ngành bất động sản tại Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian hơn vì các biện pháp để giải quyết các vấn đề của thị trường vẫn đang được triển khai. Do đó, chuyên gia Vinacapital cho rằng TTCK hiện là kênh hấp dẫn nhất để người dân có thể rót tiền trong giai đoạn tới.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/co-dang-lo-khi-vn-index-doi-mau-1098343.html