Cô 'đào thương' một thuở của sân khấu bài chòi

Tuy đã rời xa ánh đèn sân khấu hơn 10 năm, nhưng khán giả yêu mến dân ca kịch bài chòi vẫn nhớ hình ảnh, nét diễn hiền lành, giàu cảm xúc của NSND Linh Nhâm. Không chỉ có tài năng, NSND Linh Nhâm còn được các thế hệ diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh yêu mến bởi đạo đức, nhân cách trong sáng của bà.

Bén duyên bài chòi lúc 14 tuổi

Cuối năm 1971, Đoàn Ca kịch liên khu 5 về tỉnh Thanh Hóa để tuyển diễn viên, nhạc công cho lớp dân ca khu 5B nhằm chuẩn bị vào chiến trường miền Nam phục vụ. Cô bé Lê Thị Nhâm (tên thật của NSND Linh Nhâm) lúc đó mới 14 tuổi đã mạnh dạn đi dự tuyển và lập tức được chọn. “Khi đó, tôi gần như chưa biết gì về bài chòi, dân ca miền Nam. Tôi đi dự tuyển là bởi thích những bộ quân phục và muốn mình được mặc những bộ trang phục đó. Khi lên Thủ đô Hà Nội học, tôi đã nhận được sự quan tâm chỉ dạy tận tình của các thầy cô là những nghệ sĩ lớn như: Thái Sơn, Nguyễn Kiểm, Lệ Thi… nên tôi đã nhanh chóng nắm bắt được cách hát, cách diễn của sân khấu dân ca kịch bài chòi”, NSND Linh Nhâm chia sẻ.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng NSND Linh Nhâm tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng NSND Linh Nhâm tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024.

Rời xa gia đình để lên Hà Nội theo học sân khấu dân ca kịch bài chòi từ lúc tuổi còn nhỏ với bao thử thách, khó khăn, nhưng ngày lại ngày, từ đầu năm 1972 đến giữa năm 1974, NSND Linh Nhâm và những bạn học cùng khóa đã miệt mài tập luyện, học tập tại Đoàn Ca kịch liên khu 5. Cùng với đó là những buổi biểu diễn phục vụ khán giả ở các địa phương lân cận Hà Nội. Đến tháng 7-1974, NSND Linh Nhâm đã xung phong vào chiến trường miền Nam để biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Điểm đến của bà và các thành viên khác trong lớp học là Đoàn Ca kịch giải phóng khu Trung - Trung Bộ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 ở vùng miền núi tỉnh Quảng Nam. Trong chưa đầy 1 năm, bà đã tham gia biểu diễn hơn 60 buổi để phục vụ bộ đội, nhân dân ở 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Có nhiều đêm diễn, sân khấu được dựng ở ngay vùng giáp ranh với địch; có đêm đang diễn thì bị pháo địch tập kích ngay gần sân khấu… Những đêm diễn như thế càng thêm động lực để NSND Linh Nhâm cũng như anh chị em nghệ sĩ khác thêm ý chí, quyết tâm bám vững nghệ thuật bài chòi và phục vụ khán giả tốt hơn.

Tài năng xuất sắc

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, NSND Linh Nhâm cùng anh chị em nghệ sĩ ở Đoàn Ca kịch giải phóng khu Trung - Trung Bộ được Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 điều về xây dựng phong trào văn nghệ ở tỉnh Phú Khánh. Vì thế, có thể xem NSND Linh Nhâm là một trong những người đầu tiên góp phần xây nền móng cho sân khấu dân ca kịch bài chòi Khánh Hòa. Từ những ngày đầu tiên ở Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh, rồi Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa, đến Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, NSND Linh Nhâm đều đã trải qua những cung bậc thăng trầm với nghề. Đến với sân khấu dân ca kịch bài chòi từ rất sớm, nhưng NSND Linh Nhâm được những người trong nghề đánh giá là bông hoa nở muộn. Sự muộn màng đó không phải do tài năng mà phần nhiều do duyên nghiệp. Bởi cùng thời với NSND Linh Nhâm, ở Đoàn Dân ca kịch có những đào chính tài sắc khác như: NSND Thanh Bình, NSƯT Hạnh Nguyên… Thêm một yếu tố nữa chính là nét diễn của NSND Linh Nhâm thường hợp với những vai bà mẹ, người già có hoàn cảnh bi thương nên khi dựng vở, các đạo diễn thường ấn định những vai như thế cho NSND Linh Nhâm.

NSND Linh Nhâm.

NSND Linh Nhâm.

Tuy nhiên, với tinh thần lao động nghiêm túc, tâm huyết với từng vai diễn được giao, NSND Linh Nhâm vẫn để lại dấu ấn trong lòng khán giả qua các vai diễn như: Bà mẹ (trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn), bà Nhân (vở Nỗi đau tình mẹ), Mý Tam (vở Nước mắt người mẹ trẻ), Ngọc Hân (vở Bắc Bình Vương xử án)… Năm 2001, với những thành tích, cống hiến cho sân khấu dân ca kịch bài chòi, bà đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Và trong đợt phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10 năm 2023, bà được phong tặng danh hiệu NSND. Đó là những ghi nhận xứng đáng cho hành trình lao động nghệ thuật miệt mài, chuyên nghiệp của NSND Linh Nhâm trong hơn 40 năm. Sau ngày về nghỉ hưu theo chế độ, NSND Linh Nhâm vẫn tận tình trao truyền nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên thế hệ sau của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh; tham gia hoạt động nghệ thuật tại các câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; giới thiệu nghệ thuật bài chòi tại các trường học… Chỉ đến mấy năm gần đây, do hoàn cảnh gia đình nên NSND Linh Nhâm đành phải tạm ngưng tham gia các hoạt động nghệ thuật.

“NSND Linh Nhâm là 1 trong 4 NSND ở tỉnh Khánh Hòa. Khi nói về NSND Linh Nhâm, điều ấn tượng với khán giả và giới chuyên môn không chỉ là tài năng mà còn là đạo đức, nhân cách, tinh thần của một người nghệ sĩ chân chính. Tài năng của bà được thể hiện một cách xuất sắc trong những vai diễn được giao và đạt những giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, dù đó đa phần là những vai phụ, ít đất diễn. Với tính cách hiền lành, nhẹ nhàng nên gần như trong suốt sự nghiệp của mình, bà luôn nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202401/co-dao-thuong-mot-thuo-cua-san-khau-bai-choi-67c5cb1/