Có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng trong vụ lái xe ngang nhiên chặn đường quốc lộ?

Công an vào cuộc điều tra, xác minh vụ 2 tài xế lái 2 ô tô chặn xe trên QL 20 (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng) 'mở đường' cho đoàn xe không ưu tiên...

Ô tô chắn ngang Quốc lộ 20 để “mở đường” cho đoàn xe doanh nhân đi qua ở tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: MXH

Ô tô chắn ngang Quốc lộ 20 để “mở đường” cho đoàn xe doanh nhân đi qua ở tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: MXH

Ngang nhiên chặn đường

Ngày 4/5, thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đang tổ chức thu thập thông tin, xác minh 2 tài xế lái 2 ô tô chặn xe trên Quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn thị trấn Đạ M'Ri, huyện Đạ Huoai để cản đường cho đoàn xe của doanh nhân băng qua đường gây bức xúc dư luận.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an Lâm Đồng, hiện tại, những người liên quan trong vụ việc đã di chuyển xuống thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Do đó, đơn vị cử cử cán bộ trực tiếp đến xác minh.

“Sau khi xác minh có đầy đủ thông tin, chứng cứ, cơ quan chức năng mới căn cứ để đưa ra quyết định xử lý hành chính hoặc hình sự”, vị đại diện thông tin.

Trước đó, chiều 3/5, sau khi nhận thông tin từ người dân, công an tỉnh Lâm Đồng đã cử tổ công tác xác minh, làm rõ vụ 2 ô tô chắn ngang quốc lộ 20 để cản đường cho đoàn xe của doanh nhân băng qua đường.

Theo thông tin do người dân ghi lại, vụ việc xảy ra trên quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn thị trấn Đạ M'Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng vào chiều 2/5.

Cụ thể, sau khi dùng bữa trưa tại khu du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen, đoàn xe Caravan được cho là của CLB Doanh nhân 2030 Saigon Times Club rời khu du lịch này hướng ra quốc lộ 20 để lên huyện Đơn Dương. Đáng nói, khi ra đến quốc lộ 20, nhóm này dùng 2 ô tô chắn giữa quốc lộ 20 theo chiều lên và xuống để đoàn xe hàng chục chiếc lần lượt băng qua đường.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi chặn đường để cho đoàn xe không ưu tiên đi qua, diễu hành là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và còn có thể được xác định là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo luật sư, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Tiến sĩ Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Tiến sĩ Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Cường nhấn mạnh, quy định của pháp luật thì hệ thống đường bộ là hạ tầng để thực hiện các hoạt động tham gia giao thông, các phương tiện được bình đẳng với nhau khi tham gia giao thông và phải tuân thủ các quy tắc để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội.

Nếu các tổ chức cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm luật trật tự ATGT đường bộ, gây cản trở hoạt động giao thông đường bộ hoặc xâm phạm đến quyền được tự do, bình đẳng của các chủ thể khi tham gia giao thông thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Vi phạm Luật trật tự ATGT đường bộ?

Luật sư Cường phân tích, người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác.

"Việc nhường đường khi tham gia giao thông được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng giữa các phương tiện, chỉ có xe ưu tiên (như xe cứu thương, cứu hỏa, xe có cảnh sát dẫn đường, xe hộ đê...) mới là phương tiện được ưu tiên khi tham gia giao thông, buộc các phương tiện khác phải nhường đường...", luật sư Cường cho biết.

Đối với vụ 2 tài xế lái 2 ô tô chặn xe trên QL 20 (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng) "mở đường" cho đoàn xe không ưu tiên băng qua đường, theo luật sư Đặng Văn Cường, qua camera ghi lại thì đoàn xe này không thuộc trường hợp là xe ưu tiên theo quy định của pháp luật nên sẽ không được nhường đường khi tham gia giao thông.

"Những người này tham gia giao thông phải chấp hành đầy đủ các quy tắc để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, cần phải đi đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ và có trách nhiệm phải nhường đường cho các phương tiện khác ở các nơi giao nhau theo quy định của pháp luật.

Nếu không phải là xe ưu tiên mà lại ngăn cản các phương tiện khác tham gia giao thông, ép buộc các phương tiện khác thì đây là hành vi cản trở giao thông đường bộ, vi phạm Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ...", luật sư Cường lưu ý.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hoạt động của đoàn xe này và làm rõ tất cả các lỗi vi phạm, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xem xét áp dụng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.

Trong trường hợp hành vi chưa đến mức ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, chưa gây cản trở giao thông nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Trường hợp hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự hoặc tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự.

Đ Chung - T Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-dau-hieu-cua-hanh-vi-gay-roi-trat-tu-cong-cong-trong-vu-lai-xe-ngang-nhien-chan-duong-quoc-lo-post729686.html