Sinh viên có hành động vô lễ với cựu chiến binh sẽ bị xử lý như thế nào?

Sinh viên có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, dù ở trong hay ngoài nhà trường, đều có thể bị kỷ luật, mức cao nhất là buộc thôi học.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phan Văn Tú, Văn phòng luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Giáo dục đại học năm 2012 về các hành vi người học không được làm và khoản 1 Điều 6 Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế công tác sinh viên, đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy về các hành vi sinh viên không được làm. Cụ thể: "Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác".

Nhóm sinh viên có hành động vô lễ với các cựu chiến binh vào rạng sáng 30-4 khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Ảnh: Chụp màn hình

Nhóm sinh viên có hành động vô lễ với các cựu chiến binh vào rạng sáng 30-4 khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Ảnh: Chụp màn hình

Tùy theo mức độ của hành vi và căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT, sinh viên vi phạm có thể bị xử lý như sau: Khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn và buộc thôi học.

"Việc sinh viên có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, dù trong hay ngoài khuôn viên nhà trường đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật và nội quy nhà trường" - luật sư Tú khẳng định.

Sau khi xem qua video, luật sư Tú cho rằng hành vi của 2 sinh viên có hành động thiếu chuẩn mực với các bác cựu chiến binh là hành vi không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, nếu cả 2 sinh viên đã đăng bài thừa nhận hành vi sai trái của mình và phía nhà trường cũng đang tiến hành họp để có những hành vi xử lý kỷ luật thì dư luận cần được "hạ nhiệt" để nhà trường và cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thế, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Bình Yên (TP HCM), cho biết tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý (trừ trường hợp luật có quy định khác).

Việc các cá nhân "truy" ra địa chỉ nhà và công khai thông tin của sinh viên lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật Việt Nam cả về dân sự, hành chính, đặc biệt có có thể vi phạm hình sự (tùy mức độ)

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thế, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Bình Yên (TP HCM)

Theo luật sư, vụ việc này không đơn thuần là hành vi cá nhân của một sinh viên mà đã chạm đến cảm xúc đám đông, những giá trị sâu sắc như truyền thống tôn trọng người có công, văn hóa ứng xử của giới trẻ và cả vai trò của mạng xã hội trong định hướng dư luận.

Việc cộng đồng mạng tiếp tục công kích cá nhân sinh viên một cách quá đà sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng về tinh thần, học tập và tương lai của các em, trong khi mục tiêu giáo dục là giúp người trẻ nhận sai, sửa sai và nhân văn mới là điều xã hội nên hướng tới. Do đó, các bên cần có hướng xử lý nhưng phải cân bằng giữa răn đe, giáo dục mà vẫn bảo vệ được quyền học tập của sinh viên.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, đoạn video quay cảnh nhóm bạn trẻ lớn tiếng với cựu chiến binh trong lúc xếp hàng chờ theo dõi diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước xảy ra vào rạng sáng 30-4 khiến nhiều người bức xúc.

Vì không đồng ý nhường chỗ, nhóm thanh niên này đã to tiếng với các cựu chiến binh. Trong đó, có 1 sinh viên học Trường ĐH Văn Lang và 1 sinh viên học Trường ĐH Công nghệ TP HCM. Hai trường ĐH đã xác minh thông tin và sẽ xử lý vi phạm theo quy định.

Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sinh-vien-co-hanh-dong-vo-le-voi-cuu-chien-binh-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-19625050417251723.htm