Cơ Điện Lạnh (REE): Sẽ tăng thêm 100 MW điện, mở rộng sang mảng điện rác

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Cơ Điện Lạnh (mã cổ phiếu REE - sàn HoSE) với cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua.

Thận trọng với triển vọng mảng năng lượng năm nay

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh

Trong năm nay, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã cổ phiếu REE - sàn HoSE) đặt mục tiêu mảng năng lượng sẽ đem về 5.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với năm ngoái, nhưng lãi ròng dự kiến sẽ giảm 7%, còn 1.200 tỷ đồng. Mảng năng lượng, chủ yếu là các dự án thủy điện, với biên lợi nhuận gộp cao là mảng kinh doanh chủ lực của Cơ Điện Lạnh.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết hiện tượng El Nino diễn ra rõ rệt trong 3 tháng đầu năm 2024 và có khả năng duy trì đến tháng 6/2024, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các hồ thủy điện. Đồng thời, hệ số Alpha được điều chỉnh cho các nhà máy thủy điện từ 90% trong năm 2023 lên 98% trong năm 2024, cùng việc giá trần thị trường điện toàn phần giảm 231,1 đồng/kWh so với năm trước.

Đồng thời, Cơ Điện Lạnh hiện có một dự án điện gió đã kịp vận hành để hưởng giá FIT, hoạt động và đóng thuế đầy đủ, nhưng thủ tục hoàn thuế VAT thì lại chậm vì nhiều lý do mà theo Chủ tịch Cơ Điện Lạnh là “không xác đáng”.

Đồng thời, công ty tiếp tục tập trung giải quyết các khoản công nợ tồn đọng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, EVN đang có những khó khăn có thể thông cảm khi “họ mua điện giá thành cao nhưng bán ra lại giá thấp”.

“Do đó, công ty đặt kế hoạch thận trọng cho mảng năng lượng”, Chủ tịch Cơ Điện Lạnh cho biết.

Chia sẻ thêm về triển vọng kinh doanh, ông Huỳnh Thanh Hải - Tổng Giám đốc Cơ Điện Lạnh cho biết, các nhà máy thủy điện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, đặc biệt ở miền Trung; còn tại miền Bắc, lưu lượng nước về hồ kỳ vọng sẽ “tích cực hơn”. Hiện việc vận hành các nhà máy sẽ bám sát việc điều động của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Sẽ gia tăng danh mục năng lượng thêm 100 MW, mở rộng sang mảng điện rác

Cơ Điện Lạnh sẽ tập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Cơ Điện Lạnh sẽ tập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Bên cạnh những thách thức trên, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đánh giá thị trường đang đón nhận một số tín hiệu tích cực như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 vừa được chính thức ban hành.

Trong lúc, chờ các cơ chế về thị trường điện tiếp tục được hoàn thiện, Cơ Điện Lạnh sẽ tập trung gia tăng danh mục tài sản thêm 100 MW, chủ yếu từ các dự án điện tái tạo. Ngoài ra, sẽ tiếp cận các cơ hội M&A, phát triển dự án mới, mở rộng công suất khi các văn bản pháp lý mới về thị trường điện chính thức được áp dụng, Chủ tịch Cơ Điện Lạnh cho biết.

Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt các dự án điện có sự tham gia của Cơ Điện Lạnh là 2.845 MW; trong đó, tổng công suất lắp đặt thực sở hữu của công ty này là 1.051 MW.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh cũng tiết lộ, công ty đang tìm kiếm cơ hội ở mảng điện rác nhằm mục tiêu vừa xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, vừa tạo ra năng lượng, hướng đến đầu tư nhà máy có quy mô công suất xử lý từ 2.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày tại TP.Hồ Chí Minh.

Cũng theo Chủ tịch Cơ Điện Lạnh, công ty hiện bắt đầu quy trình thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã cổ phiếu PPC - sàn HoSE) và sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực điện sạch.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu REE của Cơ Điện Lạnh từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu REE của Cơ Điện Lạnh từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trước câu hỏi của cổ đông về việc niêm yết mảng điện, Chủ tịch Cơ Điện Lạnh đã cho biết : “Hiện tại thì không. Chúng tôi cần thêm vốn, nhưng cũng chưa có kế hoạch IPO. Hiện tại, công suất mảng năng lượng của công ty vẫn nhỏ, nếu bỏ nhiệt điện chỉ còn hơn 700 MW. Hiện công ty có kế hoạch tăng gấp đôi công suất danh mục dự án điện trong giai đoạn tới”.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ triển khai Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kontum (công suất dự kiến 220 MW) vốn đang bị chậm trễ kéo dài.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết, dự án Thủy điện Thượng Kontum được khởi công năm 2011, trao thầu cho một tổng thầu từ Trung Quốc. Ban đầu nhà thầu tính tiền theo mét tới hoàn thành và để đào hầm phải làm nhiều công trình phụ.

“Nhưng khi đào được 20%, họ đòi hủy vì chi phí quá nặng, và họ cho rằng Cơ Điện Lạnh không đủ tiền chi phí. Công ty đã chấp nhận hủy, thu tiền bảo lãnh, nhưng nhà thầu khởi kiện. Ban đầu công ty thua, nhưng đã kháng án”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh nói.

Dự án hiện đã ngừng 3 năm rồi mới tiếp tục có thể xây dựng, với nguồn vốn 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu. Dự án được đánh giá là vô cùng hiệu quả, nhưng vốn bị đội lên rất nhiều, theo chia sẻ của Chủ tịch Cơ Điện Lạnh.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/co-dien-lanh--ree-se-tang-them-100-mw-dien--mo-rong-sang-mang-dien-rac-121052.htm