Cố đô Huế vang mãi bài ca Tháng Tám
Những ngày mùa Thu tháng Tám đi trên các phố phường, làng quê xứ Huế thanh âm bài hát '19 tháng 8' của nhạc sĩ Xuân Oanh và những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: 'Tháng 8 vùng lên Huế của ta. Quảng, Phong ơi! Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế. Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca' như còn vang vọng đâu đây.
Đi giữa đất trời xứ Huế những ngày này, lòng người lâng lâng, trào dâng cảm xúc hòa cùng khí thế sục sôi của quân và dân xứ Huế cách đây 75 năm về trước. Quân và dân xứ Huế đã vùng lên đập tan bộ máy chính quyền bù nhìn và Thủ đô của chế độ phong kiến cuối cùng của nước ta, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám đi đến thắng lợi chung của dân tộc.
Sau khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng vào ngày 12-3-1945, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khi đó đã chủ động quyết định thời cơ khởi nghĩa, xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, chủ động vận động nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cô lập những phần tử phản động, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Ngày 15-8-1945, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị toàn tỉnh thông qua kế hoạch khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào cách mạng trong cả nước, Chính phủ Trần Trọng Kim lúc này hoang mang cao độ. Từ ngày 18 đến 22-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa các huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Tại thành phố Huế, trung tâm đầu não của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, ngày 22-8, quần chúng nhân dân đã vùng lên biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an. Trong tối 22-8, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại phải thoái vị.
Chiều 23-8-1945, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế, dưới rừng cờ đỏ sao vàng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”. Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như “triều dâng, thác đổ” không gì ngăn cản nổi, đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình nhà Nguyễn ở sân vận động Huế thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của cách mạng. Tại đây, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc diễn văn, tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân, đồng thời trân trọng giới thiệu ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.
Trong dòng hồi tưởng của ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế giai đoạn 1989-1991, là một nhân chứng đã từng tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền cách đây 75 năm khi đó vừa tròn 16 tuổi nhớ lại: Khí thế cách mạng của nhân dân khí đó như “chẻ tre”, sức mạnh khi đó thuộc về Việt Minh nên một số thành phần phản động của Quốc dân Đảng, bọn tay sai thân Nhật hầu như bị cô lập, làm cho quá trình giành chính quyền không bị cản trở nhiều. Chẳng hạn như tại huyện Quảng Điền, trước khi tiến hành khởi nghĩa, lực lượng cách mạng đã kiểm soát được chính quyền ở các làng, các tổng trong huyện mặc dù chưa công bố công khai. Ngay cả Chi huyện Quảng Điền khi đó tên là Đoàn Thức, sau khi nhận được thư của Việt Minh cũng đã hứa sẽ ủng hộ cách mạng, do vậy khi nhân dân đứng lên khởi nghĩa đã nhanh chóng giành thắng lợi tốt đẹp, không phải đổ máu.
Sau 75 năm, Ngọ Môn - biểu tượng của Kinh đô Huế xưa những ngày mùa Thu này vẫn sừng sững, uy nghiêm, mặc cho bụi thời gian có làm hoen mờ dấu tích vàng son một thời. Nơi đây đã từng chứng kiến biết bao biến động của thời cuộc, trong đó có sự kiện lễ thoái vị của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam, vào chiều ngày 30-8-1945, mở ra một trang sử mới của dân tộc. Trong cuốn lịch sử Thừa Thiên-Huế ghi lại, chiều ngày 30-8-1945, ở Quảng trường Ngọ Môn, trong một rừng cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rực rỡ, hàng ngàn người dân Thừa Thiên-Huế đã chứng kiến giây phút lịch sử của dân tộc. Đúng 13 giờ, vua Bảo Đại đầu chít khăn vàng, mặc áo vàng cùng một số Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim và đại diện hoàng gia đứng phía trái lầu Ngọ Môn. Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng bên phải. Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và trao lại cho đại diện Chính phủ ấn bằng vàng và một thành gươm bằng vàng nạm ngọc, tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Lúc này, trên kỳ đài Huế, cùng với giai điệu hùng tráng của bài hát “Tiến quân ca” cất lên, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay giữa trời Huế tự do, độc lập. Tiếp đó là tiếng hô khẩu hiệu vang trời của biển người “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa Thu lịch sử trên đất Cố đô.
Sau 75 năm, khí thế, tinh thần cách mạng vẫn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên-Huế vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng quê hương. Đặc biệt, nghệ thuật chớp thời cơ và tinh thần đoàn kết toàn dân luôn được các cấp, các ngành và từng người dân xứ Huế phát huy. Điều đó được minh chứng bằng sự đổi thay mạnh mẽ và bằng những sự kiện hết sức nổi bật của quân và dân Cố đô. Cụ thể trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cố đô Huế đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước; tích cực phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,22%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp. Đến năm 2020, ngành dịch vụ chiếm trên 48,3% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tổng lượt khách đạt trên 5,1 triệu đồng/năm, tăng 1,6 lần, doanh thu tăng bình quân 12%/năm. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng; công tác quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện; hình thành các khu du lịch đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Cùng với đó, Thừa Thiên-Huế luôn chăm lo phát triển văn hóa, xã hội; từng bước khẳng định vị thế trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các địa phương ở Thừa Thiên-Huế không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hệ số bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn mức bình quân cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo tốt.
Trên chặng đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng và tinh thần quật khởi Cách mạng Tháng Tám 75 năm về trước, Thừa Thiên-Huế quyết tấm đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng của Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bài ca Cách mạng Tháng Tám năm xưa, hôm nay vẫn còn vang vọng giữa đất trời xứ Huế. Điều đó được khẳng định bằng sự đồng lòng, đoàn kết và những quyết sách trong phòng, chống dịch Covid-19 của quân và dân xứ Huế cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.