Cô đỡ thôn bản - 'cánh tay' nối dài của ngành Y tế (bài 2)
Bài 2: Để cô đỡ gắn bó với nghềĐBP - Không thể phủ nhận vai trò, tầm quan trọng của những cô đỡ thôn, bản đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao. Và hiện nay, nhiều cô đỡ vẫn miệt mài với công việc bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm. Tuy nhiên, với chế độ phụ cấp ít ỏi, không thể trang trải để ổn định cuộc sống đã khiến cho không ít cô đỡ phải bỏ nghề sau bao năm được học tập, đào tạo và gắn bó…Bài 1: Lặng thầm những cô đỡ thôn bản
Cô đỡ Lò Thị Nhung, bản Hin 1, xã Na Sang (huyện Mường Chà), tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai.
Khó phát triển đội ngũ cô đỡ thôn, bản
Bác sĩ Trịnh Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chia sẻ: Cô đỡ thôn, bản là mô hình rất phù hợp với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa. Vì khoảng cách địa lý, đường sá đi lại khó khăn, phần vì phong tục tập quán nên không ít phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý e ngại khi đến cơ sở y tế để sinh đẻ. Vì thế, chính những cô đỡ thôn, bản là những người chăm sóc bà mẹ trong quá trình mang thai; tuyên truyền, vận động các bà mẹ đến cơ sở y tế sinh đẻ để đảm bảo an toàn. Đồng thời, hỗ trợ các bà mẹ sinh đẻ tại nhà, hạn chế tai biến với các trường hợp sản phụ nhất quyết không đi đến cơ sở y tế hoặc sinh đẻ nhanh; chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ sau sinh trong từng giai đoạn, phát hiện sớm các triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong của mẹ và trẻ. Do năm 2020 bị gián đoạn và các cô đỡ bắt đầu hoạt động lại từ đầu năm 2021 nên theo kết quả năm 2019, các cô đỡ thôn, bản đã thăm thai và tư vấn cho 4.650 sản phụ; vận động 509 sản phụ sinh đẻ tại cơ sở y tế; hỗ trợ gần 100 sản phụ sinh đẻ tại trạm; tham gia đỡ đẻ tại nhà cho 827 ca; chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà sau khi sinh cho 1.705 người; phát hiện, tư vấn chuyển tuyến cho 5 ca tai biến sản khoa... Ngoài ra, các cô đỡ thôn bản còn tham gia tư vấn, vận động phụ nữ tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe, thực hiện KHHGĐ...
Vì đội ngũ cô đỡ thôn, bản có vai trò quan trọng nên ngành Y tế đã tập trung đào tạo đội ngũ các cô đỡ thôn bản để người dân vùng cao dễ dàng hơn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế. Nhằm tăng cường khả năng sẵn có, tiếp cận và nâng cao chuyên môn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, từ năm 2009 – 2019, ngành Y tế đã quan tâm đào tạo 13 lớp với tổng số 256 cô đỡ thôn bản. Trong số đó có huyện Điện Biên Đông (64 cô đỡ); Tuần Giáo (10 cô đỡ); Tủa Chùa (42 cô đỡ); Mường Nhé (40 cô đỡ); Nậm Pồ (48 cô đỡ) và Mường Chà (52 cô đỡ). Tuy tiêu chí tuyển chọn thấp nhưng vì công việc, thu nhập không ổn định nên nhiều học viên đã không lựa chọn và theo nghề này, thậm chí nhiều người còn bỏ học giữa chừng nên phải động viên họ mới quay lại học và tiếp tục theo nghề. Bác sĩ Nguyệt cho biết: “Để có đội ngũ cô đỡ thôn bản lành nghề và gắn bó, trước đây, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Trường Cao đăng Y Điện Biên đã đào tạo một khóa học kéo dài 6 tháng, trong đó chỉ có khoảng 1 tháng học lý thuyết; còn lại là thực hành tại cơ sở y tế về lâm sàng, đỡ đẻ, khám thai, chăm sóc sau sinh… Tuyển chọn đầu vào đã khó, quá trình đào tạo cũng vất vả không kém vì nhiều học viên chưa biết tiếng phổ thông, trình độ nhận thức còn thấp mà kinh phí đào tạo lại hạn chế… Đầu năm 2020, thông qua Dự án Vingroup - Quỹ Thiện tâm nên chúng tôi mới có kinh phí đào tạo mới 20 cô đỡ thôn bản cho địa bàn: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và tiếp tục duy trì hoạt động của một số cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, khi đào tạo xong nhiều cô đỡ còn bỏ nghề. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đào tạo được 256 cô đỡ thôn bản nhưng đến nay có gần 80 cô đỡ phải bỏ nghề dẫn đến thiếu nguồn nhân lực cô đỡ tại các thôn, bản vùng cao.
Cử nhân hộ sinh Nguyễn Thị Duyên, Hộ sinh trưởng, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Thời gian qua, huyện Mường Nhé đã đào tạo được 35 cô đỡ thôn bản nhưng đến nay chỉ còn 20 cô đỡ theo nghề vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Người thì lấy chồng chuyển địa phương khác, do chế độ ít ỏi nên có người lại bỏ đi làm công nhân ở dưới xuôi cho thu nhập cao hơn. Có những cô đỡ được đào tạo từ năm 2010, chuyên môn khá tốt, nhưng làm cô đỡ mỗi tháng chế độ phụ cấp được có mấy trăm nghìn đồng nên đã bỏ đi làm công nhân để kiếm 4-5 triệu đồng/tháng. Đào tạo các cô đỡ thôn, bản tốn kém nhiều kinh phí và thời gian, nay họ không hoạt động là điều rất đáng tiếc, vì họ đều thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, khám thai, đỡ đẻ đúng kỹ thuật, tư vấn tốt về chế độ dinh dưỡng và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản; đồng thời thường xuyên thông tin hai chiều với các trạm y tế cơ sở về số trẻ sẽ sinh, sẽ tiêm chủng trong tháng...
Cần chế độ phù hợp
Thực tế là ngoài các dịch vụ do Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã cung cấp, đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn, bản là lực lượng thực hiện tốt việc quản lý thai nghén, khám sức khỏe định kỳ cho các bà mẹ mang thai tại các bản vùng sâu, vùng xa. Họ là người cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và đỡ đẻ tại nhà ở các địa bàn xa xôi, khó khăn. Tuy nhiên, những chế độ, phụ cấp còn hạn chế đã khiến không ít cô đỡ thôn, bản phải bỏ nghề.
Chị Mùa Thị Lơ, cô đỡ bản Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.
Xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà) hiện có 6 cô đỡ thôn bản thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Thời gian qua vì chế độ phụ cấp còn thấp nên nhiều cô đỡ không theo nghề. Chị Thào Thị Sú, bản Há Là Chủ A, xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà) tâm sự: “Thời gian trước, trên địa bàn xã Hừa Ngài cũng có 1 cô đỡ thôn bản bỏ nghề rồi. Dù được đào tạo khá bài bản nhưng phụ cấp giờ chỉ được có khoảng 500 nghìn đồng/tháng, số tiền này cũng không bõ với công sức họ bỏ ra nên họ không làm nữa. Còn về phần mình, công việc này cũng vất vả lắm nhưng vì trách nhiệm, vì sức khỏe của sản phụ và các cháu nên mình mới cố gắng hết sức thôi, chứ số tiền ấy không đáng là bao với công sức mình bỏ ra đâu!”.
Bác sĩ Trịnh Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trước đây, trong mấy năm đầu thực hiện mô hình, các cô đỡ thôn bản vẫn được hưởng phụ cấp của chương trình mục tiêu, dự án của Nhà nước. Sau khi hết kinh phí của các chương trình đó thì chỉ có y tế thôn bản được hưởng phụ cấp, còn cô đỡ thôn bản lại không có chế độ. Đội ngũ y tế và cô đỡ thôn bản được hưởng phụ cấp đến hết năm 2019 thì không được hưởng và cả trong năm 2020 nữa; điều này đã khiến không ít cô đỡ thôn bản bỏ nghề. Vì thế, ngành Y tế đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục và HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết ngày 15/7/2020 quy định chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các nhân viên y tế thôn, bản ở các thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và cách xa trung tâm xã từ 3km trở lên được bố trí 1 nhân viên y tế thôn, bản. Nhân viên y tế thôn, bản phải là người thường trú thường xuyên tại địa phương và có nguyện vọng làm nhân viên y tế. Còn các thôn, bản có đủ tiêu chí bố trí nhân viên y tế thôn, bản là nam thì được bố trí thêm 1 cô đỡ thôn, bản. Bắt đầu từ 1/1/2021, đội ngũ y tế thôn, bản được hỗ trợ hàng tháng bằng 0,5% mức lương cơ sở, còn cô đỡ được hưởng 0,3% mức lương cơ sở từ nguồn ngân sách địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 800 nhân viên y tế thôn, bản và hơn 100 cô đỡ được hưởng phụ cấp hàng tháng. Còn một số cô đỡ trước đây được đào tạo trong vùng khó khăn thì bây giờ đối chiếu theo văn bản mới lại không được hưởng phụ cấp. Năm 2020, Dự án Vingroup - Quỹ Thiện tâm đã bắt đầu hỗ trợ đào tạo các cô đỡ, chi trả thù lao cho cô đỡ khi đi khám thai, đỡ đẻ, truyền thông, tư vấn ở vùng cao trong 5 năm. Vì vậy, toàn tỉnh hiện có 178 cô đỡ vẫn làm nghề bao gồm tất cả cô đỡ được hưởng phụ cấp của Nhà nước và Dự án Vingroup - Quỹ Thiện tâm… Nhiều cô đỡ đã bỏ nghề thì chúng tôi cũng đang vận động, kêu gọi các cô đỡ thôn, bản quay lại hoạt động làm công tác tuyên truyền, vận động, nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc phụ nữ mang thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế.
Tuy đã được hưởng các chế độ phụ cấp nhưng mức hỗ trợ như vậy vẫn còn quá ít ỏi so với công sức của đội ngũ những cô đỡ thôn, bản đã bỏ ra để chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Không quản ngày đêm, nắng mưa hay đường sá xa xôi, đội ngũ cô đỡ thôn, bản luôn làm tốt việc quản lý phụ nữ mang thai, đỡ đẻ tại nhà, thầm lặng với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em ở những bản làng. Với các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, việc duy trì hoạt động của đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản là rất cần thiết. Bởi vậy, bên cạnh sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ các cô đỡ thôn, bản, rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cơ quan chuyên môn quan tâm đến chế độ, chính sách của các cô đỡ thôn, bản để họ gắn bó và yêu nghề hơn. Qua đó giúp bà con ở vùng sâu, vùng xa nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạn chế các trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; đồng thời góp phần củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các bản làng vùng cao.