Quân đội đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Ngày 14/11, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức Hội thảo một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với các đối tượng công tác trong Quân đội. Trung tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chủ trì hội thảo.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, thực hiện việc rà soát, danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong quân đội. Theo đó, có 533 nghề, công việc thuộc 18 lĩnh vực được ghi nhận có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại, như làm việc trên tàu ngầm, tàu chiến, xe tăng, đặc công chống khủng bố, chế tạo thuốc nổ. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ được ban hành từ năm 2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, không áp dụng cho quân nhân và công nhân quốc phòng. Từ đó đã nảy sinh một số bất cập về đối tượng áp dụng thực hiện chế độ, bất cập về thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành chế độ; bất cập trong thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp đối với các đối tượng trong quân đội.
Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, việc báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với các đối tượng công tác trong quân đội là cần thiết và phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trung tướng Lê Quang Minh nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, chính sách của các đối tượng quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trực tiếp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Quân đội. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị yêu cầu trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan tổng hợp, hoàn thiện văn bản, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng để gửi các bộ, ngành tham gia ý kiến trong thời gian sớm nhất.