Cô đỡ thôn bản: Cầu nối giúp sản phụ vùng cao 'vượt cạn'

Những khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán trở thành rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Yên Bái 'chậm' tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại. Vì thế, cô đỡ thôn bản đã trở thành cánh tay nối dài của ngành y, giúp nhiều sản phụ dân tộc thiểu số 'vượt cạn' thành công.

Đường lên La Pán Tẩn (Mù Cang Chải - Yên Bái) gập ghềnh khó đi. Ảnh: CTV.

Đường lên La Pán Tẩn (Mù Cang Chải - Yên Bái) gập ghềnh khó đi. Ảnh: CTV.

Tự sinh tại nhà

Bản Pú Nhu Háng Sung, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải – Yên Bái) là 1 bản của người Mông nằm chênh vênh trên địa hình phần nhiều là núi cao, cách trung tâm huyện hàng chục cây số. Con đường dẫn lên bản gập ghềnh nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, nhiều người dân chưa rõ tiếng phổ thông.

Bên căn nhà nằm khuất nẻo tại bản Pú Nhu Háng Sung, chị Hàng Thị Xe, sinh năm 2005, đang chăm sóc cho đứa con 9 tháng tuổi của mình. Chị Xe bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc “vượt cạn” hạ sinh đứa con thứ 3, khi đó nếu không có cô đỡ Hờ Thị Nhứ giúp đỡ thì chẳng biết số phận mẹ con chị sẽ ra sao.

Đêm 31/5/2024, chị Xe gọi điện thoại cho chị Hờ Thị Nhứ - cô đỡ bản Pú Nhu Háng Sung, cho biết thấy hơi tức bụng, khó chịu. Với kinh nghiệm của mình, cô đỡ Nhứ cho rằng đây là dấu hiệu của chuyển dạ nên khuyên sản phụ đến trạm y tế xã. Tuy nhiên, gia đình sản phụ cho rằng, 2 lần sinh trước chị Xe sinh con tại nhà đều ổn nên lần này cũng sinh tại nhà, không đi đâu.

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ (bìa phải) hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Nguyên Đức.

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ (bìa phải) hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Nguyên Đức.

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ kể lại, vào khoảng hơn 7 giờ sáng 1/6/2024 khi tới thăm khám, sản phụ Xe chuyển dạ và sinh tự nhiên. Sau khi vệ sinh và cuốn tã cho trẻ, cô đỡ Nhứ trở lại kiểm tra thì thấy sản phụ đứng dậy định đi lại, bất ngờ máu chảy lênh láng, cô Nhứ lập tức kêu người chồng bế sản phụ để nằm xuống. Sau đó, cô Nhứ lập tức chèn động mạch chủ ở bụng khoảng 2 phút thì máu ngừng chảy.

Tuy nhiên, khi bỏ tay ra khoảng 5 phút máu lại tiếp tục chảy. Máu chảy nhiều thấm ướt cả chiếc bỉm dành phụ sản, phải thay liên tục đến 4 lần. Cô Nhứ tiếp tục túc trực 3 giờ đồng hồ để thực hiện các thao tác hỗ trợ trực tiếp. Tới 12h30 cùng ngày, sản phụ tạm thời ổn định, máu ngừng chảy, cô Nhứ mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc này, cô Nhứ khuyên gia đình đưa sản phụ tới bệnh viện để kiểm tra, theo dõi nhưng gia đình vẫn kiên quyết giữ sản phụ ở lại nhà nên cô Nhứ lại phải túc trực hỗ trợ sản phụ tới khi ổn định hoàn toàn.

Bác sĩ Giàng A Sình, Trạm trưởng trạm y tế xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải – Yên Bái), chia sẻ, khi nhận thông tin ông cùng cô đỡ thôn bản Nhứ nhiều lần khéo léo động viên gia đình đưa sản phụ Xe tới viện nhưng gia đình vẫn một mực khước từ. Khi ấy, số phận của sản phụ chỉ có thể trông chờ vào bàn tay của cô đỡ.

Rất may mắn, Cô đỡ thôn bản Hờ Thị Nhứ đã tham dự rất nhiều khóa tập huấn về việc xử trí các tình huống khẩn cấp khi sinh nở do tuyến tỉnh tổ chức. Gặp đúng trường hợp trong thực tế, chị Nhứ áp dụng theo hướng dẫn đã học và may mắn giúp sản phụ “vượt cạn” thành công.

Tư vấn hỗ trợ chăm sóc bà mẹ và em bé sau sinh là một trong những trách nhiệm của cô đỡ thôn bản ở Yên Bái. Ảnh: Nguyên Đức

Tư vấn hỗ trợ chăm sóc bà mẹ và em bé sau sinh là một trong những trách nhiệm của cô đỡ thôn bản ở Yên Bái. Ảnh: Nguyên Đức

Ông Phạm Tiến Lâm, Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải – Yên Bái), cho biết những năm qua địa phương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, động viên nhằm nâng cao tỷ lệ sản phụ tới thăm khám và sinh nở tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trên thực tế phần vì thói quen, phần vì phong tục tập quán lại cộng thêm rào cản về ngôn ngữ lẫn đường xá không thuận lợi nên không ít các sản phụ vẫn tự sinh tại nhà. Do đó, vai trò của các cô đỡ thôn bản lúc này rất quan trọng, vừa phải tuyên truyền viên, vừa phải động viên, vừa phải hộ sinh trong trường hợp bất khả kháng.

Nỗ lực duy trì

Tỉnh Yên Bái hiện có 9 huyện thành thị với khoảng 30 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm phần nửa tổng số dân. Đặc biệt, ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đồng bào Mông chiếm tỷ lệ đa số vẫn giữ tập quán sinh con tại nhà.

Tại đây, cô đỡ thôn bản giữ vai trò rất quan trọng như tư vấn cho bà mẹ đến khám thai, quản lý thai và sinh tại cơ sở y tế, hộ sinh trong trường hợp sản phụ sinh tại nhà. Bên cạnh đó, cô đỡ còn tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ nhỏ cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ tại cộng đồng.

Chị Giàng Thị Cở, một cô đỡ ở xã Lao Chải (Mù Cang Chải – Yên Bái), chia sẻ trước đây theo phong tục ở các bản của người Mông đều có các bà đỡ, cô đỡ nhằm giúp các sản phụ mỗi khi sinh nở.

Người trước truyền người sau bằng kinh nghiệm chứ không có bài bản gì, cũng không có hỗ trợ gì, cơ bản là giúp nhau. Sau này, được sự quan tâm của các cấp mở lớp bồi dưỡng nên các cô đỡ thôn bản học được nhiều kiến thức, xử trí các tình huống nhanh hơn, có thể thăm khám, vận động sản phụ tới sinh tại các cơ sở y tế và tư vấn hỗ trợ chăm sóc bà mẹ và em bé sau sinh.

Những khóa tập huấn là cơ hội để cô đỡ thôn bản ở Yên Bái tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ảnh: CTV.

Những khóa tập huấn là cơ hội để cô đỡ thôn bản ở Yên Bái tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ảnh: CTV.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, cho biết cô đỡ thôn bản là đội ngũ y tế có yếu tố đặc thù, phát sinh từ nhu cầu thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số.Trong lúc việc tiếp cận hệ thống y tế của sản phụ vùng cao còn vướng rào cản về ngôn ngữ, phong tục hay địa hình thìcô đỡ thôn bản đóng vai trò là cầu nối rất quan trọng. Với lợi thế là người địa phương thông thạo địa hình, ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào, các cô đỡ thôn bản còn là nhân tố ảnh hưởng lớn trong tiến trình nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em.

Trong thực tế, tại Yên Bái nhiều năm qua không xuất hiện những trường hợp tử vong do tự sinh tại nhà, nhưng những dấu hiệu băng huyết giống như sản phụ Hàng Thị Xe không phải hiếm gặp.

Chính lúc đó, các cô đỡ thôn bản sẽ phải phát huy vai trò của mình cách nhanh chóng, linh động và chính xác. Việc sản phụ chủ động tới thăm khám định kỳ và sinh tại các cơ sở y tế là hình mẫu lý tưởng nhưng đối với những huyện vùng cao như Trạm Tấu hay Mù Cang Chải để nâng cao tỷ lệ này vẫn rất cần đến đội ngũ cô đỡ thôn bản. – Bác sĩ Kim Anh phân tích thêm.

Theo Bác sĩ CKII Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, cho biết Yên Bái là tỉnh miền núi, đặc biệt Trạm Tấu và Mù Cang Chải là 2 trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ phụ nữ có thai đến các cơ sở y tế để khám định kỳ và sinh nở còn rất hạn chế. Để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong nhiều năm qua, Sở Y tế cũng như CDC Yên Bái đã thường xuyên tổ chức nhiều khóa tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho các cô đỡ thôn bản. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã cung cấp túi cô đỡ thôn bản, gói đỡ đẻ sạch, tạo điều kiện cho các cô đỡ thực hiện nhiệm vụ cùng những trang thiết bị và phương tiện cần thiết, giúp giảm thiểu rủi ro cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bộ Y tế đã cung cấp túi cô đỡ thôn bản, gói đỡ đẻ sạch, tạo điều kiện cho các cô đỡ thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: CTV.

Bộ Y tế đã cung cấp túi cô đỡ thôn bản, gói đỡ đẻ sạch, tạo điều kiện cho các cô đỡ thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: CTV.

Thống kê cho thấy, từ năm 2010 tỉnh Yên Bái đã đào tạo, tập huấn cho 95 cô đỡ thôn bản, tuy vậy do nhiều nguyên nhân không ít các cô đỡ đã xin nghỉ. Tính đến hết năm 2024, tỉnh Yên Bái chỉ còn 53 cô đỡ thôn bản đang hoạt động, chủ yếu thuộc dân tộc Mông, Thái và Dao, trong đó có đến 20 người đảm nhận đồng thời 2 vai trò vừa là cô đỡ, vừa là nhân viên y tế thôn bản. Đáng chú ý, tại huyện vùng cao Trạm Tấu, hiện chỉ có 13 cô đỡ trên tổng số hơn 200 thôn bản trong toàn huyện.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, cho biết tại những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại văn hóa “xấu hổ” nên tỷ lệ tự sinh tại nhà còn cao hoặc đồng bào chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc hộ sinh. Trong khi đó, nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng cao vừa thiếu, vừa vướng nhiều rào cản, nhất là ngôn ngữ nên khó hòa nhập, tiếp cận và hỗ trợ đồng bào.

Do vậy, trong nhiều năm liên tục Yên Bái nỗ lực duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản nhất là tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải để vừa làm cầu nối giúp sản phụ vùng cao “vượt cạn”, vừa góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em, nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em.

Đức Tuyển

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/co-do-thon-ban-cau-noi-giup-san-phu-vung-cao-vuot-can-post548524.html