Cô đơn giữa đời dài rộng
Vào những ngày lòng chán chường, tôi lang thang tìm kiếm niềm vui nhỏ nhặt trong những bình thường dung dị...
Mấy hôm trước, tôi đọc được một bài viết về nỗi cô đơn của người trẻ. Thứ cô đơn khắc khoải, khó gọi tên và chẳng mang sắc hình thường ám ảnh người ta triền miên qua bao đêm dài thinh lặng.
Nỗi cô đơn của người trẻ, của những kẻ đâu đó lỡ đánh mất kết nối với cuộc đời rộng lớn xung quanh. Bi đát hơn là mất luôn kết nối với chính mình. Nỗi cô đơn của người trẻ cũng như cánh chim lẻ, lạc bay giữa trời hoang.
Đôi khi, tôi cũng vậy, rơi vào trạng thái trống rỗng của một mối tâm tư chẳng thể nào định nghĩa. Chính tôi cũng không tường tận được, không lí giải được nó. Điều duy nhất tôi có thể làm là co mình gặm nhấm thứ xúc cảm chẳng lấy gì làm vui vẻ ấy. Trong những đêm thâu gió lùa qua ô cửa sổ bé, trong ánh trăng lạnh lẽo màu kim loại và trong cả tiếng kêu rón rén của tâm hồn.
Tôi không biết vì sao thi thoảng lại bắt gặp hình ảnh ấy của chính mình, bắt gặp một kẻ 30 thường trực trong lòng nỗi cô đơn, sự bất an và một niềm ám ảnh mơ hồ, không căn cứ.
Tôi tự hỏi thế nào là ý nghĩa của sự hiện tồn? Tôi tò mò liệu khi người ta sống cùng người khác, nằm cạnh người khác, họ có còn phải đối diện với những cảm giác cô đơn cùng cực? Có lẽ không đến mức nào! Bởi chọn gắn kết với một người là khi muốn dìu dắt nhau qua cả những ngày bình thường và những lúc chồn dạ. Miễn là yêu thương vẫn luôn ở giữa những bản thể vốn khác nhau.
Điều tệ nhất với một cá thể phải chăng là khi ở giữa nơi đông người, bên cạnh đầy tiếng nói cười, chúc tụng mà trong lòng dư thừa một mối cô đơn? Cảm giác ấy chắc hẳn là xót xa nhưng dù gì nó cũng chỉ là một cảm giác như bao cảm giác khác, cần được nhìn nhận và đối xử công bằng.
Ta có thể thấy ta buồn, vui, ghen, giận nhưng ta lại thường phủ nhận sự cô đơn. Tôi tin rằng khi sinh ra trên hành tinh này, trong mỗi số kiếp, dù cho có bao nhiêu bè bạn, có gia đình, có người thương thì sự cô đơn vẫn là một phần tất yếu của tâm hồn.
Ngay từ trong phong trào thơ Mới, người ta đã thấu tỏ cái bản ngã kiêu ngạo khó dung hòa, khó thấu hiểu được ai và khó ai thấu hiểu bên trong mỗi con người. Hoài Thanh, Hoài Chân, trong "Một thời đại trong thi ca" đã nhận xét: Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh.
Người ta có thể kết nhiều bạn, có thể lập gia đình nhưng chưa hẳn đã xóa nhòa hoàn toàn cảm giác trống trải, lạc lõng mà cô đơn mang lại. Có một điều gì đó trong sâu thẳm chúng ta, kết nối chúng ta với cái cô đơn vĩnh hằng của vũ trụ, khó lòng dứt ra hoàn toàn được. Như là chỉ có duy nhất một mặt trăng, duy nhất một mặt trời và duy nhất một ta. Thứ bản thể khước từ sao chép, không thể kiếm tìm bản thứ hai y xì. Ngay cả khi sinh đôi, sinh ba đi chăng nữa.
Lạ một điều là, xã hội càng hiện đại, con người càng cô đơn, càng thấy mình mang quá nhiều tổn thương tinh thần. Là do bây giờ người ta mới ý thức được nhiều khía cạnh của nó hay là vì cuộc sống bớt khó nhọc nên ta mới có thời gian mà bận tâm tới những vấn đề mông lung, khó hiểu?
Khi tôi ngồi nghĩ về sự cô đơn thì được cô bạn nhắn tin báo rằng một người bạn của cô vừa quyên sinh. Lý do thì chưa rõ nhưng phải chăng cũng là khi người ta mất kết nối, khi người ta không còn trụ nổi trước sức nặng của cái một mình. Nếu có người sẻ chia được những ngóc ngách sâu kín nhất, có người đưa vai ra gánh giùm một góc áp lực để cá thể độc nhất kia không thấy mình quá lẻ loi giữa cuộc đời dài rộng, chắc có lẽ đã chẳng đến mức này.
Những khi rơi vào trạng thái trống rỗng, tôi luôn nghĩ xem mình đang trải qua những gì, cảm xúc thật sự của mình ra sao. Tôi không phải là người ít bạn bè, chỉ cần lướt một loạt những tài khoản Facebook còn xanh, tôi có thể tìm được người để trò chuyện. Cho dù là đêm thâu.
Thế nhưng không ít lần, lướt từ trên xuống dưới những tài khoản còn online, tôi chạm vào nút tắt máy. Cũng có rất nhiều chuyện, tôi nhủ mình phải sống để bụng chết mang theo. Hóa ra liên tục nói cười không hẳn đã là người ít mang tâm sự.
Dẫu vậy, cô đơn không phải lúc nào cũng là điều tệ hại. Khi mà người ta cảm thấy mệt mỏi, phiền hà, tổn thương vì sự can thiệp của một ai đó, nhân danh một thứ tình cảm nào đó thì cô đơn trở thành bạn đồng hành thinh lặng, cho ta có khoảng trời riêng mà nghiền ngẫm đến khi nát vụn bao trăn trở.
Tôi đã từng làm nhiều việc một mình, ở trọ một mình trong thời gian khá dài. Có những khi tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, vô cùng tự do nhưng cũng lắm lúc điều đó làm tôi thấy bất an. Đó là những đêm một mình với tiếng gõ cửa giữa khuya, với những bóng đen lướt nhanh qua cửa sổ không kịp định hình. Và nhất là những ngày dài vô tận nhuốm đầy nước mắt cho một cuộc tình trẻ dại mới ra đi.
Tôi thích ở một mình vì không phải gộp vào, thích nghi hay chống chọi với một cá thể khác nhưng tôi cũng không thể chỉ khư khư ích kỷ, luôn chọn sống vì bản thân. Những giây phút nằm suy tư về được mất, hợp tan trong đời, tôi càng thấm thía về sự tạm bợ của đời sống.
Trần gian có chăng chỉ là một kiếp trọ mà cô đơn hóa ra lại là tri kỷ, tri âm?
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-don-giua-doi-dai-rong-249584.htm