Cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi': Chuyên gia văn hóa khẳng định là mê tín
Bên cạnh những ý kiến tỏ ra thích thú trước những clip bổ cau xem bói của cô đồng T.H thì nhiều bạn trẻ cũng tỏ ra nghi ngờ về hoạt động xem bói này....
Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok xôn xao trước nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh cô đồng T.H. ở Hải Dương xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau. Ngay sau khi clip được đăng tải đã nhận được hàng chục nghìn lượt thích và hàng nghìn lượt chia sẻ.
Qua các video clip này, có thể thấy mỗi lần cô đồng T.H bổ cau là có thể nói vanh vách một vấn đề nào đó. Đặc biệt sau mỗi lần "phán", cô đồng T.H lại "chốt" một câu "đúng nhận sai cãi" khiến nhiều bạn trẻ khá thích thú. Cũng chính vì vậy, thời gian gần đây câu nói "đúng nhận sai cãi" đã trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ.
Một loạt các video Tiktok cũng được ra đời với nội dung bắt chước lại hình ảnh của cô đồng T.H. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cover lại hình ảnh cô đồng với nhiều vật phẩm như bổ quả dưa, quả nhót, quả chanh... khiến dân mạng không khỏi "phấn khích".
Nhiều bạn cũng comment dưới clip của cô đồng với nội dung gây cười như: Bổ cau xong đem phơi bán, đúng nhận sai cãi; Bổ quả cau chấm muối ăn mặn mặn, đúng nhận sai cãi; Cô bổ cau xong cô ăn hết đúng không ạ, đúng nhận sai cãi con với ạ…".
Ngoài việc tỏ ra thích thú trước việc cô đồng T.H bổ cau xem bói, nhiều bạn trẻ cũng tỏ ra nghi ngờ và cho rằng những gì cô đồng nói chỉ mang tính chung chung, "kiểu không giàu thì nghèo", nhiều từ ngữ vô lý. Thậm chí cho rằng đây là hiện tượng mê tín dị đoan.
Xung quanh đến vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Trước đây hoạt động này bị ngăn cấm, mấy năm gần đây nền kinh tế phát triển kéo theo một số hệ lụy tồn tại khiến lực lượng chức năng khó xử lý.
"Hiện tượng hầu đồng mấy năm qua cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế như mê tín, dị đoan. Mặt tích cực của hầu đồng đó là có thể giải thích bằng khoa học như là yếu tố tâm lý tác động vào cá nhân, xã hội cần được giải tỏa, giải phóng, có thể làm cho con người bớt đi nỗi ưu tư, bớt đi nỗi lo toan. Nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan, các cơ quan chức năng nên xử lý về mặt hành chính. Bên cạnh đó, người dân phải cảnh giác qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho nhân dân", ông Đức nêu quan điểm.
Còn Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên giảng viên Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, việc bổ cau bói toán như đã nêu ở trên là hoạt động mê tín, dị đoan. Mọi người hoàn toàn không nên theo và không nên tin.