Cổ đông ngân hàng muốn tăng tỷ lệ chia cổ tức

Cổ tức vẫn luôn là vấn đề nóng tại đại hội cổ đông các ngân hàng bởi việc chia cổ tức phản ánh ngân hàng khỏe mạnh, hoạt động có lãi, giúp gia tăng nguồn thu nhập thụ động cho nhà đầu tư.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: BNEWS phát

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: BNEWS phát

Điển hình như: tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) diễn ra ngày 25/4 tại Hà Nội, đã có cổ đông đề nghị nâng tỷ lệ chia cổ tức lên thành 22%. Trong đó, dành 15% để tăng vốn điều lệ và 7% chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trong khi đó, tại tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, MB lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu. Cụ thể, với lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng, MB có tổng lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến dùng 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15% và 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.

Bên cạnh đó, MB tăng vốn điều lệ thêm 1.542 tỷ đồng đồng thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Như vậy, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng.

Trả lời cổ đông về tỷ lệ chia cổ tức, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho hay: năm 2023 dự báo sẽ là năm khó khăn hơn nên Hội đồng quản trị quyết định trình phương án chia cổ tức như trên để giữ lại chút thặng dư, tăng yêu cầu quản trị với vốn chủ sở hữu lên. Trước đó, hàng năm MB vẫn đặt mục tiêu chia cổ tức ở mức 15% nhưng năm 2020 đã chia tới 35%, năm 2021 là 20%.

Năm 2023, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.138 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Dự kiến trong năm sau (2024) sẽ chia cổ tức tỷ lệ từ 10-15%.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng; trong đó, tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 2%.

Vấn đề chia cổ tức còn "nóng" hơn tại đại hội của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) diễn ra cùng ngày khi cổ đông ngân hàng này tiếp tục "đói" cổ tức. Có ý kiến cho rằng, ngân hàng đã tốt lên, kinh doanh có lãi, giá cổ phiếu cũng phục hồi, đã đến lúc nên chia cổ tức cho cổ đông.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank chia sẻ bản thân ông là cổ đông lớn nhất của ngân hàng, các thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành cũng đều là cổ đông và cũng muốn chia cổ tức. Sacombank đã trình phương án tăng vốn, chia cổ tức nhưng ngân hàng vẫn thuộc diện tái cơ cấu và còn vướng mắc duy nhất ở chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê.

Sacombank đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và phấn đấu quý IV/2023 đấu giá thành công. Nếu hoàn thành tái cơ cấu thì chắc chắn năm sau sẽ được chia cổ tức. Sacombank hiện có 2.700 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại và sẵn sàng chia cổ tức.

Tương tự tại đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) diễn ra vào cuối tuần trước, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã phát tín hiệu rằng năm nay có thể là năm cuối cùng không chia cổ tức. Techcombank đang xem xét các phương án để vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng, vừa gia tăng quyền lợi của cổ đông.

Dự kiến, trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông ngày mai 26/4, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25%, từ đó tăng vốn điều lệ lên 29.276 tỷ đồng.

Mức cổ tức cao năm nay có được nhờ nỗ lực của HDBank trong việc duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng cao năm 2022. Đây cũng là một trong số ít ngân hàng trả cổ tức với tỷ lệ cao và đều đặn trong nhiều năm liên tục.

Trước đó, một số ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Cụ thể, cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) sẽ lần đầu tiên được nhận cổ tức tiền mặt kể từ khi ngân hàng niêm yết vào năm 2017. VPBank dành hơn 7.930 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 10%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán: VIB) dự kiến chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức. Còn Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) dự kiến sẽ trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau nhiều năm nhận cổ tức bằng cổ phiếu, chắc chắn những khoản cổ tức bằng tiền mặt đang được các nhà đầu tư kỳ vọng./.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-dong-ngan-hang-muon-tang-ty-le-chia-co-tuc/289152.html