Cổ đông ngân hàng ngóng tin chia cổ tức và tăng vốn
Phương án chia cổ tức, phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ... đang là những thông tin được cổ đông ngân hàng mong ngóng.
Theo đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) dự kiến sẽ trình cổ đông phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông có thể nhận được khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Nếu được thông qua, cổ đông Techcombank sẽ lần đầu nhận được cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chờ đợi.
Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner từng bày tỏ tin tưởng rằng chiến lược chuyển đổi và những kết quả khả quan trong năm 2023 sẽ tạo bước đệm vững chắc cho tăng trưởng cao trong những năm tới. Trên cơ sở đó, ngân hàng tự tin đề xuất chính sách cổ tức dài hạn để trình Đại hội đồng cổ đông.
Mới đây, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư, lãnh đạo Techcombank đã chia sẻ những mục tiêu đầy tham vọng trong giai đoạn 2021-2025 như đạt mức vốn hóa lên đến 20 tỷ USD, lọt top 10 ngân hàng Đông Nam Á...
Không riêng Techcombank, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt song song với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Cụ thể, tại Hội thảo nhà đầu tư của MB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lưu Trung Thái tiết lộ dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, MB đã thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Cũng liên quan đến kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo MB cho biết hiện MB đã làm xong phát hành riêng lẻ cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), thông tin đã công bố trong ngày 5 - 6/3 và dự kiến sẽ hoàn tất giao dịch này trong quý I/2024.
Theo phương án đã được thông qua, MB chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư là Viettel và SCIC; trong đó, Viettel được quyền mua 43 triệu cổ phiếu MBB và SCIC được quyền mua 30 triệu cổ phiếu MBB. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Sau chào bán, vốn điều lệ của MBB sẽ tăng lên mức 52.871 tỷ đồng.
Song song với đó, MB cũng đang triển khai các phương án tăng vốn, tiếp tục trình phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, đặc biệt khi MB thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank).
Cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của năm 2023 và còn lại từ các năm trước là 19.886 tỷ đồng.
Mức chia cổ tức dự kiến sẽ là 25%; trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng lên mức 44.666 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm.
Kế hoạch tăng vốn còn xuất hiện trong tài liệu dự thảo đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã chứng khoán: NAB).
Tại LPBank, sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, ngân hàng này dự kiến tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng.
Còn tại Nam A Bank, ngân hàng dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng sau phát hành. Đồng thời, Nam A Bank còn có kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. Như vậy trong năm 2024, Nam A Bank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, lên mức 13.725 tỷ đồng.
Câu chuyện tăng vốn tại các ngân hàng lớn cũng đang là tâm điểm được giới đầu tư và cổ đông quan tâm.
Đáng chú ý là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB); trong đó, Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu). Kế hoạch này từng được ban lãnh đạo Vietcombank đề cập từ năm 2022 nhưng chưa được triển khai trong năm 2023 do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi.
Tại đại hội cổ đông năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024.
Trước đó, vào tháng 1/2019, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% vốn) cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC Private Limited (GIC) và hơn 16,6 triệu cổ phần (tương ứng 0,4% vốn) cho ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản), thu về tổng cộng khoảng 6.200 tỷ đồng, tương đương mức giá 55.800 đồng/cổ phiếu VCB.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) lại vừa thông qua việc lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024 tại đại hội cổ đông bất thường mới đây. Theo phương án tăng vốn năm 2023, BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.
Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công. Hồi tháng 11/2019, Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã chi khoảng 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần tương ứng 15% vốn của BIDV, tương đương mức giá khoảng 33.650 đồng/cổ phiếu BID.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG), theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 vừa được thông qua, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng này năm 2022 là 16.442 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại của VietinBank sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi là 11.648 tỷ đồng. Theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nếu giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên mức 65.300 tỷ đồng. Trước đó, VietinBank đã giữ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 để tăng vốn điều lệ lên mức 53.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng có cơ sở kỳ vọng vào các khoản chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Bởi lẽ lãnh đạo của các ngân hàng này từng bày tỏ tin tưởng với những kết quả kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng đạt mức cao, ngân hàng sẽ có đủ điều kiện dể chia cổ tức cho cổ đông, cả bằng tiền mặt.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán: VIB) đã trở thành ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay khi quyết định chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%.
Theo lịch tổ chức đại hội cổ đông ngân hàng năm 2024, Nam A Bank sẽ là một trong những ngân hàng đại hội sớm nhất, vào ngày 29/3. Sang đến tháng 4 sẽ diễn ra đại hội cổ đông ngân hàng VIB ngày 2/4; ACB ngày 4/4; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) ngày 5/4; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB) ngày 10/4; Ngân hàng Quốc dân (NCB, mã chứng khoán: NVB) ngày 13/4.
Trong nửa sau của tháng 4 có đại hội cổ đông của ngân hàng MB ngày 19/4; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB) ngày 25/4; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) ngày 26/4; Vietcombank, BIDV, VietinBank và LPBank cùng diễn ra ngày 27/4.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-dong-ngan-hang-ngong-tin-chia-co-tuc-va-tang-von/326865.html