Cổ đông ngân hàng sở hữu cổ phần vượt trần chưa được nhận cổ tức tiền mặt

Các ngân hàng thương mại có cổ đông sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ phải gửi lộ trình tuân thủ đến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) muộn nhất trong nửa đầu tháng 5/2025. Trong thời gian sở hữu cổ phần vượt trần tại ngân hàng, cổ đông không được tăng thêm cổ phần hay nhận cổ tức bằng tiền mặt với số cổ phần nắm giữ vượt tỷ lệ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 52/2024/TT-NHNN quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (Thông tư 52). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2025.

Nội dung thiết yếu trong lộ trình tuân thủ

Thông tư này quy định về việc ngân hàng thương mại (trừ ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt) có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ phải xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định.

Theo đó, ngân hàng thương mại căn cứ quy định tại khoản 28 Điều 4 và Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xác định danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu để xác định danh sách là đến hết ngày 30/6/2024.

Chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt

Khoản 3, 4 Điều 4 Thông tư 52 nêu rõ:

"3. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

4. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt tỷ lệ cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định".

Lộ trình tuân thủ của ngân hàng thương mại phải có tối thiểu các nội dung. Một là, danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ, bao gồm các thông tin dưới đây.

Đối với cá nhân cần thông tin về: họ và tên; số định danh cá nhân, ngày cấp, nơi cấp, nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), ngày, tháng, năm sinh của cá nhân là người Việt Nam; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, nơi tạm trú tại Việt Nam, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký tạm trú) của cá nhân là người nước ngoài.

Cùng với đó là thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp trên vốn điều lệ mà cá nhân đang sở hữu tại ngân hàng thương mại (bao gồm cả phần vốn góp, cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên); tên tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền, ủy thác và mối quan hệ với cá nhân đó.

Cổ đông ngân hàng sở hữu cổ phần vượt trần chưa được nhận cổ tức tiền mặt với số cổ phần nắm giữ vượt tỷ lệ.

Cổ đông ngân hàng sở hữu cổ phần vượt trần chưa được nhận cổ tức tiền mặt với số cổ phần nắm giữ vượt tỷ lệ.

Đối với tổ chức, cần thông tin về tên tổ chức, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, ngày cấp, nơi cấp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính. Thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần trên vốn điều lệ mà tổ chức đang sở hữu tại ngân hàng thương mại (bao gồm cả cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên); tên tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền, ủy thác và mối quan hệ với tổ chức đó.

Thông tin về người đại diện phần vốn góp, người có liên quan của cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông và người có liên quan.

Hai là, thời hạn lộ trình tuân thủ, các mốc thời gian thực hiện và biện pháp áp dụng để cổ đông, cổ đông và người có liên quan giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng thương mại đó hoặc biện pháp khác phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Ba là, nội dung cam kết của ngân hàng thương mại về việc phối hợp, đôn đốc cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ thực hiện đúng lộ trình nêu trên.

Hạn chót gửi lộ trình tuân thủ

Thông tư cũng quy định rõ ngân hàng thương mại gửi lộ trình tuân thủ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), cổ đông, cổ đông và người có liên quan trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2025, nghĩa là các ngân hàng thương mại phải gửi lộ trình tuân thủ đến cơ quan quản lý muộn nhất trong nửa đầu tháng 5/2025.

Trường hợp để đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu ngân hàng thương mại chỉnh sửa, hoàn thiện lộ trình tuân thủ.

Trong thời hạn yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, ngân hàng thương mại phải phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan chỉnh sửa, hoàn thiện và gửi lộ trình tuân thủ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến các đối tượng.

Ngân hàng thương mại cũng có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thực hiện lộ trình tuân thủ định kỳ hàng quý bằng văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) theo mẫu.

"Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo là chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo, kỳ báo cáo đầu tiên là báo cáo quý III/2025" - thông tư nêu rõ.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định rõ tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông trong tổ chức tín dụng. Theo đó, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%); cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%). Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Sau gần 4 tháng triển khai Luật Các tổ chức tín dụng 2024 song nhiều cổ đông có tỷ lệ sở hữu vượt trần quy định tại nhiều ngân hàng.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-dong-ngan-hang-so-huu-co-phan-vuot-tran-chua-duoc-nhan-co-tuc-tien-mat-166363.html