Cổ đông sáng lập thao túng giá CTF: Báo động chất lượng quản trị doanh nghiệp
Tập đoàn Tân Thành Đô và ông Ngô Văn Cường bị xử phạt tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng do thao túng giá cổ phiếu CTF.
Những án phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm về công bố thông tin khi giao dịch không còn gây bất ngờ với các thành viên thị trường, nhưng câu chuyện thao túng cổ phiếu CTF của CTCP City Auto lại khiến không ít người phải thốt lên “không còn gì để nói”. Một trong hai đối tượng bị phạt là Tập đoàn Tân Thành Đô, là cổ đông sáng lập và từng là công ty mẹ của CTF.
Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ngày 29/6/2020, cơ quan này ban hành quyết định xử phạt CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô (232 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) và một cá nhân, ông Ngô Văn Cường. Tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Tân Thành Đô bị phạt 1,2 tỷ đồng, cá nhân ông Ngô Văn Cường bị phạt 550 triệu đồng.
Lý do bị phạt là Tập đoàn Tân Thành Đô và ông Ngô Văn Cường đã sử dụng chung 22 tài khoản để giao dịch, nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu CTF. Ông Cường từng là cổ đông lớn của CTF. Đặc biệt, Tập đoàn Tân Thành Đô là cổ đông sáng lập của City Auto và đang nắm giữ khoảng 6 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,3% vốn tại CTF.
Theo Bản cảo bạch, trước đây, Tân Thành Đô có vốn điều lệ 1.017 tỷ đồng (năm 2017) và góp 105 tỷ đồng vào CTF, tương ứng tỷ lệ sở hữu 58,33% vốn tại CTF ngay trước khi niêm yết. Tháng 1/2018, Tân Thành Đô đã bán phân nửa số cổ phần trên, nhưng kết quả chỉ bán được hơn 2,1 triệu cổ phiếu. Đến tháng 4/2018, Tân Thành Đô tiếp tục đăng ký bán và hoàn tất thoái nửa vốn tại CTF. Hiện nay, Chủ tịch HĐQT City Auto là ông Trần Ngọc Dân, người mà trước đây là Chủ tịch HĐQT Tân Thành Đô.
Theo thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, tính đến hết tháng 4/2020, Tập đoàn Tân Thành Đô có số nợ thuế 680 tỷ đồng, là trường hợp nợ lớn nhất trong số hơn 7.000 doanh nghiệp nợ thuế bị công khai.
Về City Auto, doanh nghiệp được biết đến là đại lý ủy quyền chính thức của Công ty Ford Việt Nam, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực ô tô, cung cấp phụ tùng chính hãng, bảo trì, sửa chữa các loại xe Ford. Công ty này niêm yết cổ phiếu vào tháng 5/2017, giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu. CTF là cổ phiếu từng gây sóng gió trên thị trường, với những đợt tăng sốc, giảm sâu, không gắn liền thông tin về hiệu quả doanh nghiệp. Đơn cử, lúc mới niêm yết, CTF đã có 16 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu lên 41.000 đồng/cổ phiếu, sau đó có chuỗi 6 phiên sàn.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng từng nhận án phạt tiền tỷ vì thao túng, làm giá cổ phiếu như KSA, DS3, ANV, DTL, PIV…, nhưng sai phạm ở các cá nhân là chính. Tại DTL, bà Nguyễn Thanh Loan bị phạt hơn nửa tỷ đồng vì đã sử dụng 5 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu.
Tại DS3, bà Hoàng Thị Thủy bị phạt 550 triệu đồng vì sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu… Tại ANV, ông Nguyễn Kim Dĩnh chịu phạt 550 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu bằng 8 tài khoản… Riêng vụ việc tại KSA đã được đưa ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử.
UBCK phát hiện và xử phạt kịch khung nhiều hành vi thao túng giá cổ phiếu, nhưng dường như chưa khiến những chủ nhân có ý đồ sai phạm sợ hãi. Các “tổ lái” vẫn tiếp tục hành động, số vụ xử phạt chưa giảm xuống và thị trường vẫn có nhiều con sóng bất thường.
Nhiều ý kiến cho rằng, bản chất các sai phạm đều có bóng dáng lãnh đạo, cổ đông lớn của doanh nghiệp. Theo đó, chế tài xử phạt có tăng mạnh cũng chỉ là công cụ để hạn chế và răn đe, chứ chưa xử lý được cái gốc của sai phạm. Cái gốc là trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, sự minh bạch và liêm chính trong quản trị, điều hành công ty phải được thực thi nghiêm túc, giám sát chặt chẽ, mới mong giảm bớt chuyện thao túng, làm giá trên thị trường.
Một trong những thông lệ quản trị tiên tiến là doanh nghiệp phải có ủy ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT, do một thành viên HĐQT độc lập kiểm soát và điều hành. Cùng với đó, vị trí chủ tịch HĐQT cũng phải tách bạch với vị trí tổng giám đốc để đảm bảo tính khách quan và chuyên nghiệp trong công tác định hướng chiến lược, giám sát với thực thi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là 2 mảng yếu và thiếu của đại đa số doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp niêm yết hiện nay vẫn có tình trạng “ông chủ”, tức là được kiểm soát bởi một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông lớn. Các cổ đông còn lại thường phân tán, thiếu sự đối trọng, nguồn lực và thông tin để giám sát các hoạt động quản lý, cũng như bảo vệ mình trước sự lạm dụng có thể xảy ra từ chính những người trong nội bộ công ty.