'Cổ đông' trên tàu đánh cá

Thiếu lao động gay gắt trong khai thác thủy sản đã diễn ra nhiều năm qua, làm cho nhiều chủ tàu đánh cá lao đao, một số nghề đang đứng bên bờ vực thẳm. Ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có cách làm hay, các lao động đóng góp lưới, trở thành 'cổ đông' trên các tàu đánh cá. Ra biển ai cũng làm việc với tâm thế 'ông chủ', luôn đạt năng suất cao.

Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Thôn kiểm tra các thiết bị trên tàu chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Hải Luận

Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Thôn kiểm tra các thiết bị trên tàu chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Hải Luận

“Tàu tôi đang ở ngoài vùng biển đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã gọi điện cho các vựa thu mua thủy sản thành phố Phan Thiết, Nha Trang, Cà Ná, để hỏi giá bán cá. Thấy ngoài Nha Trang chào mua giá cao, mọi người trên tàu đồng ý cho tàu chạy về Nha Trang bán, coi như kiếm thêm được mấy chục triệu đồng” - thuyền trưởng và chủ tàu Huỳnh Tấn Thôn, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi giãi bày.

“Cột” chặt vào nhau lợi ích kinh tế

“Chưa bật máy giám sát hành trình, cán bộ Biên phòng không ký xuất sổ”

“Đến trạm kiểm soát Biên phòng ký xuất sổ hành trình đi biển, mấy anh cán bộ BĐBP bật máy lên kiểm tra, thấy tàu mình chưa bật máy giám sát hành trình, các anh không ký xuất sổ. Vậy là phải quay về tàu bật máy lên hoạt động bình thường theo quy định, suốt cả hành trình đánh bắt không được ngắt kết nối với máy chủ ở trong bờ. Nếu có sự cố gì với máy giám sát hành trình, mất kết nối vài ngày, phải chạy tàu vào bờ sửa chữa ngay. Đã có mấy tàu bị Chi cục Thủy sản xử phạt rất nặng vì mất kết nối” - thuyền trưởng Huỳnh Tấn Thôn thông tin.

Tàu của ông Thôn vừa cập vào cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, vựa thu mua cá đã chuẩn bị sẵn xe ô tô, lực lượng phân loại kích cỡ cá. Chiều dài cảng Hòn Rớ mấy trăm mét, gần như đã kín chỗ tàu vào bán cá và lấy nhiên liệu cho chuyến đi biển mới, có nhiều nơi tàu phải đậu xếp 3 lớp. Thuyền trưởng Thôn nói tiếp: “Mấy ngày nước, tàu câu cá ngừ đại dương đã vào bán cá sớm, tàu lưới cản (rê) Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định vào cảng trễ hơn. Ngày hôm nay và ngày mai, tàu Quảng Ngãi mới bán xong cá, neo tàu ở ngoài sông, chia tiền cho anh em, rồi nhảy xe đò về Quảng Ngãi thăm vợ con vài ngày. Đến ngày 16 âm lịch, mọi người quay vào Nha Trang bơm dầu, lấy đá, lương thực đi biển tiếp”.

Chuyến biển này, tàu ông Thôn đạt sản lượng 9 tấn, giá bán trung bình 31.000 đồng/kg, doanh thu gần 300 triệu đồng; trừ tiền tổn phí 90 triệu đồng, số tiền còn lại chia theo tỉ lệ: chủ tàu 30%, cổ đông giàn lưới 35%, lao động 35%; tính ra, mỗi lao động kiếm được 7 triệu đồng. “Tháng trước, tàu tôi làm năng hơn, đạt 13 tấn, thu trên 400 triệu đồng. Chuyến này, sản lượng 9 tấn, coi như ở mức trung bình, mấy chiếc tàu trong nhóm “chí cốt” làm đạt 500 triệu đồng. Biển cả mà, có lúc này lúc kia, mình chịu khó làm, chuyến sau có khi trúng lớn, coi như “bù qua bù lại” thêm được vài triệu đồng” - thuyền trưởng Thôn nói như trấn an lòng mình.

Câu chuyện “cổ đông” trên tàu đánh cá được ngư dân thị xã Đức Phổ thực hiện ở thực tiễn một cách nhuần nhuyễn. Nó xuất phát từ thực tế nghề biển, suốt nhiều năm mất cân đối thu nhập giữa chủ tàu và lao động, có những chuyến biển, người lao động bỏ ra thời gian gần cả tháng trời đi biển, nhưng không có đồng nào đưa về cho vợ con, vì tàu làm không có lãi. Dẫn đến, một số người lao động luôn nghĩ ra đủ các chiêu trò lên lấy tiền của chủ tàu, đôi khi xảy ra xung đột giữa chủ tàu và làm thuê.

Ngư dân Đức Phổ đã “cải tiến”, nhóm “cổ đông” thứ nhất, bỏ ra vốn lớn đóng tàu trị giá mấy tỷ đồng; nhóm “cổ đông” thứ hai, là các lao động trên tàu cá tự bỏ tiền ra mua sắm giàn lưới để cùng hợp tác làm ăn với chủ tàu. Mỗi “cổ đông” lưới bỏ ra 180 - 200 triệu đồng mua 30 tấm lưới, trên mỗi tàu cần có 10 - 12 “cổ đông”, tạo ra đường lưới dài từ 10 - 15 hải lý. Chủ tàu và lao động được “cột” chặt vào nhau lợi ích kinh tế, giống như hợp tác xã thu nhỏ, thuyền trưởng là giám đốc điều hành.

Mọi người đều là “ông chủ”

Thị xã Đức Phổ có 60 chiếc tàu lưới cản đường dài đã được “cổ phần hóa”, ngư trường hoạt động khá rộng, từ quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) kéo xuống quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), xuyên xuống Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bao phủ vào đảo Hòn Hải, Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Ông Nguyễn Một, phường Phổ Quang cho biết: “Theo “luật” của ngư dân, mỗi anh phải tự mua cục lưới 10 tấm, trên mỗi tấm lưới được đánh số ký hiệu của từng người, lưới của ai người đó giữ và tự tu bổ khi rách. Tàu ra ngoài biển, ban đêm đi thả lưới, ban ngày ngủ chút đỉnh, rồi thức dậy vá lưới, chuẩn bị dây phao, chì...”.

Tàu làm nghề lưới cản bán cá tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Tàu làm nghề lưới cản bán cá tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

“Luật” của ngư dân không cần ghi ra bằng giấy trắng mực đen, nhưng mọi người thực hiện răm rắp, bởi đó là những thứ đã được bà con tự “cắt gọt” và “cô đọng” trong quá trình hoạt động trên biển nhiều năm. Chẳng hạn, đầu mùa vụ khai thác, các “cổ đông” đã đồng ý đưa lưới xuống tàu hợp tác làm ăn, phải đi theo hết cả năm, không được “rút vốn” ra giữa chừng. Nếu “cổ đông” bận việc ở nhà không đi biển được, chủ tàu gọi lao động bên ngoài (không có cổ đông) vào thay thế, kết thúc chuyến biển, phải chia tiền đầy đủ 35% “cổ đông” lưới ở nhà.

Cuối năm, tàu ông Thôn được nhận tiền hỗ trợ dầu của Chính phủ 400 triệu đồng (4 quý), ông chia đều cho các “cổ đông” tàu và lưới. “Mỗi chuyến biển, chủ tàu đã bỏ ra tiền tổn phí từ 90 - 100 triệu đồng rồi, phần này coi như công sức đóng góp chung. Chủ tàu chia tiền dầu đều cho các “cổ đông” là đúng. Nhận được tiền là mua thêm lưới mới ngay, loại bỏ những tấm lưới quá cũ. Mình làm ăn có tâm, biển cả sẽ “thương” mình, năm sau sẽ có thu nhập tốt” - ông Một nói lên cả tấm lòng thành.

Nghề lưới cản đường dài gần như có ở khắp các tỉnh, thành ven biển miền Trung, duy nhất ở Quảng Ngãi mới có “cổ đông” góp lưới với chủ tàu. Ông Ngọc Tùng, chủ 2 chiếc tàu lưới cản ở thành phố Nha Trang nhận xét: “Cảng cá Hòn Rớ đón tàu đánh cá xa bờ từ ngoài Hải Phòng, Thanh Hóa đến Kiên Giang. Tôi chỉ biết ngư dân Quảng Ngãi hùn lưới làm nghề lưới cản. Bản thân tôi làm nghề lưới cản từ khi mới 16 tuổi, bây giờ gần 50 tuổi, chủ 4 chiếc tàu lưới cản, vì thiếu lao động đi biển nên phải bán bớt tàu. Chuẩn bị tàu đi biển, tôi phải lo từ cái tăm xỉa răng đến gạo cơm ăn hàng ngày, còn đút túi 2 - 3 triệu đồng/người, để lấy khí thế trước khi tàu ra khơi. Còn dân lưới cản Quảng Ngãi ra biển làm ai cũng ở tâm thế “ông chủ”, họ làm việc đầy trách nhiệm, cần cù, tàu họ làm lúc nào cũng no. Chủ tàu không bao giờ sợ bị thiếu lao động mỗi khi tàu ra khơi”.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-dong-tren-tau-danh-ca-post461421.html