Cô gái 16 tuổi gây bão toàn cầu

Cô gái 16 tuổi người Thụy Điển với bím tóc đặc trưng đã gây bão trên toàn thế giới kể từ khi cô trốn học vào tháng 8 năm 2018 để biểu tình phản đối tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

 Hình ảnh Greta Thunberg tại một cuộc biểu tình. Ảnh: Vox.

Hình ảnh Greta Thunberg tại một cuộc biểu tình. Ảnh: Vox.

Không ai nói về tương lai rõ ràng hay cấp bách hơn Greta Thunberg.

Cô gái 16 tuổi người Thụy Điển với bím tóc đặc trưng đã gây bão trên toàn thế giới kể từ khi cô trốn học vào tháng 8/2018 để biểu tình phản đối tình trạng khẩn cấp về khí hậu bên ngoài Quốc hội Thụy Điển.

Greta đã khởi đầu một làn sóng tích cực ở giới trẻ đối với tình trạng khủng hoảng khí hậu, với đỉnh điểm là hơn một triệu học sinh từ khắp nơi trên thế giới tham gia các cuộc đình công ở trường học vào mùa xuân năm 2019.

Greta Thunberg đã trở thành nhà vô địch của giới trẻ. Trở thành tiếng nói của một thế hệ mới.

Ở khía cạnh nào đó, cô bé không có nhiều khả năng trở thành một nhà lãnh đạo cho phong trào toàn cầu như vậy. Greta là một thiếu niên đến từ Thụy Điển, tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai và cô đã nói chuyện công khai, dũng cảm về việc mắc hội chứng Asperger, một dạng tự kỉ. Nhưng không điều gì trong số đó kìm hãm được cô.

Ngược lại, Greta khẳng định rằng phong trào của cô thành công là do cô mắc chứng tự kỉ, chứ không phải vì vượt qua được nó. Cô nói vào đầu năm nay:

“Trở nên khác biệt là một món quà... Nó khiến tôi nhìn thấy mọi thứ không theo khuôn khổ. Tôi không dễ dàng bị lừa dối, tôi có thể nhìn thấu mọi thứ”.

Điều đó được thể hiện rõ trong các bài phát biểu của cô. Những bài phát biểu trực diện một cách mới mẻ.

Khi đến Quốc hội Anh để nói chuyện với các nghị sĩ trong năm nay, cô đã hỏi:

“Mic đã được bật thật chưa ạ?”.

[Rồi]

“Mọi người có nghe thấy tôi nói không?”.

[Có]

“Tiếng Anh của tôi có ổn không?”.

[Ổn]

“Bởi vì tôi bắt đầu tự hỏi đây”.

Trong vòng một tuần sau chuyến thăm của Greta tới Nghị viện, tiếp sau đó là một làn sóng phản đối khí hậu bất thường của nhóm chiến dịch Extinction Rebellion, các nghị sĩ đã lần đầu tiên bỏ phiếu để ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Các bài phát biểu của Greta rất hay vì chúng khiến những người có quyền lực phải hổ thẹn và cảm thấy bất lực. Cô trách mắng những người trưởng thành trong phòng; cô vạch trần sự thiếu thận trọng và vô trách nhiệm của họ.

Những lời của cô trong bài phát biểu này, trước các đại biểu cấp cao ở Vienna, thể hiện tức giận và thái độ lo ngại. Bài phát biểu đã không được bắt đầu dễ dàng bằng mấy câu bông đùa lịch sự thường dành cho các chính trị gia và CEO.

Mỗi lần phát biểu, Greta đều gióng lên một hồi chuông báo động và buộc mọi người phải nghe, buộc họ phải hành động. Lời nói của cô là một thách thức đối với các nhà lãnh đạo nhưng cũng là một lời kêu gọi tập hợp những người khác tham gia cùng cô:

"... chúng tôi sẽ không để quý vị trốn tránh trách nhiệm này nữa".

Trong một cuộc trò chuyện giữa Greta Thunberg với Alexandria Ocasio-Cortez vào năm ngoái, AOC đã nói với cô ấy rằng:

"Hi vọng không phải là thứ mà ta có sẵn. Hi vọng là thứ mà ta phải tạo ra, bằng hành động. Hi vọng là thứ ta phải thể hiện ra thế giới và khi một người có hi vọng, nó có thể lan tỏa mạnh mẽ".

Cô ấy đúng. Nhưng như Greta đã nói trong một bài TEDx Talks vào năm 2018, “điều chúng ta cần hơn cả hi vọng là hành động”.

Bằng cách lên tiếng và lan tỏa lời mình, Greta Thunberg đang thể hiện vai trò lãnh đạo mà cô kêu gọi từ những người khác. Giống như tất cả những người phụ nữ trong tuyển tập này - từ Boudica đến AOC - và hàng triệu người khác trên khắp thế giới, Greta Thunberg đang sử dụng tiếng nói của mình để truyền cảm hứng cho hi vọng.

Yvette Cooper/NXB Dân trí & Tân Việt Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-16-tuoi-gay-bao-toan-cau-post1410320.html