Cô gái 16 tuổi vượt Đại Tây Dương bằng du thuyền không khí thải
Nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi của Thụy Điển Greta Thunberg đã hoàn thành hành trình vượt Đại Tây Dương dài 15 ngày trên một du thuyền công nghệ cao, không khí thải và cập bến tại New York.
Sáng 29/8 (giờ Việt Nam), nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi của Thụy Điển Greta Thunberg đã hoàn thành hành trình vượt Đại Tây Dương dài 15 ngày trên một du thuyền công nghệ cao, không khí thải và cập bến tại New York, Mỹ, để chuẩn bị tham dự một hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) vào tháng tới.
Phát biểu với các phóng viên, cô gái 16 tuổi Thunberg kêu gọi tất cả mọi người cùng đứng lên, hỗ trợ lẫn nhau và hành động bảo vệ môi trường trước khi quá muộn.
Cô cũng cho rằng các vụ cháy rừng tại Amazon là dấu hiệu rõ ràng nhất chỉ ra con người cần dừng mọi hoạt động phá hoại thiên nhiên.
Nhà hoạt động trẻ tuổi này bắt đầu hành trình từ Plymouth, Anh, hôm 14/8 với du thuyền Malizia II có trang bị các tấm pin năng lượng Mặt trời và tua-bin dưới nước để thực hiện hành trình hơn 3.000 hải lý (khoảng 5.500 km) vượt Đại Tây Dương tới Mỹ.
Thunberg từ chối đi máy bay tới dự hội nghị của LHQ vì lo ngại lượng khí thải carbon từ phương tiện di chuyển này.
LHQ đã bố trí một đội gồm 17 thuyền buồm nhỏ để chào đón Thunberg. Đội thuyền buồm này đại diện cho 17 mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đã đề ra cho tới năm 2030, trong đó bao gồm ứng phó biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.
Trước khi tham dự hội nghị của LHQ, cô sẽ tham gia các phong trào tuần hành vì khí hậu tại Mỹ và sau hội nghị, cô sẽ tới Canada, Mexico và Chile để tham dự một hội nghị khác của LHQ vào tháng 12 tới.
Cô gái 16 tuổi người Thụy Điển đã trở thành biểu tượng của hành động vì môi trường toàn cầu khi khởi xướng phong trào "Fridays For Future" (Những ngày thứ Sáu vì tương lai) từ năm 2018. Bị chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn phát triển Asperger ở độ tuổi 12, bệnh tật đã không thể cản bước cô gái trẻ thực hiện ý tưởng bảo vệ môi trường của mình.
Từ tháng 8/2018, cô sinh viên Thụy Điển đã gác lại việc học tập và bắt đầu ngồi bên ngoài Quốc hội Thụy Điển để kêu gọi các nghị sĩ hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Nhờ sức mạnh của truyền thông, hành động của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý và truyền cảm hứng tới các sinh viên trên toàn thế giới và phong trào "Fridays for future" được ra đời từ đó.
Trong những tháng gần đây, vào thứ Sáu mỗi tuần, hàng nghìn học sinh, sinh viên ở hơn 120 quốc gia trên thế giới lại xuống đường tuần hành, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ hành tinh.
Các cuộc tuần hành của giới trẻ nhằm đánh động dư luận thế giới phải có hành động cấp thiết chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là lần đầu tiên, giới trẻ trên toàn thế giới đồng loạt xuống đường để bảo vệ tương lai của mình.
Với những kiến thức tiếp thu được trong trường học, giới trẻ ngày nay hoàn toàn có lý do để lo ngại cho tương lai, vì đến năm 2050, chính họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của những thảm họa sinh thái không thể đảo ngược được nếu nhân loại không khẩn cấp có hành động ngay từ bây giờ./.