Cô gái 20 tuổi bị nhầm là trẻ nhỏ
Cô gái người Ấn Độ thường bị nhầm là trẻ em dù đã 20 tuổi do mắc phải bệnh hiếm gặp.
Hiện nay, Aboli Jarit, sống ở thành phố Nagpur, bang Maharashtra (Ấn Độ) chỉ cao 1m. Cô được chẩn đoán mắc hội chứng hiếm gặp gọi là bệnh còi xương do thận gây biến dạng xương và khiến cô ngừng phát triển từ khi còn nhỏ. Tình trạng này cũng có thể gây suy thận.
Aboli phải đối mặt với nhiều hạn chế như không thể đi lại. Gia đình không có ô tô nên việc di chuyển của cô khó khăn. Cô phải phẫu thuật mở một lỗ ở eo để nước tiểu không tích tụ trong cơ thể và thường quấn tã quanh eo để thấm nước tiểu.
Dù vậy, cô ca sĩ 20 tuổi vẫn vui vì trông trẻ trung: “Tôi cảm thấy may mắn và rất đặc biệt. Khi lớn lên, mọi người bắt đầu trông khác đi nhưng tôi vẫn vậy. Đó là điều mà tôi thực sự rất thích. Không nhiều người mắc căn bệnh hiếm gặp này, điều tốt là tôi sống sót. Nhưng các bác sĩ đều nói rằng không có giải pháp nào để điều trị triệt để".
Aboli vẫn hy vọng thực hiện được ước mơ trở nên nổi tiếng: "Tôi muốn trở thành ca sĩ và diễn viên ở Bollywood và Hollywood, tôi hy vọng có thể sớm làm được điều đó”.
Khi còn là một đứa trẻ, Aboli đã yêu thích ca hát và nhảy múa. Nhưng xương của cô ngày càng yếu đi, cô không thể đứng vững, có lần bị ngã và gẫy chân. Chấn thương nặng tới nỗi cô phải ngừng đi lại hoàn toàn.
Ngay sau vụ tai nạn, cô tham gia một cuộc thi và vào tới chung kết. Kết quả khiến cô trở nên tự tin hơn. Theo The Sun, kế tiếp, cô tham gia cuộc thi Indian Idol và trở thành hiện tượng với 12.000 người theo dõi trên mạng xã hội.
Mới đây, Aboli đã đón chào tuổi 20 tại nhà cùng người thân. Do sinh nhật trùng với dịp lễ hội màu sắc Holi của Ấn Độ nên gia đình quyết định tổ chức theo cách đặc biệt. Cô được đánh thức vào lúc 0h, nhận rất nhiều lời chúc mừng, quà tặng. Mẹ của Aboli chuẩn bị các món ăn yêu thích cho con.
Bệnh còi xương thường xảy ra do thiếu vitamin D hoặc canxi nhưng cũng có thể do khiếm khuyết di truyền hoặc tình trạng sức khỏe khác.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, bất kỳ trẻ em nào không nhận đủ vitamin D hoặc canxi đều có thể bị còi xương, nhưng một số nhóm có nguy cơ cao hơn. Ví dụ, bệnh còi xương phổ biến hơn ở trẻ em gốc châu Á, châu Phi và Trung Đông vì da sẫm màu và cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn để có đủ vitamin D.
Trẻ sinh non cũng có nguy cơ bị còi xương. Đôi khi, bệnh phát triển ở trẻ mắc bệnh thận, gan và đường ruột. Những căn bệnh đó có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin và khoáng chất.
Nguồn cung cấp vitamin D chủ đạo là ánh sáng mặt trời - da của bạn tạo ra vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng. Vitamin D cũng có trong một số thực phẩm như dầu cá, trứng và ngũ cốc ăn sáng tăng cường vi chất.