Cô gái bất động sau ngủ dậy được cứu như thế nào ?

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa cứu kịp cô gái trẻ ngủ dậy méo miệng, nói đớ và liệt 1 bên.

Ngày 9-11, Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn cho hay vừa cứu kịp cô gái bị đột quỵ khi tuổi đời còn khá trẻ. Bệnh nhân là chị V.T.T.N (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), nhập viện cấp cứu trong tình trạng chóng mặt nhiều, nôn ói kèm các triệu chứng như tê vùng mặt bên trái, tay chân bên trái khó điều khiển, di chuyển không được và nói đớ méo miệng sau khi ngủ dậy.

Sức khỏe bệnh nhân được cải thiện sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết

Sức khỏe bệnh nhân được cải thiện sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết

Qua khám lâm sàng, chụp MRI não, các bác sĩ ghi nhận có hình ảnh nhồi máu tiểu não – cuống não, còn trong thời gian vàng điều trị. Bệnh nhân được chỉ định ngay dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch rTPA. Đây là loại thuốc được chỉ định trong nhồi máu não cấp dưới 4 đến 5 giờ, giúp làm tan máu đông, mạch máu lưu thông tốt, cải thiện được vùng não có nguy cơ tổn thương.

Người bệnh hồi phục sau khi dùng thuốc như hết nói đớ, giảm tê vùng mặt và cử động tay chân dễ dàng hơn. Chị N. không hề có tiền sử bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch. Tuy nhiên các bác sĩ tiếp tục làm xét nghiệm máu, siêu âm để tìm nguyên nhân nhồi máu não.

Hãy nhớ những quy tắc vàng để cứu sống người đột quỵ

Hãy nhớ những quy tắc vàng để cứu sống người đột quỵ

Theo ThS-BS Trương Việt Trung, Khoa Nội thần kinh BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, đây là trường hợp nhồi máu não cấp ở người trẻ (ca trẻ tuổi nhất mà BV này tiếp nhận) và có dấu hiệu phục hồi tốt. Bác sĩ khuyên với những trường hợp nhồi máu não cần được nhập viện càng sớm càng tốt, đặc biệt trong thời gian vàng (trước 4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng). Khi đó, khả năng phục hồi sau dùng thuốc sẽ được cải thiện đáng kể, giảm thương tật sau đột quỵ, tránh tổn thất lớn cho gia đình và xã hội.

"Thêm vào đó, người dân cũng có thể sử dụng quy tắc F.A.S.T để nhận biết và cấp cứu nhanh bệnh nhân đột quỵ. Chú ý hạn chế sử dụng các hướng dẫn lan truyền trên mạng như: chích máu đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng, uống thuốc không rõ loại… sẽ làm kéo dài thời gian nhập viện", BS Trung lưu ý.

Nguyễn Thạnh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/co-gai-bat-dong-sau-ngu-day-duoc-cuu-nhu-the-nao--20181109183526678.htm