Cô gái bị chân chống xe máy đâm vào mông
Sáng 13/2 (Mùng 2 Tết), BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám Đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS của BV vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bị chân chống xe máy đâm xuyên vùng mông.
Theo đó, lúc 18h ngày 11/2 (30 Tết), Khoa Cấp cứu BVĐKTƯCT tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.Y.N (SN 2001, ngụ Hậu Giang), trong tình trạng bị dị vật dính vào vùng mông là chân chống xe máy.
Cách nhập viện 3 giờ, bệnh nhân đi xe máy va chạm xe máy khác nên bị ngã, khiến chân chống xe gắn máy đâm dính vào vùng mông, được mọi người dùng máy cưa sắt cắt rời chân chống ra khỏi xe, để nguyên dị vật chuyển vào trạm y tế sơ cứu, sau đó chuyển đến BVĐKTWCT.
Tình trạng lúc nhập viện sinh, bệnh nhân đau nhiều vùng mông, các BS nhanh chóng xử trí cấp cứu vết thương. Khám xác định thanh kim loại đâm sâu vào vùng mông nguy cơ tổn thương thần kinh ngồi.
Để xác định kích thước và một phần hướng đi của dị vật, bệnh nhân được chỉ định chụp X-Quang khung chậu . Ê kíp BS Trung tâm chấn thương chỉnh hình gồm BS CK1 Đỗ Văn Khải, BSCK1 Phan Chí Linh, BS Nguyễn Nhựt Quang, BSCK1 Nguyễn Văn Vĩnh tiến hành phẫu thuật lấy ra thanh kim loại lớn hình chữ “L” là một phần của chân chống xe máy.
Thanh kim kích thước 2x 16cm đâm sâu vào từ vùng mông bên phải, sát phần hậu môn của bệnh nhân. Hướng đi của dị vật làm rách nhiều cơ vùng mông: cơ mông lớn, cơ mông bé, cơ hình lê, đứt các mạch máu nhỏ nuôi cơ vùng mông nên gây chảy máu. Khoảng cách đầu của dị vật gần thần kinh ngồi, nếu dị vật đâm trúng thần kinh này sẽ làm bệnh nhân bị liệt chân cùng bên.
Do dị vật là chân chống xe gắn máy nên có bám nhiều dị vật xung quanh là đất, cát… để phẫu thuật ê kíp phải mở rộng vết thương, cắt lọc lấy sạch dị vật, bơm rửa rất nhiều nước, khâu vết thương, đặt dẫn lưu.
Trường hợp này do dị vật không dễ dàng lấy ra nên việc sơ cứu, để nguyên dị vật tới bệnh viện là quan trọng vì nếu cố lấy dị vậy thì vô tình sẽ làm tổn thương thêm các cấu trúc quan trọng khác ở vùng mông - đó là thần kinh ngồi.
Đồng thời trường hợp này cần phải cắt lọc, bơm rửa nước có áp lực để đẩy trôi dị vật, đất cát ra ngoài; phối hợp với kháng sinh liều cao từ lúc vào viện nhằm kiểm soát nhiễm trùng vết thương.
Tình trạng sáng 13/2 bệnh nhân tỉnh, không sốt, vết mổ khô, đau ít, chi cử động bình thường... Dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/hi-huu-co-gai-bi-chan-chong-xe-may-dam-vao-mong-630903/