Cô gái 'giải oan' cho 'cây triệu đô'

Khởi nghiệp với cà phê và khá thành công với thương hiệu Anni Coffee. Rồi một cơ duyên khiến Trịnh Thị Bích Thảo lấn sân sang hạt mắc ca, đúng vào lúc người nông dân thất vọng cùng cực với 'cây triệu đô'. Thảo nghĩ khác, nhìn khác và làm cách khác để đưa loại cây này về đúng giá trị của nó và đem lại nụ cười cho người nông dân.

“Cây triệu đô” là có thật

Hơn 2 năm trước, những lần lên vùng nguyên liệu của Anni ở Lâm Đồng và Đắc Lắc, Thảo thấy các hộ dân thường trồng xen canh cà phê và mắc ca. Ở Đắc Lắc, do thổ nhưỡng, giống và cả kỹ thuật chăm sóc không tốt, mỗi năm người dân chỉ thu được một vụ, năng suất kém. Ai cũng ngao ngán muốn bỏ, có hộ trồng 7 năm cây chưa ra bông.

Đó là thời điểm mà thông tin về “cây triệu đô” tràn lan, nông dân nhiều vùng rủ nhau chặt cà phê, phá tiêu để lao theo mắc ca. Sức hút khủng khiếp giấc mơ đổi đời nhanh chóng huyễn hoặc nông dân đã khiến nguồn giống được tung về Việt Nam vô tội vạ, nguồn gốc không rõ ràng đã gây ra biết bao tai vạ. Cây trồng xuống mang theo bao hi vọng và sau vài năm vẫn không ra trái. Nông dân nhận quả đắng chỉ còn biết than trời và oán trách bị truyền thông “đầu độc”.

Trịnh Thị Bích Thảo

“Khi mình lên Lâm Đồng, lại nghe người dân kể về một nông dân tên Việt ở Tân Hà – Lâm Hà trồng mắc ca ra trái quanh năm, trái to, chất lượng cao. Nông dân trồng mắc ca và cả cơ quan chuyên về cây này của tỉnh Đắc Lắc cũng tìm đến để tìm hiểu. Anh Việt trồng thử nghiệm hơn 20 giống khác nhau và có đến 4-5 giống cho trái thường xuyên. Từ các giống này tiếp tục nhân rộng diện tích, mỗi giống có kỹ thuật chăm sóc khác nhau. Giá bán cho các cửa hàng đặc sản ở Sài Gòn, Đà Lạt từ 400-500 ngàn đồng/kg, xuống thấp cũng 300 ngàn đồng/kg. Tiếc là bao bì quá xấu, chỉ đóng vào bịch và dán giấy bên ngoài”, Thảo kể lại. Ở Tân Hà đã hình thành hẳn một Hợp tác xã về cây mắc ca.

Thảo nhận lời giúp anh Việt làm lại bao bì, thiết kế mẫu mã hộp, tìm kiếm thêm thị trường. Chỉ sau một năm, sản phẩm của anh Việt tìm được rất nhiều khách hàng, chất lượng không thua kém hàng Úc chính phẩm và vượt xa hàng Trung Quốc. Đến năm thứ 2, cô gái này phát triển nhãn hàng mắc ca Green Nuts thuộc Công ty CP ĐT Anni, bên cạnh đó vẫn hỗ trợ nhóm của anh Việt phân phối sản phẩm.

Nhảy vào lĩnh vực mắc ca, Thảo nhận ra các loại giống hiện nay đa phần không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Cây mắc ca phụ thuộc chính vào thổ nhưỡng, cách chăm sóc. Người dân mặc nhiên cứ đất đỏ bazan sẽ trồng được mà không biết khí hậu, nhiệt độ ổn định của vùng đất sẽ ảnh hưởng đến năng suất và khả năng đậu quả. Cả nước có 3 vùng trồng mắc ca chủ yếu: Lâm Đồng, Đắc Lắc và Sơn La nhưng chỉ vùng Lâm Đồng cho chất lượng hạt tốt nhất do có thổ nhưỡng tương tự Úc.

Sản phẩm Mắc ca của Bích Thảo trưng bày tài SaigonExpo

Vì sao nhiều rủi ro mà vẫn làm? Thảo cho rằng “Cây triệu đô” là có thật. Mắc ca là loại cây thân gỗ cổ thụ, tuổi đời có thể hơn 100 năm. Sau 4-5 năm trồng với kỹ thuật chăm sóc tốt có khả năng cho trái hơn một tạ/tháng. Với giá bán hiện nay, 350.000 đồng/kg bán sỉ và 450-500.000 đồng/kg bán lẻ, mắc ca sẽ cho thu nhập khổng lồ. Đây là lý do vì sao Úc rất chú trọng mắc ca và xem đây là loại cây nữ hoàng để xuất khẩu thu ngoại tệ. Hạt mắc ca giàu dinh dưỡng nhất trong các loại hạt, thế giới sẽ hướng đến sử dụng các loại hạt như xu hướng dinh dưỡng mới đảm bảo an toàn và nâng cao sức khỏe.

Khác biệt để tồn tại

Liên tục trong 2 năm, định kỳ Thảo đều lấy mẫu hạt đem đến Trung tâm Quatest 3 để kiểm định thành phần dinh dưỡng nhằm ghi nhận và đồng bộ hóa chất lượng nguyên liệu. Hạt đạt chuẩn phải đảm bảo từ cây được chăm sóc đúng quy trình, nứt vỏ tự nhiên, hàm lượng dinh dưỡng theo tiêu chuẩn của Úc và FDA của Mỹ.

Tuy vậy, ban đầu đầu ra cho Mắc ca lúc ban đầu vô cùng khó khăn. Khi đi chào hàng, câu mà Thảo thường xuyên nghe là “mắc ca Việt Nam sao đắt hơn của Úc?”. Người tiêu dùng đa phần không hiểu mắc ca chất lượng loại 1 bán tại thị trường nội địa Úc hoặc xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ giá 800.000 – 2 triệu đồng/kg. Hàng “xá”, kém chất lượng hơn xuất sang các nước thứ 3 sau đó đưa vào thị trường Việt Nam giá thấp hơn hẳn. Sự chênh lệch giá giữa mắc ca Úc và Việt Nam ở thị trường nước ta không phải là câu chuyện của chất lượng mà bản chất là kinh doanh.

Từ kênh khách hàng sẵn có của Anni Coffee, Thảo đưa mắc ca vào phân phối và thiết lập thêm đối tác, trong đó có hệ thống siêu thị Co.op. Mỗi tháng Green Nuts đưa ra thị trường 3 tấn hạt mắc ca thành phẩm. Giá bán 112.000 đồng/ hộp 200gr, tương đương 540.000 đồng/kg. Sản phẩm mắc ca của Thảo đã được chọn trưng bày tại SaigonExpo của Trung tâm xúc tiến thương mại TP. HCM (ITPC) ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và tham dự các hội chợ ở nước ngoài.

Trịnh Thị Bích Thảo (phải) giới thiệu sản phẩm Green Nuts tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan

Phát triển cùng lúc 2 thương hiệu, Thảo phải tìm cách để nâng cao chất lượng và khai thác giá trị gia tăng cho sản phẩm. Green Nuts phát triển các sản phẩm mắc ca thành phẩm kết hợp socola, mật ong, pho mai, caramel với quy trình sản xuất tương đương Úc. Thị trường Mắc ca Việt Nam đang có rất nhiều chủng loại ngoại nhập, “giữa một rừng sản phẩm giống nhau, nếu mình không có sự khác biệt sẽ khó tồn tại”. Việt Nam hiện chưa có đơn vị làm mắc ca chuyên nghiệp, để thực hiện định hướng đó, Thảo liên kết với một nhà máy đối tác tại Mỹ với quy trình chuẩn để ra thành phẩm.

So với 3 năm trước, nhu cầu hạt mắc ca đã tăng cao. Hàng Úc chiếm thị phần lớn tại Việt Nam, xuất sang theo container để đơn vị phân phối đóng gói bán lẻ, song song đó là hàng tiểu ngạch của Trung Quốc. Giá hàng Trung Quốc chỉ bằng nửa giá hàng Việt Nam. Tại Lâm Đồng, có tình trạng “đổi 2 lấy 1” của thương lái Trung Quốc. “Họ đem hẳn 2 tấn mắc ca loại kém chất lượng sang gạ đổi lấy 1 tấn mắc ca chất lượng cao để đem về Trung Quốc bán. Tôi thỏa thuận, nếu phát hiện có đánh tráo nguồn gốc nguyên liệu sẽ ngừng hợp tác ngay lập tức. Rất may đến nay chưa gặp trường hợp nào như vậy. Người dân cũng hoàn toàn hiểu nếu làm sai thì họ chính là người thiệt hại nhiều nhất và các hộ sẽ tự kiểm soát chéo lẫn nhau để không bị vạ lây”. Sản lượng của HTX Tân Hà mỗi năm chỉ 60 tấn, không đủ để cung cấp cho thị trường nội địa, phải nhân giống, mở rộng diện tích mới.

Năm 2016, chẳng ai nghĩ đến việc đưa café lên bán ở Amazon thì Thảo lại làm được. Còn với mắc ca, cô gái này quả quyết: “Tôi thích làm những gì mới. Mắc ca là sản phẩm mới và tôi cũng sẽ làm cách mới là không dùng sản phẩm sẵn có trên thị trường mà cải tiến sản phẩm đó. Người nông dân không hiểu hết chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, họ không giỏi về bao bì, marketing v..v để nâng giá trị sản phẩm, mà cái này tôi có thể làm được. Cuối cùng trong chuỗi giá trị của nông nghiệp là lợi nhuận cho nông dân. Ban đầu chỉ tham gia thử nghiệm và phân phối. Dần già nhận thấy mắc ca là một hứng thú mới cho khát vọng khởi nghiệp. Tôi tin sẽ thành công với mắc ca”.

KHOA TƯ

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/co-gai-giai-oan-cho-cay-trieu-do-1637595.tpo