Cô gái Hà Nội và hành trình đưa cà phê đặc sản Quảng Trị ra thế giới
Để tìm câu trả lời cho cà phê sạch, Bích Chi quyết định tự trồng cà phê. Và như một cơ duyên, cô gái Hà Nội đang là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đã chọn mảnh đất Quảng Trị để trồng cà phê hữu cơ, với quyết tâm phát triển thương hiệu cà phê Cup'n'Care vươn ra thế giới.

Bích Chi pha chế cà phê hữu cơ đặc sản do mình trồng ở Quảng Trị để mời khách - Ảnh: QUANG HẢI
Cái duyên với vùng đất lửa Quảng Trị
Vài lần hẹn tôi mới gặp được Nguyễn Thị Bích Chi tại Quảng Trị, bởi như cô chia sẻ bận lịch bay dày cùng nhiều kế hoạch công việc khác. Ngôi nhà nằm lưng chừng đồi ở thôn Xary, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, là nơi Bích Chi xây dựng thương hiệu cà phê Cup’n’Care. Phía sau là 5 ha cà phê chè (còn gọi là Arabica) với xen kẽ cà phê mít (Liberica) được trồng theo phương pháp hữu cơ mướt một màu xanh.
Bích Chi mở đầu cuộc trò chuyện về cơ duyên đến với cà phê và chọn mảnh đất Quảng Trị để làm cà phê hữu cơ, cùng giấc mơ đưa thương hiệu cà phê Cup’n’Care vươn ra thế giới bằng cách tự tay pha chế ly cà phê mời tôi. “Đây là cà phê Arabica và đây là cà phê Liberica được trồng bằng phương pháp hoàn toàn hữu cơ, tự lên men theo công thức riêng. Mời anh thưởng thức”, Bích Chi vừa pha, vừa chỉ cách làm sao lấy được hương vị tốt nhất của một ly cà phê.
Cô gái sinh năm 1985, quê Hà Nội chia sẻ, cơ duyên đến với ngành cà phê xuất phát từ một dự án mà cô ấp ủ thực hiện vào cuối năm 2019. “Lúc ấy tôi lập dự án đặt các máy bán cà phê tự động trong những bệnh viện. Tôi muốn tất cả nguồn nguyên liệu phải đảm bảo và đã tìm đến rất nhiều đơn vị cung ứng, các nhà rang và ai cũng cam kết là cà phê sạch, nhưng không ai chứng minh được giá trị thực cho tôi cả. Tôi tự đặt câu hỏi mình là người không biết uống cà phê, không hiểu gì về thị trường cà phê, cũng không biết cách làm ra nó thì làm sao có thể đánh giá được cà phê mua vào là sạch? Thế là tôi quyết định đi tìm hiểu về cà phê”, Bích Chi kể.

Cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Bích Chi (người bồng em bé) “bén duyên” với mảnh đất Quảng Trị và đang thực hiện giấc mơ đưa thương hiệu cà phê đặc sản nơi này ra bản đồ cà phê thế giới - Ảnh: NVCC
Trong quá trình tìm hiểu, Bích Chi nhận ra rằng đa phần người trồng cà phê chỉ tập trung vào việc cho năng suất cao nhất, bao nhiêu phân bón và chất kích thích tập trung vào đấy. Phơi cà phê cũng sao cho nhanh nhất để đỡ tốn nhân công và chi phí, chẳng khác gì “con gấu bông phơi ngoài nắng”, bên ngoài có thể khô nhưng bên trong khả năng ẩm còn rất cao.
Đến công đoạn cuối, nhà rang chỉ mua nhân xanh về rang và bán cho các quán. “Vì không có niềm tin vào bất kỳ ai thì phải tin vào chính mình. Thế là tôi đã tự trồng cà phê sạch. Mục tiêu của tôi là phải đưa cà phê của mình đấu với cà phê quốc tế”, Bích Chi nhớ lại.
Nói về cơ duyên chọn Hướng Hóa để khởi nghiệp ngành cà phê, Bích Chi cho biết qua tìm hiểu thì ở Việt Nam chỉ có 3 vùng trồng được cà phê Arabica là Sơn La, Quảng Trị và Cầu Đất (Đà Lạt, Lâm Đồng). “Sơn La gần biên giới Trung Quốc, bà con ở đây khá giả nhờ cà phê và mía đường, khi đời sống khá giả thì sẽ ít ai muốn thay đổi. Cầu Đất thì đã có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đây, làm sao tôi có thể cạnh tranh nổi.
Trong khi đó, Quảng Trị là vùng đất mà đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn vì thiên tai mỗi năm. Ở nơi khó khăn nhất thì ở đó nghị lực, ý chí, sự kiên định, cần mẫn sẽ rõ ràng nhất. Và như một cơ duyên, khi tôi chia sẻ ý định làm cà phê hữu cơ thì một cô bạn người Quảng Trị nói ba mình có vườn tại Hướng Phùng, Hướng Hóa. Tôi về vùng đất này như đã có một sự sắp đặt nào đấy”, Chi chia sẻ.
Ba của cô bạn mà Bích Chi nhắc đến là chú Bình, một nông dân luôn có khát khao tìm hướng đi bền vững cho cây cà phê. Ông phụ trách hoàn toàn việc trông co i, canh tác, hỗ trợ cô làm vườn cà phê hữu c ơ .
“Tôi bán giá trị cà phê, không bán cà phê”
Để làm được điều đặc biệt, bạn phải chọn con đường đi khác biệt, Bích Chi xác định như thế trong hành trình làm cà phê sạch của mình và cô đã gặp không ít chông gai trước khi hái quả ngọt. Khoảng 3.000 cây cà phê mua ở nơi khác về trồng theo phương pháp hữu cơ đã chết hết. Không nản lòng, Bích Chi cùng chú Bình quyết định tự ươm cây giống ngay trên đất Xary để trồng. Phân bón được hai chú cháu dày công ủ hoàn toàn từ những nguyên liệu hữu cơ như dứa, cá để bón cho cây nhằm cải tạo đất.
Sở hữu được quả cà phê hữu cơ, Bích Chi bắt đầu đi học cách tạo ra một hạt cà phê có hương vị thơm ngon nhất có thể, bởi cô xác định bán thành phẩm chứ không muốn bán nguyên liệu. “Nguyên liệu là câu chuyện muôn thuở của bà con nông dân chúng ta. Bán nguyên liệu là giá bán rẻ nhất, bởi vì giá trị gia tăng nằm ở cà phê rang thành phẩm, hoặc các cửa hàng cà phê. Đấy mới là chuỗi gia tăng”, Bích Chi lý giải.
Theo Bích Chi, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê trên thế giới, sau Brazil và trước Columbia, tuy nhiên chúng ta đa phần xuất nguyên liệu thô. Hơn 20 năm làm tiếp viên, cô được đến khắp thế giới và nhận ra một điều hình như không có sự xuất hiện của cà phê “Made in Vietnam” trên hệ thống siêu thị lớn toàn cầu. Cô luôn đặt câu hỏi tại sao và đi tìm câu trả lời. Cup’n’Care ra đời từ đó .
Theo Bích Chi, quan trọng là xây dựng sản phẩm đến đâu và có tỉ mỉ với thành phẩm của mình làm ra hay không? Bởi vì cà phê là một chuỗi giá trị. Không chỉ là câu chuyện người nông dân canh tác hữu cơ thế nào, còn là câu chuyện sơ chế đặc sản ra sao? Còn là câu chuyện người nghệ nhân rang cà phê có khai thác được hương vị trong hạt cà phê lên men ấy không? Còn là câu chuyện người pha chế có hiểu được cà phê của mình làm ra hay không để tạo ra một ly cà phê tối ưu.
Theo cô, để bán được một kilogam cà phê Quảng Trị với mức giá 2-3 triệu đồng là quá khó khăn, nhưng cô chấp nhận đi rất chậm, “bán giá trị cà phê chứ không bán cà phê”. Thay vì lên men 1 lần thì cà phê Cup’n’Care được lên men 2 đến 3 lần, thời gian có khi kéo dài 5 tháng. Phải lên men đúng cách và lên men sâu thì mới khai thác được hương vị ẩn chứa trong mỗi hạt cà phê.
Đưa cà phê Quảng Trị vươn ra thế giới
Năm 2022, lần đầu tiên mang cà phê đi thi thì Cup’un care của Bích Chi đã nhận giải Arabica được yêu thích nhất tại VietNam Amazing Cup. Cup’un care cũng là thương hiệu Việt Nam duy nhất góp mặt trong bộ sưu tập 20 mẫu cà phê xuất sắc nhất Hội nghị thượng đỉnh cà phê vành đai Thái Bình Dương.
Khi Bích Chi đưa cà phê Liberica thương hiệu Cup’un care sang Hàn Quốc thì đã có 2 tiệm ở Seoul bán cà phê của cô. 2 nhà rang trong đó có 1 nhà rang đến từ Nhật Bản cũng đang mua nguyên liệu cà phê của cô với mức giá 1,1 triệu đồng/kg nhân xanh, nhưng mỗi năm cô chỉ bán khoảng vài trăm ki lô gam.
Có lẽ đó là lý do mà vào tháng 3/2024, Bích Chi quyết định mời chuyên gia thử nếm cà phê Hoàng Văn Thanh về Hướng Phùng để tập huấn chế biến cà phê Liberica cho những người làm cà phê ở Quảng Trị. Buổi tập huấn đã trở thành một không gian truyền cảm hứng cho những người đam mê cà phê, nuôi trong mình ước mơ xây dựng thương hiệu cà phê Quảng Trị. Và hiệu ứng tích cực đã đến khi giá cà phê mít - Liberica từ mức 7 ngàn đồng/kg thời điểm năm 2024 nay tăng lên gấp 3 lần.
“Mới đây, một ông khách người Nhật Bản sau khi trải nghiệm cà phê Quảng Trị của tôi đã quyết mua 5 kg với giá vài triệu đồng/kg. Rõ ràng, người hiểu được cà phê của mình cần thời gian, cần sự trải nghiệm. Mình có một lượng khách hàng rất cụ thể, nên đừng nói chuyện làm cà phê đặc sản để bán thị trường, vì chẳng khác gì sản xuất rượu vang giá 5 đô la hàng loạt. Tôi muốn sau này khi người ta nhắc đến cà phê đặc sản hữu cơ Việt Nam, nhắc đến cà phê Quảng Trị đầu tiên. Vì thế, tôi rất muốn bà con trồng cà phê hữu cơ vì đó còn là câu chuyện bền vững”, Bích Chi bày tỏ tâm huyết.
Hành trình mà Bích Chi đang thực hiện có lẽ không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà còn là tình yêu dành cho mảnh đất này; góp phần giúp người dân hướng đến nền nông nghiệp bền vững, giúp cà phê Quảng Trị khẳng định thương hiệu trên bản đồ cà phê Việt Nam và quốc tế.