Cô gái khóc ra pha lê
ArmeniaSatenik Kazaryan, 22 tuổi, khóc ra 50 giọt pha lê mỗi ngày khiến cô luôn phải chịu đựng cảm giác đau không chịu nổi.
"Một lần, tôi đến khám bác sĩ nha khoa và dường như bị bụi bay vào mắt. Nó khiến tôi đau đớn. Tôi tới bác sĩ nhãn khoa, và ông ấy lấy ra vài viên pha lê ra khỏi mắt tôi. Hiện tại, mỗi ngày trôi qua giống như trong địa ngục", Satenik nói.
Theo Svetlana Avagyan, một người họ hàng của Satenik, khi gia đình lấy viên pha lê đầu tiên ra khỏi mắt, họ tưởng có mảnh thủy tinh bị kẹt trong mắt cô khi làm việc ở trang trại. Họ tiếp tục phải gắp ra nhiều hạt pha lê khác và cuối cùng đành đưa Satenik đi khám. Ban đầu các bác sĩ không tin, bởi không có ai ở đây từng nhìn thấy điều này.
Những loại thuốc mà bác sĩ kê lúc đầu dường như có tác dụng. Tuy nhiên, những giọt nước mắt bằng pha lê sau đó ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
"Các bác sĩ đều sốc. Họ chưa từng gặp căn bệnh nào tương tự và không biết phải chữa như thế nào. Họ cũng chưa từng chẩn đoán trường hợp nào như vậy", Satenik, hiện là mẹ một con, cho hay.
Một nhân viên y tế thậm chí còn yêu cầu Satenik ra khỏi phòng khám vì cho rằng cô giả bệnh. Tuy nhiên, hiện họ tin rằng nhưng giọt nước mắt pha lê chảy ra từ mắt cô gái trẻ là thật. Các chuyên gia cũng đã gửi những viên pha lê đi phân tích nhưng đến nay chưa đưa ra chẩn đoán nào.
Nhiều người gợi ý nên đưa Satenik ra nước ngoài khám và điều trị nhưng gia đình cô quá nghèo, chỉ sống bằng nghề nông.
Tatyana Shilova, một bác sĩ nhãn khoa người Nga, cho rằng tình trạng trên bất thường nhưng không phải là duy nhất.
"Bệnh lý này hiếm khi xảy ra, vì thế các bác sĩ sẽ gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân", bà nói.
Trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể là do di truyền hay bị viêm, hoặc cũng có thể do sự thay đổi trong cấu tạo thành phần nước mắt.
"Trong nước mắt có protein, chất béo, nguyên tố vi lượng và thành phần ion nhất định. Nếu nồng độ muối tăng lên sẽ thúc đẩy quá trình kết tinh. Protein trong nước mắt cũng có thể làm gia tăng mật độ này", bà khẳng định.
Theo bác sĩ Shilova, những viên nước mắt pha lê có thể là dấu hiệu của một số vấn đề khác.
"Những viên pha lê không chỉ chảy ra từ một bên màng nhầy mắt bệnh nhân. Chúng có thể hình thành trong gan, thận và dưới dạng muối trong nội tạng. Điều này rất nguy hiểm và cần được xem xét kỹ", bà cho biết.
Theo bà Oganes Arutyunyan, Thứ trưởng Y tế Armenia, trường hợp của Satenik hiện được nghiên cứu.
"Chúng tôi dự định sẽ có vài lần gặp mặt Satenik, mục đích để thu thập thêm thông tin, và sau đó sẽ cố gắng tìm ra vấn đề gì đang xảy ra với bệnh nhân", bà nói.
Theo Ngôi sao
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bon-phuong/co-gai-khoc-ra-pha-le-20190925114412649.htm