Cô gái suýt mù vì dụi mắt, bác sĩ nhắc nhở việc cần làm khi giao mùa
Trong thời điểm giao mùa, thời tiết lúc nóng lúc lạnh thì ngoài phòng bệnh đường hô hấp, chúng ta còn phải chăm sóc mắt kỹ hơn.
Chúng ta đều biết rằng, thời tiết giao mùa, thay đổi nóng và lạnh bất thường hay độ ẩm không khí cao làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật. Bởi vì không chỉ hệ miễn dịch bị suy yếu mà đây còn là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn, virus phát triển. Nhưng trên thực tế, đa số mọi người đều chỉ chú trọng đến phòng bệnh đường hô hấp mà quên mất rằng mắt cũng nhạy cảm và cần chăm sóc vào thời điểm này.
Bác sĩ Hong Qiting, Giám đốc điều hành của Bệnh viện nhãn khoa Datyang Ophthalmology Alliance (Trung Quốc) cho biết, nhắc đến bệnh về mắt khi giao mùa thì không thể bỏ qua đau mắt đỏ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác có triệu chứng tương tự nên dễ bị nhầm lẫn với đau mắt đỏ, dẫn tới điều trị sai cách. Hoặc khi bị đau mắt đỏ mà xử lý sai cách cũng gây nhiều hậu quả khôn lường.
Ông kể lại, gần đây có một cô gái khoảng 20 tuổi tìm đến ông thăm khám vì đau mắt đỏ. Kiểm tra cho thấy mắt trái của cô có một mảng máu hình tròn lan rộng che khuất giác mạc, xung quanh có nhiều tia máu nhỏ. Bệnh nhân cảm thấy đau nhức ở mức nhẹ, không đáng kể, cũng không ngứa hay khô mắt nhưng lại không thể nhìn được bình thường.
Nhận ra điểm bất thường, không phải bệnh lý đau mắt đỏ thông thường nên bác sĩ Hong tiến hành các kiểm tra chuyên sâu hơn. Kết quả cho thấy bệnh nhân thực chất bị xuất huyết dưới kết mạc do chênh lệch nhiệt độ quá lớn. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy có một cục máu đông 5cm phía sau mắt trái.
Điều tra bệnh sử chỉ ra cô gái đúng là bắt đầu cảm thấy mắt khó chịu, đỏ mắt kể từ khi thời tiết bỗng nhiên nóng lạnh thất thường, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm mấy ngày trước. Tuy nhiên, nghĩ là đau mắt đỏ nên cô tự mua thuốc tra mắt về nhỏ nhưng không thấy đỡ. Một lần soi gương cảm thấy trong mắt có tụ máu nên cô quyết định dùng tay dụi mắt cho tan đi. Thật không ngờ, tình trạng càng trở nên tồi tệ, các mảng máu lan ra rộng hơn nên cô mới vội vã đến bệnh viện.
Theo cảnh báo từ bác sĩ Hong, thật may mắn vì cô gái trẻ đã đến bệnh viện kịp thời. Bởi vì xuất huyết dưới kết mạc nếu xử lý sai cách có thể dẫn tới nhiễm trùng nghiêm trọng. Thậm chí cục máu đông chèn ép dây thần kinh thị giác gây vỡ, có thể dẫn đến mù lòa. Ở trường hợp của cô cục máu đông lớn nhưng rất may là không đè trực tiếp vào dây thần kinh thị giác. Tiên lượng điều trị tích cực thì cô sẽ hoàn toàn khỏe mạnh sau 3 tuần.
Những việc cần làm để bảo vệ mắt khi giao mùa
Đầu tiên, bác sĩ Hong nhắc nhở rằng cần phải phân biệt giữa đau mắt đỏ với xuất huyết dưới kết mạc. Bệnh đau mắt đỏ trong y học gọi là viêm kết mạc, là bệnh lý rất phổ biến khi giao mùa. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm lớp kết mạc của nhãn cầu - lớp màng trong suốt bao phủ lên phần lòng trắng và mặt trong mi mắt. Bệnh thường do vi khuẩn, virus, dị ứng gây ra, không quá nguy hiểm nhưng có thể lây từ người sang người và gây nhiều khó chịu.
Ảnh minh họa
Còn với trường hợp cô gái kể trên là bị xuất huyết dưới kết mạc. Nguyên nhân thường do chấn thương mắt hoặc chấn thương vùng đầu mặt, bệnh lý rối loạn đông máu, biến chứng tai biến lặn sâu hoặc từ bệnh cao huyết áp, bệnh về mạch máu, biến chứng viêm kết mạc, tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh… và nguy hiểm hơn nhiều so với đau mắt đỏ.
Tuy nhiên, bệnh nhân không chấn thương, không có tiền sử bị bệnh về huyết áp, tim mạch hay đang dùng thuốc gì liên quan đến đông máu. Trường hợp của cô là do chênh lệch nhiệt độ quá lớn lúc giao mùa. Bác sĩ Hong giải thích, thời tiết lúc nóng lúc lạnh dễ khiến các mạch máu ở mắt nóng lên và co lại bất thường. Cộng thêm hệ miễn dịch của bệnh nhân khá yếu, dễ bị vi khuẩn virus tấn công trong khi giao mùa là thời điểm chúng phát triển mạnh.
Nhân ca bệnh này, ông cũng nhắc nhở mỗi chúng ta, dù ở độ tuổi nào cũng cần chú trọng bảo vệ mắt, nhất là khi giao mùa. Có một số việc cần tránh để bảo vệ mắt được bác sĩ Hong liệt kê như:
- Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Dọn dẹp nhà cửa, môi trường sống và làm việc để tránh bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật, bụi vải từ quần áo… bay vào mắt.
- Nên đeo kính mắt để bảo vệ khi ra đường, nhất là vào những ngày trời nắng, nhiều gió hoặc những nơi nhiều bụi bẩn.
- Không dùng tay dụi mắt khi ngứa, nhất là tay chưa rửa sạch.
Ảnh minh họa
- Hạn chế thức khuya, nhìn vào thiết bị điện tử hoặc đọc sách báo trong môi trường thiếu sáng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Không chườm nóng hay chườm lạnh, tăng cường nghỉ ngơi khi mắt mỏi hay đau mắt, khô mắt, dị ứng mắt vì thời tiết.
- Nếu có hiện tượng đỏ mắt, ngứa mắt, có cục máu đông trong mắt thì tuyệt đối không dụi mắt hay tự điều trị tại nhà. Thay vào đó hãy tìm đến bác sĩ để được điều trị đúng cách và kịp thời, tránh gây hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, nên điều chỉnh chế độ ăn uống để tăng cường miễn dịch và “bồi bổ” cho mắt mỗi thời điểm giao mùa. Ví dụ như bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, vitamin E, Lutein và Riboflavin như: cà rốt, cá biển sâu, rau lá xanh đậm, các loại hạt… Khám mắt định kỳ cũng rất cần thiết để bảo vệ đôi mắt dù ở độ tuổi nào.
Nguồn: ETtoday, Healthline