Cô gái Tày 9x và lớp học miễn phí

Từng thi đỗ 2 trường đại học nhưng phải chấp nhận ở nhà vì gia cảnh nghèo khó, ước mơ được đứng trên bục giảng sụp đổ trong sự nuối tiếc, hụt hẫng của cô gái Tày 9x. Thế nhưng bao năm nay bà con Lâm Bình vẫn gọi Lý Thị Ngoan, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình) với một cái tên thân thương 'cô giáo của bản'. Học trò của Ngoan là những cô bé, cậu bé người Tày đam mê văn hóa dân tộc. Điều đặc biệt, lớp học được diễn ra đều đặn và kinh phí chỉ tính bằng sự trả bài hoàn thiện trong mỗi câu hát Then, Cọi cùng nhịp đàn Tính.

Lời Then ai buộc...

Suốt quá trình chuyện trò, Ngoan nhắc nhiều đến mối tình đầu của mình. Ngày ấy, Ngoan nhìn thấy một anh chàng mặc áo Tày đội mũ nồi, cầm cây đàn Tính và say sưa hát Then. Tiếng đàn, lời ca của chàng trai Hoàng Văn Huyên cứ hòa quyện, véo von, ngân nga lúc trầm, lúc bổng khiến cô gái mới lớn bị mê hoặc. Suốt những năm học cấp 3, khác với các bạn cùng trang lứa thần tượng ca sỹ trẻ tận Hà Nội, Sài Gòn thì Ngoan lại thần tượng một người hát Then ở ngay Lăng Can.

Ngoan cười thú nhận rằng, chẳng biết ngày đấy vì yêu tài văn nghệ của thần tượng hay vì quá say mê làn điệu Then, Cọi mà em cứ “bám” lấy anh để học bằng được. Buổi sáng đi học văn hóa còn buổi chiều, tối rảnh là tìm đến anh để được học hát Then. Mặc cho nhiều người ngăn cản bởi họ nghĩ rằng học hát Then thì lạc hậu; hát chỉ để cho vui chứ không có tương lai.

 Lý Thị Ngoan.

Lý Thị Ngoan.

Vốn có năng khiếu bẩm sinh cộng thêm hiểu biết nhạc lý trong trường học, sau 1 tuần Ngoan có thể hát và đánh đàn được những bài cơ bản như: “Bản noong tỏn xuân” (Bản em đón xuân), “Tuyên Quang quê mình”, “Tìm về ngày hội”... Sau 3 tháng Ngoan tự tin biểu diễn trên sân khấu, trở thành “cây văn nghệ” hiếm có của trường THPT Thượng Lâm ngày ấy.

Dần dà, Ngoan được cử đi học nhiều lớp tập huấn của huyện và tham gia biểu diễn ở các nơi trong và ngoài tỉnh. Đó cũng chính là động lực thổi lên “ngọn lửa” đam mê nghệ thuật trong cô gái Tày. Ngoan tâm sự, học Then, yêu Then mới hiểu rằng Then không bao giờ lạc hậu hay lỗi mốt. Then chứa đựng những lời ca ý nhị, sâu xa, răn dạy nhiều điều hay lẽ phải mà con người phải luôn ghi nhớ trên đường đời. Dẫu có bị vấp ngã, gặp bất trắc nhưng luôn phải biết đứng dậy tìm lối đi để được cống hiến tài năng của mình.

Nỗi buồn đầu đời

Ngoan sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em. Bố mất sớm, gánh nặng đè lên vai người mẹ Tày ốm yếu. Cả 4 người con đều chăm chỉ học hành, thế nhưng các anh chị đều phải lần lượt nghỉ học để nhường cho các em. Ngoan là nữ sinh nổi bật khi vừa có năng khiếu văn nghệ lại có học lực khá. Cô học trò chăm chỉ phụ mẹ vừa học vừa làm, bán rau, kiếm củi, đi hát văn nghệ... mong có chút vốn để đạt được ước mơ trở thành cô giáo.

Năm học lớp 12, Ngoan đăng ký thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Nghệ thuật Việt Bắc. Trải qua kỳ thi, niềm vui tràn ngập khi liền một lúc gia đình nhận 2 giấy báo nhập học. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi cô gái nhỏ chợt sững lại trước gia cảnh nghèo khó, túng quẫn của gia đình. Ngoan kể, ngày đấy Ngoan tiết kiệm (từ tiền làm thêm) được 2 triệu đồng, dự định để nhập học 1 trong 2 trường. Thế nhưng đúng thời điểm ấy, gia đình lại có chút biến cố, cầm số tiền còn lại đưa cho mẹ và anh trai lo toan công việc, Ngoan hụt hẫng vô cùng. Cảm giác tương lai sụp đổ khi cánh cửa giảng đường đóng lại! Bao nhiêu ấm ức, tiếc nuối, tủi thân... cứ như cơn sóng cuộn trào theo từng đợt. Thế rồi, nỗi thất vọng đầu đời ấy cũng nguôi đi, không làm cô chán nản, mà ngược lại trở thành động lực để cô gái Tày nhỏ bé bước tiếp trên con đường riêng của mình.

Những lớp học vui

Đêm đêm, căn nhà sàn nhỏ ở thôn Nặm Chá, xã Lăng Can có một lớp học nhỏ. Cô trò đều là những người đam mê Then, Cọi, luôn muốn tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc. Người đứng lớp không ai khác chính là cô gái Ngoan ngày nào.

Lớp học Then, Cọi của cô giáo Ngoan, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình).

Lớp học Then, Cọi của cô giáo Ngoan, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình).

Ngoan chia sẻ, cánh cửa đại học đóng lại, em vẫn luôn xác định phải cố gắng theo đuổi ước mơ và đi theo con đường nghệ thuật. Người luôn bên cạnh động viên, khích lệ đó là chàng trai Tày Hoàng Văn Huyên - thần tượng một thời của Ngoan. Cả hai nên duyên vợ chồng và luôn cùng nhau tham gia phong trào văn nghệ ở cơ sở. Qua bao năm, tình yêu chắp cánh cùng với sự say mê học hỏi đã rèn dũa nhiều kỹ năng đàn hát cho “cây” văn nghệ của bản. Để rồi tại nhiều cuộc thi, liên hoan hát Then, đàn Tính trong và ngoài tỉnh, Ngoan đã giành nhiều giải cao. Tiêu biểu như: Đoạt tiết mục xuất sắc tại Cuộc thi hát Then, Tính tẩu toàn tỉnh năm 2014; Tiết mục xuất sắc nhất tại Liên hoan tiếng hát ru và hát dân ca huyện Lâm Bình năm 2014; Cuộc thi hát Then toàn tỉnh được tổ chức năm 2016; Giải B Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc ở Hà Giang năm 2018...

Với mong muốn được truyền dạy văn hóa cho dân tộc, nhiều năm nay Ngoan mở lớp dạy hát Then, đàn Tính miễn phí cho hàng trăm học trò nhỏ trong và ngoài xã. Em Chẩu Kim Ngân, xã Khuôn Hà chia sẻ: “Em và các bạn đều rất hứng thú khi được học hát Then, đánh đàn Tính do cô Ngoan giảng dạy. Qua những bài hát em thấy yêu quê hương bản làng hơn, trân trọng văn hóa dân tộc”.

Bất kể khóa học nào, Ngoan đều dạy học trò tìm hiểu thật kỹ về Then cổ. Bởi với Ngoan Then cổ là linh hồn, cội nguồn dân tộc, chứa đựng những tích truyện khuyên răn giáo huấn con người hoàn thiện mình hơn. Thành quả là những lứa học trò của cô giáo Ngoan lần lượt “ra lò”, nhiều cô bé, cậu bé trở thành hạt nhân của các đội văn nghệ biểu diễn tại các homestay. Được biết, Lâm Bình hiện có 5 đội văn nghệ chuyên phục vụ du lịch thì trong đó có 4 đội từng được cô giáo Ngoan đứng lớp giảng dạy như: Đội văn nghệ xã Phúc Yên, Đội văn nghệ xã Khuôn Hà, Đội văn nghệ thôn Nà Đông (Thượng Lâm), Đội văn nghệ thôn Nặm Đíp (Lăng Can).

Em Ma Thị Soa, thành viên đội văn nghệ Nặm Đíp, xã Lăng Can nói, cách đây 2 năm em được tham gia lớp học miễn phí của cô giáo Ngoan. Em được học và hát thành thạo nhiều giai điệu Then cổ. Trong đó nhiều làn điệu như: Tàng bốc - Pây Cảnh, tặng tính, tàng nặm. Mỗi làn điệu kết hợp với đàn Tính mang lại những cách thể hiện riêng, lúc nhanh, lúc chậm, khi thì khoan thai, sâu lắng, khi thì ngân nga, da diết.

Anh Tạ Chí Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình cho biết, Ngoan là một trong những hạt nhân văn nghệ, nhiệt tình với công việc truyền dạy hát Then, đàn Tính. Những lớp học của cô giáo Ngoan góp phần ươm mầm tài năng, truyền tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Đây là việc làm ý nghĩa và đáng trân trọng.

Ngoan là con người khá năng động, ngoài tham gia biểu diễn văn nghệ cho du khách đến tham quan, du lịch, em còn là một hướng dẫn viên du lịch bản địa. Nhiều du khách lên với Lâm Bình chắc hẳn không thể quên được cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp này. Cô gái nhỏ nhắn trong trang phục Tày truyền thống, luôn xuất hiện với nụ cười thân thiện và sự nhiệt thành. Trong mỗi chuyến đi theo khách du lịch, Ngoan say sưa kể hết mọi sự tích, câu chuyện về mảnh đất Lâm Bình như: “Sự tích núi Pác Tạ”, “Sự tích hoa Phặc Phiền”, “Sự tích đền Pắc Vãng”... Ngoài ra, Ngoan còn tiết lộ, hiện nay em đang chung với người bạn thực hiện dự án du lịch tại quê nhà. Dự kiến trong tháng tới sẽ khai trương một quần thể du lịch homestay đặc biệt.

Lúc chia tay Ngoan, tôi có hỏi: “Thế điều em tiếc nuối nhất trong cuộc đời có còn là việc không được vào giảng đường đại học?” Ngoan trầm ngâm rồi trả lời: “Đại học có thể giúp em có nhiều kiến thức để có một việc làm tốt. Thế nhưng mọi con đường dẫn tới thành công đều có công thức chung là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân. Và hiện nay em trân trọng, hài lòng với hành trình mình đang đi. Đó là được sống, được làm việc và cống hiến hết mình tại quê hương”.

Phóng sự: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/co-gai-tay-9x-va-lop-hoc-mien-phi-133419.html