Cô gái Tày khoe mâm cơm hàng ngày toàn đặc sản rừng núi, 'không tốn tiền mua'

Ngoài nguồn thực phẩm tự cung tự cấp như lợn, gà, cá…, mâm cơm thường ngày của gia đình cô gái Tày ở Tây Bắc còn bày biện đa dạng các loại rau sạch được thu hái từ tự nhiên như cà dại, rau dớn, măng.

“Ẩm thực bản làng mình có nhiều món đặc biệt. Ví dụ như các món rau rừng, măng rừng, cá suối, thịt nướng, gà nướng, cá nướng, bánh chưng, nem thính, thịt chua…

Đặc biệt là cách mọi người dùng gia vị và chế biến các món ăn khá cầu kỳ”, Hải Yến (SN 1996) giới thiệu về loạt mâm cơm Tây Bắc gây sốt mạng gần đây.

Mâm cơm toàn sản vật núi rừng, “không mất công trồng, không tốn tiền mua” của cô gái Tày gây sốt

Mâm cơm toàn sản vật núi rừng, “không mất công trồng, không tốn tiền mua” của cô gái Tày gây sốt

Cô gái người Tày hiện sống ở xã Châu Quế, tỉnh Lào Cai (trước là huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

Trong mâm cơm thường ngày của gia đình cô, ngoài những món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu tự cung tự cấp trong vườn nhà, còn có một số đặc sản dân dã được thu hái, gom nhặt từ rừng hay ven sông, ven suối.

Đặc biệt, mỗi bữa cơm đều không thể thiếu bát chẳm chéo – thứ gia vị chấm được giã tay từ muối rang, ớt thóc bản địa, tỏi, mắc khén, rau thơm…

“Đó đều là những món ăn dân dã, mộc mạc, mang đậm phong vị núi rừng Tây Bắc như rau dớn xào, măng rừng, canh cá nấu chua hay các món nướng.

Nhờ có nguồn thực phẩm tươi phong phú kết hợp với các loại gia vị bản địa như hạt dổi, mắc khén, quế, thảo quả, ớt thóc…, mỗi món ăn trong mâm cơm không chỉ ngon mà còn nổi bật về vị giác”, Yến nói thêm.

Người dân Tây Bắc thường sử dụng gia vị bản địa trong nấu nướng như mắc khén, hạt dổi,... và bày biện đồ ăn trên lá chuối, lá dong...

Người dân Tây Bắc thường sử dụng gia vị bản địa trong nấu nướng như mắc khén, hạt dổi,... và bày biện đồ ăn trên lá chuối, lá dong...

Cô gái 29 tuổi cho hay, mỗi mùa, mâm cơm thường ngày của bà con Tây Bắc lại có những món ngon khác nhau. Ví dụ, sau tết Nguyên đán là mùa măng vầu, măng sặt ngọt, có thể xào tỏi, luộc hay nướng trên bếp củi đều ngon.

Từ tháng 4, măng rừng bắt đầu chồi lên mặt đất, vị đắng nhẹ, có thể sáng tạo thành các món lạ miệng như luộc chấm mẻ, xào lá lốt hoặc cuốn trứng kiến, cuốn thịt gà…

Món măng nhồi trứng kiến và cà dại xào rau dớn - những sản vật "trời ban" ở núi rừng Tây Bắc

Món măng nhồi trứng kiến và cà dại xào rau dớn - những sản vật "trời ban" ở núi rừng Tây Bắc

Sang thu (khoảng tháng 9-10), bản làng bước vào mùa cốm. Trong mâm cơm, mâm cỗ dịp này của người địa phương thường có xôi cốm, vịt thả suối luộc, canh măng…

Còn khi mùa đông tới, không thể không nhắc đến món thịt chua hoặc đồ gác bếp như lợn/trâu gác bếp, lạp xưởng.

“Mỗi mùa, ở bản làng người Tày của mình lại có những đặc sản thơm ngon riêng, khiến nhiều người lưu luyến không chỉ bởi hương vị độc đáo mà hơn hết, đó còn là những minh chứng sống động về văn hóa bản địa, về con người vùng cao Tây Bắc”, Yến bày tỏ.

Moọc - món ăn chế biến từ cá suối và rau gia vị, gói trong lá ngõa (lá vả) rồi đem hấp lên

Moọc - món ăn chế biến từ cá suối và rau gia vị, gói trong lá ngõa (lá vả) rồi đem hấp lên

Vào ngày Tết, mâm cỗ của người Tày thường không thể thiếu một số món như nem thính, thịt chua, gà đồi, các món nướng, rau rừng, xôi nếp, bánh chưng gù, lợn mẹt…

Dịp này, nhiều gia đình trong bản còn có tục “đụng lợn”. Khoảng 3-4 gia đình sẽ chung nhau nuôi thả tự nhiên 1 con lợn đen, sau đó xẻ thịt, chia phần về làm cỗ.

Người Tày không gói bánh chưng vuông mà làm bánh chưng gù với 2 màu. Màu xanh truyền thống từ lá riềng hoặc màu đen làm từ vỏ cây núc nác, trộn với rơm nếp rồi mới đốt than

Người Tày không gói bánh chưng vuông mà làm bánh chưng gù với 2 màu. Màu xanh truyền thống từ lá riềng hoặc màu đen làm từ vỏ cây núc nác, trộn với rơm nếp rồi mới đốt than

Yến cũng tiết lộ, người Tày ưa vị đậm, thiên về cay và thơm – nhưng là cái cay dễ chịu của ớt rừng phơi khô hoặc nướng cho bớt vị hăng, cái thơm nồng của mắc khén, thảo quả, chứ không hề gắt hay nồng.

Đặc biệt, họ có thói quen gói thức ăn trong lá (lá chuối, lá dong, lá vả/ngõa) rồi đem nướng, hấp hoặc đồ xôi. Nhờ đó, món ăn giữ được nguyên độ ẩm, thấm đượm mùi lá rừng, vừa ngon vừa lành.

Yến phụ giúp bố chế biến các món ăn dân dã ở quê nhà, mong muốn lan tỏa văn hóa ẩm thực bản địa truyền thống

Yến phụ giúp bố chế biến các món ăn dân dã ở quê nhà, mong muốn lan tỏa văn hóa ẩm thực bản địa truyền thống

Một điều thú vị nữa là, ở đây, bà con tâm niệm “người nấu là người giữ hồn bếp”. Bởi vậy, người nấu cỗ, nấu các bữa cơm quan trọng thường là đàn ông.

“Trong nhà, bố mình cũng là người nấu ăn chủ yếu. Ông ít khi cần công thức nhưng lại hiểu rõ về nguyên liệu. Mỗi mùa có rau gì, rừng có quả gì, vườn có lá gì, ông đều biết cách kết hợp, nêm nếm ra sao cho hài hòa”, Yến chia sẻ.

Cô gái trẻ cũng bày tỏ, mỗi món ăn, đặc sản truyền thống đều có bí quyết chế biến riêng – điều khó diễn tả bằng lời mà được truyền qua đôi tay, qua năm tháng, từ đó tạo nên sự độc đáo trong từng gian bếp của người Tày.

Ảnh: Hải Yến/Bếp Bản Tày

Thảo Trinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-gai-tay-khoe-mam-com-hang-ngay-toan-dac-san-rung-nui-khong-ton-tien-mua-2422348.html