'Cô gái thép' Thanh Vũ đạp xe xuyên Việt từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau trên Hành trình 4.7
Thanh Vũ, người trong cộng đồng thể thao sức bền được mệnh danh 'Cô gái chạy vòng quanh thế giới' hay 'cô gái sa mạc', ngày 19-3-2023 vừa khởi đầu hành trình đạp xe xuyên Việt từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau. Hành trình 4.7 của Thanh Vũ 'cô gái thép' vô địch thế giới giải Swiss Ultra lần này mang theo thông điệp có ý nghĩa tốt đẹp với môi trường: 'Chung tay giải thiểu, thu gom và tái chế rác thải nhựa - Vì Việt Nam phát triển bền vững'.
- Chào đón Thanh Vũ đã mở đầu một hành trình đạp xe xuyên Việt của mình từ Trà Cổ, một trong những bãi biển đẹp nhất miền Bắc. Bạn cảm thấy thế nào với một khởi đầu như hôm nay?
- Thanh Vũ: Tôi đã nghe nhiều tới Trà Cổ, địa danh mà VN Express mới năm ngoái tổ chức giải bơi biển và chạy mang tên Aquaman Việt Nam 2022. Mọi người đi về, kể lại cho tôi những cảm xúc, trải nghiệm tuyệt vời khi vừa chạy vừa bơi biển nơi đây.
Địa danh Trà Cổ (Quảng Ninh) hôm nay làm cho tôi rất xúc động! Tôi từng có trải nghiệm đó khi tới đỉnh Lũng Cú ở Hà Giang, nhìn xung quanh nơi địa đầu Tổ quốc, thấu hiểu hơn làm thế nào mà chúng ta có mặt ở những nơi non nước hùng vĩ này, những địa danh thiêng liêng địa đầu Tổ quốc như Trà Cổ, Lũng Cú.
Và tôi cảm thấy như một đặc ân khi được bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt từ Trà Cổ, đi qua Cẩm Phả và tới thành phố Hạ Long của vùng đất mỏ Quảng Ninh.
- Có một câu chuyện về ý chí và nghị lực liên quan đến điểm đầu Trà Cổ của hành trình này muốn chia sẻ với Thanh Vũ. Đó là người dân Trà Cổ từ đời này qua đời khác lưu truyền nhau câu ca để nhớ về gốc gác xa xưa của mình: "Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn". Gốc gác ấy bắt đầu cách đây nhiều thế kỷ, 12 gia đình dân chài ở Đồ Sơn (Hải Phòng) bị giông tố cuốn ra biển rồi dạt lên mảnh đất Trà Cổ. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được sóng gió đã quay về quê cũ, vì họ bảo rằng: "Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sung thì chát, lộc si thì già". Nhưng còn 6 gia đình bám trụ lại với ý chí quyết khai hoang lập nghiệp, họ xem Trà Cổ là nơi: "Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau".
Theo Thanh Vũ, ý chí và nghị lực chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm để có thể đạt được mục tiêu, đích đến?
- Thanh Vũ: Một câu chuyện rất thú vị! Câu chuyện này Thanh Vũ cũng chưa được biết. Và quả thật là khó có thể định rõ ý chí chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm để đạt được mục tiêu, đích đến. Nhưng qua câu chuyện truyền kỳ về người dân Trà Cổ, Thanh Vũ thấy rằng, mỗi chúng ta có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống và chúng ta làm thế nào để mà tạo ra được giá trị, làm cho cuộc sống của chúng ta thêm màu sắc và có mục tiêu. Đó cũng là điều rất là tuyệt vời!
- Một hành trình dài 3.260 cây số trải ra trước mắt. Hãy cho chúng tôi biết, điều gì thôi thúc cá nhân Thanh Vũ thực hiện đạp xe xuyên Việt lần này?
- Thanh Vũ: Thông điệp tôi đề ra là Cùng Thanh Vũ đạp xe xuyên Việt “Chung tay giải thiểu, thu gom và tái chế rác thải nhựa - Vì Việt Nam phát triển bền vững”. Điều này thôi thúc bản thân tôi từ khi tôi tham gia giải chạy Decathlon trong nước và giải chạy Swiss Ultra thế giới vào năm ngoái, khi đó có rất nhiều người gọi tôi chắc phải là siêu nhân, chắc phải là người phi thường…v.v… Tôi nhận ra rằng, những kết quả phi thường không chỉ dành riêng cho một số ít người, hay là không chỉ đòi hỏi phải có tài năng, kỹ năng siêu việt như thế nào. Thực sự là, những kết quả phi thường đến từ những người rất là bình thường, nhưng điều quan trọng là họ làm những việc cần phải làm với sự quyết tâm, kể cả nó có phải lặp đi lặp lại thì họ phải cải thiện những việc họ cần làm thường xuyên, mỗi ngày một tốt hơn. Và không bao giờ bỏ cuộc. Nếu được như vậy thì kết quả sẽ rất là bất ngờ, có thể tiến xa hơn mình tưởng tượng rất là nhiều.
Nhìn vào những thách thức Việt Nam đang gặp phải, cùng với rất nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt, đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Nhiều người cho rằng đã quá muộn và một người thì quá nhỏ bé để làm được cái gì đó tạo nên sự thay đổi. Đối với Thanh Vũ thì biến đổi khí hậu là một thách thức rất lớn, nhưng nó cũng giống như thách thức khác. Những thách thức có thể chinh phục được, nếu chúng ta cho phép bản thân, cho phép chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua sự tự ti, để tiếp cận và hóa giải thách thức đó. Và chúng ta cần tìm cho bản thân những cái cột mốc thách thức nhưng mà khả thi, sau khi chúng ta chinh phục được cột mốc đó rồi thì tiếp tục chinh phục những cột mốc tiếp theo, một hành trình sẽ liên tục, liên tục như vậy.
Những kết quả phi thường không chỉ dành riêng cho một số ít người, hay là không chỉ đòi hỏi phải có tài năng, kỹ năng siêu việt như thế nào. Thực sự là, những kết quả phi thường đến từ những người rất là bình thường. Nhưng điều quan trọng là họ làm những việc cần phải làm với sự quyết tâm, kể cả nó có phải lặp đi lặp lại thì họ cần cải thiện những việc họ làm thường xuyên, mỗi ngày một tốt hơn và không bao giờ bỏ cuộc.
- Tại sao là Hành trình 4.7, mà không phải là những con số đẹp hơn?
- Thanh Vũ: Tôi cũng có thể nói luôn tại sao là Hành trình 4.7 mà không phải con số khác đẹp hơn. Theo nghiên cứu của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thì mỗi người Việt Nam trung bình thải ra, làm rò rỉ ra môi trường 4,7 kg nhựa. Khi nói tới con số bằng cách nào có thể giảm thải từ gần 500 triệu cân nhựa xuống con số 0 là kết quả rất lớn, lớn khủng khiếp, gây ngộp thở, có thể nói là không tưởng. Cá nhân một người nghĩ tới là đã muốn bỏ cuộc rồi, nhưng tôi muốn đề cập tới cột mốc đầu tiên: 4,7 cân nhựa của bản thân mỗi người.
Mỗi người chúng ta cần góp phần thu gom, xử lý, tái chế được và giảm thiểu được những lượng rò rỉ nhựa đấy ra môi trường, đồng thời tiếp tục lan tỏa ra những người xung quanh thì dần dần chúng ta đi xa hơn, tạo ra những kết quả rất là phi thường.
Đó cũng là một cách mà Thanh Vũ muốn mời mọi người xung quanh mình cùng tham gia, cho phép mình tạo ra điều phi thường. Thực sự là, những điều phi thường ai cũng có thể tạo ra. Quan trọng là mình không bỏ cuộc, quan trọng là mình cố gắng và nỗ lực.
- Tại sao không phải là chạy, mà là đạp xe?
- Không phải là chạy, mà là đạp xe, vì đối với Thanh Vũ, đạp xe khó hơn chạy nhiều. Và nó cũng là cách để trải nghiệm đất nước trong một khoảng thời gian tương đối hợp lý trong khoảng thời gian này không quá ngắn cũng không quá dài: chừng khoảng một tháng. Tôi cũng rất biết ơn Tân Hiệp Phát (công ty Thanh Vũ đang làm việc), bạn bè, gia đình đã cho phép và tạo điều kiện cho Thanh Vũ được thực hiện hành trình xuyên Việt ý nghĩa này.
- Việt Nam có hàng nghìn cây số dọc theo bờ biển Đông, đạp xe xuyên Việt lần này cũng là một trải nghiệm và thử thách thú vị đấy chứ! Thanh Vũ có thấy mình nhỏ bé trước biển?
- Thật sự, đây là một trải nghiệm rất là thách thức và thú vị, cho Thanh rất nhiều cảm xúc: Sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, hoang mang. Đồng thời cũng là sự đón chờ, hồi hộp theo cách tích cực. Thanh Vũ thấy mình rất nhỏ bé trước biển, trước chiều dài hàng nghìn cây số bờ biển dọc theo chiều dài đất nước mình như vậy. Cự ly 3.260 km không hề nhỏ chút nào.
- Chúng ta nên chọn cách ứng xử thế nào với biển xanh để các thế hệ con cháu nước Việt đời đời phát triển bền vững, thịnh vượng?
- Thực sự là, có đi, có trải nghiệm, có bước qua và chinh phục những thách thức mới thấy rằng, cuộc sống của chúng ta dựa vào rất nhiều đất mẹ thiên nhiên. Chúng ta lấy đi cái gì từ thiên nhiên, chúng ta sử dụng nguồn tài nguyên nào, thì chúng ta cần có trách nhiệm cần phải cân bằng lại, đối xử hài hòa với “ngôi nhà thiên nhiên chung” mà chúng ta đang sống, “cái nôi” đang nuôi dưỡng cuộc sống này của chúng ta.
- Chúc Thanh Vũ có một hành trình thành công và may mắn!