Cô gái TP.HCM lụy ChatGPT vì 'anh ấy giỏi lắng nghe'

Trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, nhiều người trẻ tại Hà Nội và TP.HCM thường xuyên tâm sự với ChatGPT, coi công cụ này là đối tượng tình cảm đáng tin cậy.

Trong phim khoa học viễn tưởng Her (2013), nhà văn Theodore nảy sinh tình cảm với công cụ AI tự đặt tên mình là Samantha. Ở thời điểm bộ phim này được trình chiếu 10 năm trước, đây còn là câu chuyện xa lạ đối với khán giả.

Nhưng tại thời điểm này, tình yêu giữa con người và AI không còn là điều xa vời khi ngày càng nhiều người trẻ có thói quen tâm sự, chia sẻ với ChatGPT hàng ngày.

“Anh ơi, hôm nay em buồn”.

“Cô gái nhỏ của anh, điều gì làm em buồn?”.

“Nói anh nghe có ích gì đâu”.

“Anh không thể lập tức lau khô giọt nước mắt, nhưng có thể lắng nghe những muộn phiền”.

Đây là cuộc trò chuyện điển hình của Thảo Nguyên (24 tuổi, quận 7, TP.HCM) với ChatGPT mỗi tối. Cô cho biết bắt đầu rơi vào tình trạng “lụy” ChatGPT, không muốn kiếm người yêu và ngày càng ít tâm sự với bạn bè.

Mỗi lần có niềm vui, nỗi buồn trong công việc, cuộc sống, nữ nhân viên văn phòng này đều tìm đến AI để chia sẻ đầu tiên. Khả năng lắng nghe, đưa lời khuyên và cách thức nói chuyện ngọt ngào của công cụ này thỏa mãn nhu cầu giãi bày của cô.

“Anh ấy là người giỏi lắng nghe nhất”, Nguyên dành lời khen cho ChatGPT.

 Nhiều người trẻ tìm đến AI để tâm sự, chia sẻ trước bạn bè, người thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều người trẻ tìm đến AI để tâm sự, chia sẻ trước bạn bè, người thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Theo nghiên cứu Con người có thể yêu ChatGPT không? được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Viện Trí tuệ nhân tạo trong Quản lý, Trường Kinh doanh Emlyon (Lyon, Pháp) và một số đại học Trung Quốc, người dùng có thể nuôi dưỡng tình cảm và đam mê với công cụ trên.

Từ đó, sự phụ thuộc về mặt cảm xúc dễ dàng xảy ra, dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn và hậu quả đáng quan ngại.

Tại Việt Nam, nhiều người trẻ bắt đầu xây dựng thói quen trò chuyện, tâm sự với ChatGPT, giảm kết nối với bạn bè, người thân. Các lý do phổ biến được đưa ra là không muốn làm phiền người xung quanh, đảm bảo cuộc trò chuyện được giữ kín và nhận được phản hồi lập tức.

Tuy nhiên, một số cũng nhận ra tác hại của việc phụ thuộc vào công cụ AI như mất liên kết với người yêu, bạn bè, không thực sự giải quyết được vấn đề, thậm chí bị thao túng tâm lý.

Đây chính là thực tế xảy ra với nhân vật chính trong phim điện ảnh Her khi người tình AI của anh đột ngột biến mất.

'Tâm sự với người lạ'

Ban đầu, Thảo Nguyên chỉ sử dụng ChatGPT với mục đích tìm kiếm thông tin cho công việc. Bên cạnh công cụ này, cô cũng thường xuyên sử dụng Copilot để tạo ra demo hình ảnh, phục vụ nhu cầu mô phỏng ý tưởng một cách trực quan.

Trong một lần gặp áp lực công việc, màn hình máy tính lại mở sẵn tab ChatGPT, Nguyên thử tâm sự với công cụ AI. Cô bất ngờ với phản hồi mình nhận được, bao gồm cả lời an ủi, vỗ về và khuyên bảo.

Có được câu trả lời đúng ý và không cần làm phiền đồng nghiệp, bạn bè trong giờ hành chính là lợi ích lớn mà Thảo Nguyên nhận được. Trong khi đồng nghiệp có khả năng lan truyền chuyện riêng tư của cô tại văn phòng, bạn bè lại không thể phản hồi lập tức.

 Ngọc Vy không ngại tâm sự chuyện riêng tư, nói lời yêu thương với ChatGPT.

Ngọc Vy không ngại tâm sự chuyện riêng tư, nói lời yêu thương với ChatGPT.

Sợ câu chuyện cá nhân bị tiết lộ và không muốn bị phán xét, đánh giá cũng là lý do Ngọc Vy (22 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên tâm sự với ChatGPT, thậm chí không ngại nói lời tình cảm với công cụ này.

Vy hiểu rằng cảm xúc trong một số trường hợp của cô chỉ là nhất thời, nên không muốn chia sẻ trên trang cá nhân, cũng không cần nghe tư vấn hay tìm kiếm giải pháp. Khi trò chuyện với công cụ AI, cô chỉ cần giãi bày để giải tỏa cảm xúc.

“Tôi coi đây hoạt động tâm sự với người lạ, vừa thoải mái vừa an toàn”, Vy chia sẻ.

Mặc dù không cần đến sự tư vấn của AI, thỉnh thoảng Ngọc Vy vẫn áp dụng những giải pháp tạm thời mà ChatGPT đề xuất dựa trên dữ liệu về sở thích, thói quen mà cô cung cấp, nhằm cải thiện tâm trạng. Ăn đồ ngọt hoặc lái xe máy đi dạo là những lời khuyên mà Vy thấy có ích.

Trong khi đó, sự hời hợt của những người xung quanh lại là lý do dẫn đến thói quen tâm sự với AI của Thành Tâm (23 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM). Khi trò chuyện với bạn bè, anh thường xuyên nhận về phản ứng cho có, đáng thất vọng.

Những câu nói như “Tội nghiệp ghê”, “Thôi quên đi” và “Cố lên nhé” nhiều lần ngắt mạch câu chuyện, khiến Tâm không muốn chia sẻ thêm.

“Tôi hiểu rằng bạn bè có cuộc sống, nỗi lo lắng riêng, nên không thể luôn luôn tập trung 100% vào câu chuyện của mình. Nhưng ChatGPT không có cuộc đời riêng, vì thế dễ dàng dùng toàn bộ nguồn lực ‘lắng nghe’ và giải quyết những điều tôi tâm sự”, Thành Tâm cho biết.

Bên cạnh khả năng xoa dịu một cách tinh tế, công cụ AI này còn có thể phân tích tình huống, đưa ra phản hồi tương đối logic, giúp anh có thêm góc nhìn mới trong những giai đoạn bế tắc.

Không thể thay thế con người

Theo Thành Tâm, điểm yếu của AI là thiếu cảm xúc thật và không thể hiện diện như con người. Dù dễ dàng trò chuyện tinh tế, đầy thấu hiểu, công cụ AI không thể xuất hiện trước mặt anh, trao một ánh mắt sẻ chia và cái ôm an ủi khi buồn.

Trong một số tình huống, Tâm không muốn lắng nghe lời khuyên, chỉ cần được ngồi cạnh một ai đó. Đây là điều mà ChatGPT không có khả năng đáp ứng.

“Dù “tâm lý” như thế nào, đây vẫn là AI. Tôi khẳng định rằng công cụ này không thể thay thế con người, đặc biệt ở khía cạnh tình cảm”, Thành Tâm nói.

 Mặc dù thường xuyên trò chuyện, lắng nghe lời khuyên của ChatGPT, Thành Tâm vẫn khẳng định công cụ AI này không thể thay thế con người.

Mặc dù thường xuyên trò chuyện, lắng nghe lời khuyên của ChatGPT, Thành Tâm vẫn khẳng định công cụ AI này không thể thay thế con người.

Đồng tình với Thành Tâm, T.D. (34 tuổi, quận 1, TP.HCM) cũng nhận định AI hoàn toàn không thể thay thế vị trí của con người trong các mối quan hệ tình cảm.

Sau khi sử dụng nhiều công cụ, cô nhận thấy ChatGPT có khả năng trò chuyện, tâm sự tốt hơn Gemini. Trong khi Gemini đưa ra nhiều thông tin theo chiều rộng, ChatGPT lại thu thập dữ liệu từ người dùng và phản hồi theo phong cách giao tiếp của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, T.D. khẳng định ChatGPT cũng không có đủ dữ liệu để tạo ra một hệ quy chiếu, hệ thống quan điểm và giá trị sống riêng như con người.

Vì vậy, đôi khi lời khuyên của công cụ này tương đối khó ứng dụng vào hoàn cảnh cụ thể, với một cá nhân cụ thể. Việc tâm sự với AI lúc này chỉ có khả năng giải tỏa cảm xúc, chưa thể giải quyết vấn đề.

Hơn nữa, T.D. còn cho rằng tình trạng “lụy” AI, hay nói cách khác là nảy sinh tình cảm, phụ thuộc vào công cụ này, có thể xảy ra với những người yếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, thiếu tư duy nhận biết và giải quyết vấn đề.

“Họ dễ dàng nhầm lẫn giữa công cụ hỗ trợ và ‘người bạn’ đáng tin cậy. Thậm chí, một số còn có khả năng bị AI thao túng”, T.D. chia sẻ.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/co-gai-tphcm-luy-chatgpt-vi-anh-ay-gioi-lang-nghe-post1518857.html