'Cô gái vàng Wushu' Thúy Hiền: Dù bao nhiêu chấn thương, vẫn chọn con đường võ thuật
Trong Lễ khai mạc SEA Games 31, cựu vận động viên Wushu Thúy Hiền được chọn là thành viên của đoàn rước đuốc để thắp lên đài lửa - một vinh dự mà cô đã có được tại SEA Games 22 diễn ra 19 năm trước ở Việt Nam. PNVN đã có cuộc trò chuyện với Thúy Hiền.
Tấm huy chương nào mà chẳng có nước mắt
+ Ra mắt MV "Tự hào Việt Nam" để cổ vũ SEA Games 31, trong đó chị vừa hát, vừa tham gia diễn xuất, điều đó có "làm khó" cho chị?
Trước kia tôi là người ít hát, ngại hát. Chồng cũ tôi là ca sĩ, tôi không dám nghêu ngao câu nào, cũng như anh ấy không dám múa võ trước mặt tôi. Con gái tôi cũng học nhạc, tôi sợ con cười vì hát không đúng nốt. Khi cùng bạn bè đi karaoke, tôi chỉ ao ước mình hát được 5 bài trọn vẹn là vui lắm rồi. Có lần bị bạn đẩy lên hát karaoke rồi quay clip, tôi xem lại, thấy hóa ra mình hát cũng không đến nỗi tệ. Khi Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31, tôi có rất nhiều cảm xúc và muốn làm một điều gì đó khác biệt. Tôi nói với chị gái Thúy Vinh rằng muốn làm một MV cổ vũ tinh thần các vận động viên và chị đã đứng ra kêu gọi bạn bè giúp tôi thực hiện.
Tôi hát bằng trái tim, bằng cảm xúc của mình và mong được đông đảo khán giả đón nhận. Tôi không phải ca sĩ chuyên nghiệp nhưng dám hát, dám làm điều không phải sở trường, đó là một sự dũng cảm rồi. Tôi nghĩ có lẽ mình sẽ được ủng hộ nhiều hơn vì sự dũng cảm đó.
+ Tại sao chị lại chọn ca khúc "Đường tới ngày vinh quang" của ban nhạc Bức Tường để thực hiện MV này?
Đây là bài hát đã ăn sâu vào tâm hồn tôi. Mỗi lần tôi thi đấu, mang HCV về cho Tổ quốc, hay mỗi sự kiện gặp gỡ báo chí, nhận Bằng khen của Nhà nước… thì bài hát này đều được vang lên. Tôi cảm thấy ca từ của bài hát gần gũi nhất với những vận động viên. Đó là những bước chân trên con đường không được trải hoa hồng và đường đến đỉnh vinh quang thì phải đổ mồ hôi, nước mắt, công sức và rất nhiều sự hy sinh. Tôi muốn nhắn gửi tới các vận động viên trẻ rằng: Không có thành công hay tấm huy chương nào mà không có những giọt nước mắt. Với thể thao, bạn hãy cố gắng hết sức mình, cho dù có gian nan, vất vả, đau đớn, khi vượt qua hết thì thành công sẽ chờ đợi bạn.
+ Được biết, thời đỉnh cao sự nghiệp chị thường xuyên bị chấn thương và phải dùng thuốc giảm đau để tập luyện. Những chấn thương đó để lại di chứng đến bây giờ, khiến chị luôn phải "sống chung với thuốc". Có khi nào chị thấy hối hận vì chọn con đường võ thuật?
Dù có bao nhiêu chấn thương đi nữa, có quay lại thời gian thì tôi vẫn chọn con đường như cũ. Bởi nếu chọn an toàn, chọn mạnh khỏe, chọn không làm những điều gai góc, nguy hiểm thì tôi sẽ không bao giờ thành công. Cha mẹ tôi luôn nuôi dưỡng tư tưởng chị em tôi là cuộc sống phải làm điều ý nghĩa. Tôi như một người lính, muốn cống hiến cho cuộc đời này những điều ý nghĩa. Tôi có 2 con gái, tôi cũng hướng các con sống mạnh mẽ, sống có ước mơ và luôn cố gắng hoàn thành ước mơ.
Chỉ muốn sống ở Việt Nam, bên những người yêu thương
+ Có phải ngay từ nhỏ, chị ước mơ trở thành nhà vô địch thế giới?
Thời chúng tôi không có tivi, internet, smartphone… để nhìn ra thế giới rộng lớn nên tôi cũng không ước mơ xa xôi. Ngày nhỏ, nhà tôi có một cái chạn bát màu đen, không hiểu do chất gỗ hay do quá cũ mà màu của nó như vậy. Khi đi chơi trên phố, tôi thấy các cửa hàng đồ gỗ bày bán những cái chạn bát vàng óng rất đẹp. Tôi ước mơ khi có tiền sẽ mua cái chạn bát đó cho bố mẹ. Năm 13 tuổi, trở thành vận động viên chuyên nghiệp, nhận được khoảng 200 nghìn tiền lương, tôi lập tức đổi chạn bát màu vàng.
Tôi nghĩ ước mơ không cần quá lớn lao, hãy là ước mơ nhỏ, trong gia đình của mình trước đã. Rồi từ ước mơ nhỏ đó kết nối thành ước mơ lớn, điều quan trọng là bạn phải cố gắng. Để có nhiều giải thưởng, được gia đình và người hâm mộ tự hào, tôi cũng phải cố gắng rất nhiều. Tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ rằng, đừng so đo tính toán, cũng đừng sợ hãi, bởi cứ như vậy thì mình sẽ không đạt được ước mơ.
+ Chị từng nhận được nhiều lời mời làm huấn luyện viên quốc tế và cả đóng phim Hollywood nhưng cuối cùng chị vẫn chọn ở lại Việt Nam, tại sao vậy?
Tôi đã nếm trải quá nhiều cô đơn khi ở nước ngoài tập huấn. Tôi nhớ trước kia, cứ sau Tết là tôi lại sang Trung Quốc tập luyện để chuẩn bị cho những giải cuối năm. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, ăn rồi tập, không có ngày nghỉ, không có giải trí, không được ốm đau. Đau đầu thì tập bài chân, đau tay thì tập bài eo… Thời đó không có điện thoại di động, mỗi lần mẹ gọi điện đến lễ tân xin gặp thì phải chờ rất lâu. Thư gia đình gửi cũng mất cả tháng trời mới đến tay mình. Mùa đông Trung Quốc rất lạnh, việc giặt được chậu quần áo là điều rất cực. Mỗi khi nhận được thư, tôi để dành, bắt mình phải giặt xong chậu quần áo to mới được đọc, coi như là phần thưởng. Trong khi đó, tôi là đứa thích ăn quà vặt, thích lang thang trên phố, ăn mực nướng, chè… Những điều đơn giản đó khiến tôi vui mãi. Tôi không thích nhà cao tầng lạnh lùng nơi xứ người, nơi thiếu bạn bè, gia đình thân thương. Tôi không muốn đi đâu cả. Sau khi nghỉ thi đấu, tôi chỉ muốn ở Việt Nam, xung quanh là những người yêu thương, cùng chia sẻ với tôi và cùng làm những điều ý nghĩa trong cuộc đời này.
+ Xin cảm ơn chị!