Cô gái Việt đỗ vào Đại học University of Pennsylvania, thực tập tại Amazon, làm việc tại Oracle

Từ một sinh viên chuyên ngành Dược của đại học University of Birmingham - Anh Quốc, Nguyễn Phương Linh đã chuyển hướng sang ngành Khoa học Dữ liệu tại Drexel University - Mỹ và tốt nghiệp xuất sắc với GPA 4.0/4.0. Phương Linh từng được thực tập tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Amazon, Oracle và gần đây nhất trúng tuyển hệ Thạc sĩ Data Science của University of Pennsylvania. Phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong đã có buổi trò chuyện thú vị với Phương Linh.

Nguyễn Phương Linh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cô là cựu học sinh chuyên Toán Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, từng giữ vai trò Phó Bí thư Đoàn trường. Sau khi hoàn thành bằng Cử nhân Khoa học Dữ liệu tại Drexel University (GPA 4.0/4.0), cô đã nhận được nhiều lời mời làm việc từ các công ty lớn như Amazon, Oracle, và AstraZeneca. Hiện tại, cô đang làm Data Scientist tại Oracle.

Quyết định chuyển ngành từ Dược sang Khoa học Dữ liệu

Tại sao bạn lại quyết định chuyển ngành từ Dược sang Data Science?

Khi học Dược tại Anh, mình chủ yếu làm việc với bệnh nhân và ít có cơ hội sử dụng toán học, một môn học mình rất yêu thích và đã học chuyên ở cấp 3 tại trường Ams. Tuy nhiên, tới năm thứ hai, một môn học khá đặc biệt sử dụng công nghệ AI tìm kiếm và nghiên cứu phát triển thuốc mới đã rất thu hút mình.

Và suốt thời gian là sinh viên Dược, mình còn làm gia sư dạy thêm môn Toán cho nhiều học sinh cấp 2 và cấp 3 người bản địa. Chính những trải nghiệm này đã thôi thúc mình chuyển hướng sang ngành học mà mình có nhiều thế mạnh và nhiều cơ hội phát triển hơn. Từ đó mình đã quyết định theo đuổi ngành Data Science tại Mỹ.

Bạn đã gặp những khó khăn gì khi chuyển từ ngành Dược sang Data Science?

Việc chuyển từ Dược sang Data Science là một thử thách lớn với mình, đặc biệt vì hai lĩnh vực này có sự khác biệt rõ rệt về kỹ năng và kiến thức nền tảng. Một trong những khó khăn lớn nhất ban đầu là phải tự học các kỹ năng lập trình và công cụ liên quan đến dữ liệu. Tuy nhiên, nhờ vào sự quyết tâm và nỗ lực của bản thân, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các khóa học trực tuyến, của bạn bè, của thầy cô mà mình xin làm nghiên cứu, mình đã vượt qua được. Sau đó, mọi việc trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Khó khăn tiếp theo đó là việc mình phải chứng minh năng lực thực sự của bản thân trong một lĩnh vực hoàn toàn mới. Sự chăm chỉ và tinh thần sẵn sàng học hỏi đã giúp mình vượt qua.

Ngoài ra, thị trường việc làm tại Mỹ hiện nay rất khắc nghiệt và áp lực, khả năng được nhận làm tại các công ty trở nên vô cùng khó khăn, đòi hỏi mình phải nỗ lực hơn rất nhiều để xây dựng hồ sơ xin việc.

Việc chuyển từ ngành Dược đã mang lại lợi thế gì cho bạn trong lĩnh vực Data Science?

Việc chuyển ngành mang lại cho mình một góc nhìn độc đáo và sự kết hợp đa ngành trong giải quyết các vấn đề dữ liệu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Kinh nghiệm từ ngành Dược đã giúp mình hiểu sâu hơn về các ứng dụng của Data Science, chẳng hạn như phân tích dữ liệu thử nghiệm thuốc và dự đoán hiệu quả điều trị. Chính nhờ nền tảng này mà mình có cơ hội thực tập tại Intermountain Health – một bệnh viện lớn ở Mỹ – nơi team của mình đang cần tìm kiếm một người hiểu cả lĩnh vực y tế và phân tích dữ liệu. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp từ thời gian thực tập tại bệnh viện khi học Dược cũng trở thành lợi thế lớn khi mình chuyển ngành.

“Việc chuyển ngành mang lại cho mình một góc nhìn độc đáo và sự kết hợp đa ngành trong việc giải quyết các vấn đề dữ liệu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế”.

Ngoài ra, khả năng làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả mà mình rèn luyện được từ các lần thực tập tại bệnh viện khi còn học Dược cũng trở thành lợi thế lớn. Những kỹ năng mềm này không chỉ giúp mình hòa nhập tốt trong môi trường làm việc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thấu hiểu nhu cầu và trao đổi thông tin với các đồng nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Data Science thường làm những công việc gì?

Với ngành Data Science mà mình học, sinh viên tốt nghiệp thường đảm nhận các vai trò như Software Engineer, Data Scientist, Machine Learning Engineer, Data Analyst, hoặc AI Researcher. Các công việc này chủ yếu tập trung vào việc phân tích dữ liệu lớn, xây dựng mô hình machine learning, tối ưu hóa hệ thống, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết các vấn đề thực tế trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, công nghệ, và sản xuất.

Mình đã nhận được nhiều lời mời làm việc từ một số công ty với các vị trí khác nhau, ví dụ như Amazon cho vị trí Software Engineer, Oracle cho vị trí Data Scientist, và AstraZeneca cho vị trí Data Scientist - Researcher ngay sau khi tốt nghiệp.

Tại sao bạn lại muốn thực tập tại Amazon? Bạn thấy điều gì thú vị nhất khi thực tập tại đây?

Trong các cơ hội thực tập nhận được, mình chọn Amazon vì đây là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, nơi mình có thể hiểu rõ hơn cách một tổ chức lớn như vậy được vận hành và quản lý. Thực tập tại Amazon cũng là cơ hội tuyệt vời để mình xây dựng mạng lưới kết nối với các anh chị và bạn bè trong ngành và mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Phương Linh và các đồng nghiệp tại văn phòng Amazon.

Phương Linh và các đồng nghiệp tại văn phòng Amazon.

Điều thú vị nhất khi thực tập tại Amazon là mình được học hỏi không chỉ các kỹ năng chuyên môn về lập trình, mà còn các kỹ năng mềm quan trọng như thuyết trình, giao tiếp, và làm việc độc lập. Những kỹ năng này giúp mình trình bày công việc và công nghệ trong dự án của mình một cách dễ hiểu, đồng thời thuyết phục quản lý sử dụng sản phẩm mình đã phát triển. Đặc biệt, dự án mình làm trong 3 tháng của kỳ thực tập hiện vẫn đang được sử dụng nội bộ, điều này khiến mình rất tự hào và thấy rõ giá trị công việc của mình.

Bây giờ bạn lại đang làm việc cho Oracle - một thương hiệu hàng đầu thế giới. Bạn thấy môi trường làm việc hiện tại có khác nhiều với môi trường làm việc tại Amazon trước đây không?

Tại Oracle, mình làm việc trong Global Business Unit, nơi mình chủ yếu hợp tác với các công ty để phát triển các giải pháp giúp họ dự đoán rủi ro. Công việc tại đây tập trung nhiều hơn vào việc hiểu, đáp ứng các yêu cầu cụ thể của khách hàng.Mình có cơ hội làm nhiều và sâu về chuyên môn của mình là Data Science để giải quyết các bài toán thực tế.

Phương Linh tại trụ sở Amazon (Seattle, Washington).

Phương Linh tại trụ sở Amazon (Seattle, Washington).

Trong khi đó, tại Amazon, mình thực tập ở vị trí Kỹ sư phần mềm, nơi công việc của mình thiên về phát triển phần mềm. Thời gian đó team của mình chủ yếu làm về các sản phẩm nội bộ. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai môi trường là tại Oracle, công việc của mình liên quan nhiều đến khách hàng và mang tính ứng dụng cao hơn, nên mình có nhiều cơ hội linh hoạt sử dụng nhiều kĩ năng và các kiến thức khác nhau. Còn ở Amazon, mình tập trung vào mục tiêu tối ưu hóa các quy trình nội bộ.

Các thương hiệu hàng đầu như Amazon hay Oracle thường yêu cầu ứng viên có những điều kiện gì?

Các công ty này thường yêu cầu ứng viên không chỉ có nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng lập trình, mà còn cần khả năng giao tiếp tốt, tư duy sáng tạo, và kinh nghiệm thực tế với các dự án hoặc công nghệ liên quan. Họ cũng đánh giá cao sự chủ động và khả năng làm việc nhóm, vì vậy những kỹ năng mềm này là rất cần thiết.

Gia đình là nguồn động lực to lớn để Phương Linh nỗ lực học tập, phát triển bản thân.

Gia đình là nguồn động lực to lớn để Phương Linh nỗ lực học tập, phát triển bản thân.

Để chuẩn bị, mình khuyến khích các bạn nên tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc làm việc, không chỉ ở các công ty lớn mà cả thông qua các dự án nghiên cứu với thầy cô hoặc các doanh nghiệp nhỏ. Mình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô, và điều đó góp phần quan trọng trong việc mình có được những cơ hội lớn. Ngoài ra, việc xây dựng một hồ sơ cá nhân chuyên nghiệp và thực hiện các dự án cá nhân để thể hiện năng lực là rất quan trọng.

Trúng tuyển vào trường University of Pennsylvania

Bạn đã được nhận vào chương trình Master ngành Data Science tại University of Pennsylvania như thế nào?

Mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khi còn học đại học bằng cách duy trì điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0 và tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa. Mình từng làm trợ giảng (teaching assistant), nghiên cứu viên (research assistant) và đảm nhận vai trò Dean's Ambassador giúp mình phát triển cả kỹ năng học thuật lẫn kỹ năng mềm. Những trải nghiệm này không chỉ làm hồ sơ của mình nổi bật mà còn chứng minh sự cam kết của mình đối với ngành học.

Theo bạn, tiêu chí nào của các ứng viên được trường University of Pennsylvania đánh giá cao nhất?

Mình tin rằng Trường đánh giá cao sự cân bằng giữa thành tích học tập xuất sắc, khả năng lãnh đạo, kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, họ cũng rất quan tâm đến tiềm năng đóng góp của ứng viên cho trường và cộng đồng.

Phương Linh (áo hồng) cùng các bạn tham dự hội thảo.

Phương Linh (áo hồng) cùng các bạn tham dự hội thảo.

Bên cạnh đó, mình tin rằng trường rất coi trọng điểm số cao và thành tích học tập xuất sắc, vì đó là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng học thuật và sự nỗ lực của ứng viên. Tiếp đến, Trường cũng đánh giá cao những ứng viên hiểu rõ bản thân, biết mình muốn gì và cần gì để phát triển. Điều này được thể hiện qua cách ứng viên xác định rõ mục tiêu cá nhân và vạch ra kế hoạch tương lai cụ thể, đồng thời chứng minh tiềm năng đóng góp cho trường và cộng đồng thông qua các hoạt động thực tế và khả năng lãnh đạo.

“Trường đánh giá cao sự cân bằng giữa thành tích học tập xuất sắc, khả năng lãnh đạo, kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế”.

Làm thế nào để được vào học tại trường University of Pennsylvania?

Bạn có điều gì muốn chia sẻ với các bạn học sinh ở Việt Nam muốn học tập và làm việc tại các trường đại học hoặc công ty hàng đầu?

Mình muốn khuyến khích các bạn trẻ hãy đặt mục tiêu rõ ràng và tận dụng mọi cơ hội để phát triển bản thân. Có rất nhiều nguồn hỗ trợ từ các anh chị người Việt đi trước và cộng đồng Việt Nam, cộng đồng du học sinh ở nước ngoài mà theo mình là rất tích cực và hữu ích. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc lời khuyên từ họ, vì điều này có thể giúp các bạn định hướng tốt hơn trên hành trình của mình, và tất cả mọi người cũng đã trải qua thời gian tương tự nên mọi người rất sẵn sàng giúp đỡ. Mình đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ mọi người.

“Mình muốn khuyến khích các bạn trẻ hãy đặt mục tiêu rõ ràng và tận dụng mọi cơ hội để phát triển bản thân.”

Ngoài ra, mình thấy khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện là những yếu tố rất quan trọng để thành công trong môi trường quốc tế. Khi kinh nghiệm và kiến thức còn hạn chế, sự chăm chỉ và tinh thần sẵn sàng học hỏi chính là yếu tố quyết định. Ví dụ, trong thời gian thực tập tại Amazon, mình chưa từng làm những sản phẩm tương tự trước đó. Tuy nhiên, nhờ thể hiện khả năng học hỏi nhanh, lắng nghe và hiểu đúng yêu cầu công việc, mình vẫn nhận được "return offer". Đây cũng là bài học lớn mà mình muốn chia sẻ: hãy luôn nỗ lực hết mình và giữ tinh thần cầu tiến, vì đó là chìa khóa mở ra những cơ hội lớn.

Xin cảm ơn Phương Linh!

Ảnh: NVCC

Quỳnh Hoa (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/co-gai-viet-do-vao-dai-hoc-university-of-pennsylvania-thuc-tap-tai-amazon-lam-viec-tai-oracle-post1697247.tpo