Vì sao chữ viết tay vẫn quan trọng trong thời đại kỹ thuật số?

Theo thống kê, hầu hết các nghiên cứu về mối quan hệ giữa chữ viết tay và trí nhớ đều cho thấy con người ghi nhớ những điều họ đã viết tay tốt hơn là trên máy tính.

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Guardian)

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Guardian)

Hãy nhớ lại lần gần nhất bạn viết một ghi chú hoặc lập danh sách mua sắm. Rất có thể, đó không phải là với bút và giấy.

Trong thập kỷ qua, bàn phím và màn hình đã “âm thầm” thay thế chữ viết tay trong thói quen hằng ngày của chúng ta, từ lớp học cho đến các cuộc họp văn phòng. Một số trường học trên thế giới thậm chí đã ngừng dạy chữ viết tay hoàn toàn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc viết ra giấy mang lại những lợi ích về nhận thức mà các công cụ kỹ thuật số không thể thay thế được.

Naomi Susan Baron, Giáo sư danh dự ngành ngôn ngữ học tại Đại học American ở Washington D.C. cho biết: "Về mặt thống kê, hầu hết các nghiên cứu về mối quan hệ giữa chữ viết tay và trí nhớ đều cho thấy rằng con người ghi nhớ những điều họ đã viết tay tốt hơn là trên máy tính."

Sự tham gia của nhiều giác quan

Lợi ích của việc viết tay một phần có thể là do sự tham gia của nhiều giác quan trong quá trình viết.

Mellissa Prunty, độc giả về liệu pháp nghề nghiệp tại Đại học Brunel London, cho biết: "Cầm bút bằng ngón tay, ấn bút xuống mặt giấy và chuyển động tay để tạo ra các chữ cái là một kỹ năng nhận thức-vận động phức tạp đòi hỏi rất nhiều sự chú ý của chúng ta."

"Mức độ xử lý sâu này, bao gồm việc chuyển âm thanh [nghe được] thành các dạng chữ cái, đã được chứng minh là hỗ trợ việc đọc và đánh vần ở trẻ em” - Prunty cho biết.

Người lớn cũng “hưởng lợi” từ bản chất đòi hỏi nhiều công sức của việc viết tay.

Một nghiên cứu liên quan đến 42 người lớn học tiếng Arab cho thấy những người học chữ cái bằng cách viết tay nhận biết ngôn ngữ nhanh hơn. Họ phát âm những từ mới học tốt hơn so với những người học chữ cái mới bằng cách gõ phím hoặc chỉ nhìn vào chúng.

Robert Wiley, Giáo sư tâm lý học tại Đại học North Carolina Greensboro và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết “Chúng tôi nghĩ rằng… viết tay kích hoạt các con đường khác nhau dẫn đến cùng một khái niệm.”

Ông giải thích rằng học một từ mới liên quan đến việc kết nối một ký hiệu trừu tượng với thông tin ở cấp độ thị giác, cử động và thính giác. “Viết tay có thể kích hoạt nhiều những kết nối ‘đa chiều’ này hơn so với việc đánh máy.”

Qua khảo sát 205 thanh thiếu niên ở Mỹ và châu Âu, Baron nhận thấy rằng nhiều học sinh tập trung hơn và ghi nhớ tốt hơn khi soạn thảo văn bản viết tay thay vì nhấn bàn phím. Điều này cho thấy xúc giác đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta tiếp thu thông tin.

Lisa Aziz-Zadeh, Giáo sư tại Viện Não bộ và Sáng tạo thuộc Đại học Nam California, cho biết: "Bộ não con người đã tiến hóa để xử lý thông tin cảm giác và cử động thông qua quá trình tiến hóa. Những vùng não xử lý cảm giác và cử động đó hiện đang tham gia vào nhận thức cao hơn."

Lợi ích của việc viết tay so với "gõ phím"

Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể hình dung não của mình như một hệ thống đường bộ - Audrey van der Meer, Giáo sư khoa tâm lý học thần kinh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, nói.

Bà cho biết “mạng lưới não” ở trẻ em giống như những con đường quanh co ẩn hiện trong một khu rừng. Với sự luyện tập và kinh nghiệm, những con đường này có thể trở thành đường cao tốc kết nối các phần khác nhau của não để truyền tải thông tin nhanh chóng và hiệu quả.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Today's Modern Educator)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Today's Modern Educator)

Trong một nghiên cứu công bố vào đầu năm ngoái, van der Meer và đồng tác giả Ruud van der Weel đã xem xét các bản quét não của 36 sinh viên đại học thực hiện các “nhiệm vụ” viết.

Các sinh viên được yêu cầu viết bằng bút kỹ thuật số trên thiết bị màn hình cảm ứng hoặc gõ chữ trên bàn phím. Hoạt động não của những người tham gia được ghi lại thông qua điện não đồ.

“Điều đáng ngạc nhiên nhất là toàn bộ não hoạt động khi họ viết tay, trong khi chỉ có các vùng nhỏ hơn nhiều [của não] hoạt động khi họ đánh máy” - van der Meer nói. “Điều này cho thấy rằng khi bạn viết bằng tay, bạn đang sử dụng hầu hết não của mình để hoàn thành công việc.”

Kết quả là, các nhà nghiên cứu khuyến khích mọi người kiên trì với các kỹ năng viết tay. Ở Na Uy, nhiều trường học đã ngừng dạy chữ viết tay và cho học sinh đọc viết trên iPad - van der Meer hy vọng xu hướng này có thể thay đổi thông qua nghiên cứu của mình.

Bà cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta nên đưa ít nhất một phần tối thiểu của môn viết tay vào chương trình giảng dạy ở trường tiểu học vì nó rất tốt cho sự phát triển của não bộ.”

Ở Mỹ, chữ viết tay đã bị loại khỏi “Common Core Standards” - chương trình cải cách giáo dục được áp dụng tại các trường công lập tại Mỹ từ năm 2014. Tuy nhiên, một số tiểu bang đã quyết định đưa chữ viết tay trở lại chương trình giảng dạy ở trường vì những lợi ích của nó trong học tập.

Van der Meer cũng khuyên người lớn cũng nên sử dụng bút và giấy. "Luyện viết tay thường xuyên là một bài tập rất tốt cho não bộ" - bà nói. "Nó giống như việc bảo trì một con đường đông đúc."./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-chu-viet-tay-van-quan-trong-trong-thoi-dai-ky-thuat-so-post998432.vnp