Cô gái Việt giành 2 học bổng danh giá và cuốn nhật ký tuổi trẻ đặc biệt

Phạm Lê Bảo Ngân, sinh năm 2000, hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Luật Kinh doanh Quốc tế và Trọng tài ở Ba Lan với học bổng 100% của trường Đại học Silesia. Sau khi hoàn thành 1 năm học ở Ba Lan, cô nàng đã nhận được học bổng trao đổi sinh viên Erasmus+ của Liên minh Châu Âu, nên cô sẽ hoàn thành năm thứ hai Thạc sĩ Luật ở Ý.

Hai học bổng danh giá

Ngoài là một du học sinh, Phạm Lê Bảo Ngân còn sở hữu một kênh YouTube từ năm 2020, đây cũng là thời điểm Ngân hạ quyết tâm đi du học. Kênh YouTube là nơi cô chia sẻ những kinh nghiệm học tập, quản lý cuộc sống và hành trình phát triển bản thân.

Ngân thú nhận kênh cũng chính là nguồn động lực giúp bản thân cố gắng kiên trì với mục tiêu du học để một ngày có thể chia sẻ đến mọi người hành trình khám phá thế giới. Hiện tại, bên cạnh việc tiếp tục chia sẻ những mẹo học tập và kinh nghiệm du học, kênh YouTube còn là cuốn nhật ký ghi lại tuổi trẻ đầy màu sắc của Bảo Ngân.

Giấc mơ du học của Ngân bắt nguồn từ những thước phim ghi lại kiến trúc và phong cảnh bốn mùa ở Châu Âu trên tivi. Sau này khi lớn lên, Ngân nhận ra thế giới thật sự rất rộng lớn nên khao khát được trải nghiệm, khám phá thế giới ngày càng mãnh liệt hơn.

Phạm Lê Bảo Ngân, sinh năm 2000, hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Luật Kinh doanh Quốc tế và Trọng tài ở Ba Lan.

Phạm Lê Bảo Ngân, sinh năm 2000, hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Luật Kinh doanh Quốc tế và Trọng tài ở Ba Lan.

Năm hai đại học, Bảo Ngân bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho mục tiêu du học. “Mình luyện thi IELTS và tìm kiếm thông tin học bổng cũng như các yêu cầu cụ thể cho sinh viên quốc tế của mỗi quốc gia. Thật sự yêu cầu của các chương trình rất đa dạng, nhưng có một số điểm chung như chứng chỉ ngoại ngữ, điểm GPA, thư giới thiệu,...”, Ngân chia sẻ.

Chính vì thế, trong suốt những năm học đại học Ngân luôn cố gắng để có một số điểm GPA tốt, đặc biệt là các môn chuyên ngành, song song với đó là ôn luyện chứng chỉ ngoại ngữ - IELTS.

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân ngành Luật Quốc tế với tấm bằng loại Giỏi tại Học viện Ngoại giao cùng với chứng chỉ ngoại ngữ B2, Ngân bắt đầu hành trình nộp hồ sơ cho bậc học Thạc sĩ.

Ngân nói: “Mỗi trường, mỗi nước sẽ có những yêu cầu riêng về giấy tờ, ví dụ có trường yêu cầu thư giới thiệu, có trường thì không,... Thời điểm đó mình đã khá loay hoay để chuẩn bị hồ sơ cho các trường.

Trước đó mình đã bị trường Đại học Paris-Saclay ở Pháp từ chối, khiến mình khá buồn và bất lực.”

Cuối cùng mọi cố gắng và nỗ lực của Ngân đã đem lại trái ngọt, cô nàng đỗ vào chương trình nghiên cứu tại University of Auckland, New Zealand (top#68 thế giới) và Nicolaus Copernicus University, Ba Lan ngành International Politics and Diplomacy.

Đặc biệt, Ngân còn trở thành một trong những thí sinh xuất sắc nhất trong kì tuyển sinh Thạc sĩ Luật tại University of Silesia, Ba Lan và nhận được học bổng 100% của trường.

Sau khi du học 1 năm, với mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn, Bảo Ngân tiếp tục thử sức với học bổng trao đổi Erasmus+ của Liên minh Châu Âu. Với nỗ lực của bản thân trong năm học đầu tiên, cô nàng đã được nhận vào chương trình trao đổi này, và hiện tại Ngân đang trải nghiệm nước Ý xinh đẹp với học bổng toàn phần.

Ngân sở hữu một kênh youtube để ghi lại hành trình tuổi trẻ của mình.

Ngân sở hữu một kênh youtube để ghi lại hành trình tuổi trẻ của mình.

Nhớ lại hành trình tìm kiếm cơ hội du học, khó khăn lớn nhất đối với Ngân là thiếu thông tin và định hướng. Với những thông tin ít ỏi khi học năm 2 đại học, Ngân thấy “săn” học bổng Thạc sĩ khá cạnh tranh, ngoài ra còn yêu cầu kinh nghiệm làm việc 2 năm.

Ngân cho biết thêm: “Các học bổng chính phủ không chỉ cạnh tranh về chất lượng hồ sơ mà còn có nhiều yêu cầu ràng buộc khác như học bằng ngôn ngữ của nước bản địa hay phải về nước ngay sau khi học xong.”

Giai đoạn đó khiến Ngân bất lực và hoang mang, có lúc bật khóc vì không biết phải làm thế nào để đạt được mục tiêu. Nhưng nhờ sự kiên định, cô nàng đã nhận được nhiều cơ hội hơn thế. Bảo Ngân đã kiên trì mày mò vào trang tuyển sinh của từng trường để đọc, nghiên cứu và cuối cùng tìm được học bổng phù hợp cho mình.

Qua hành trình này, Ngân tâm niệm: “Đôi khi học bổng cần “sự phù hợp” và cần chúng ta “tìm ra” chúng. Các bạn không nên vội nản chí khi thấy các profile đạt học bổng quá khủng, hoặc các profile rất khủng nhưng vẫn trượt học bổng.

Nếu như chúng mình thực sự quyết tâm, thì hãy tích cực trau dồi bản thân và tìm kiếm cơ hội. Mình nghĩ có hai yếu tố để có thể săn học bổng thành công đó là biến bản thân trở thành phiên bản tốt nhất có thể và tìm được học bổng phù hợp nhất có thể với bản thân mình.”

Sau hơn 1 năm du học tại hai quốc gia là Ba Lan và Ý, bên cạnh đi du lịch ở một số đất nước như Đan Mạch và Hungary, Bảo Ngân cảm nhận nhịp sống chậm ở Châu Âu giúp nữ sinh hiểu bản thân hơn. Cuộc sống xa nhà, xa Việt Nam cũng là cách giúp Ngân trưởng thành, tự tin hơn khi đối mặt với những thay đổi và khó khăn trong cuộc sống một mình.

Tính chất quốc tế khi đi du học

Nhờ khả năng thích nghi khá nhanh cùng với việc đã có sự tìm hiểu về lối sống và văn hóa ở Châu Âu từ trước đã giúp Bảo Ngân không trải qua cú sốc văn hóa nào khi đi du học. Theo cô nàng việc chuẩn bị trước tinh thần và kiến thức là điều cần thiết khi đến một đất nước mới. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất để thích nghi nhanh hơn đó là một tâm thái chấp nhận sự khác biệt.

Tuy nhiên, nữ du học sinh thú nhận thách thức lớn nhất là ngôn ngữ. Ngân cho biết không phải ai ở Châu Âu cũng sử dụng thành thạo tiếng Anh, đặc biệt là những người lớn tuổi. Tuy nhiên mọi người đều hiểu trở ngại này và giúp đỡ cô nàng.

Được học tập ở môi trường quốc tế giúp Ngân có thêm nhiều góc nhìn hơn.

Được học tập ở môi trường quốc tế giúp Ngân có thêm nhiều góc nhìn hơn.

“Chính điều này khiến mình nhận ra con người kết nối với nhau không chỉ thông qua ngôn ngữ, mà còn là sự nhiệt thành và tử tế tỏa ra từ bên trong. Khi mình luôn có tâm thế đón nhận chân thành và vui vẻ với mọi người thì tự nhiên cũng sẽ nhận được sự hồi đáp tích cực”, Ngân bộc bạch.

Bên cạnh đó, nữ sinh cũng cảm nhận sự khác biệt lớn nhất giữa môi trường học tập ở Châu Âu và Việt Nam là tính chất quốc tế. Lớp học bao gồm sinh viên đến từ rất nhiều các quốc gia trên thế giới, nhờ vậy cũng có nhiều góc nhìn thú vị hơn.

Môi trường học đề cao sự tự giác nghiên cứu của sinh viên vì gần như các lớp học sẽ không điểm danh và ít khi có bài tập về nhà. Ngoài ra về phương pháp giảng dạy hay nội dung kiến thức Ngân thấy khá tương đồng với trải nghiệm ở Học viện Ngoại giao (DAV).

Ngoài việc tập trung cho chương trình học Thạc sĩ và Luận văn tốt nghiệp, vào thời gian rảnh trong ngày Bảo Ngân còn học thêm một số ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng La-tinh và sắp tới là tiếng Ý.

Ngân chia sẻ: “Mình không muốn bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm ở Châu Âu nên dù bận học thì sau mỗi đợt thi mình luôn cố gắng sắp xếp thời gian và tài chính để đi thăm thú những vùng đất mới. Đây cũng là cơ hội để mình quay lại những vlog chia sẻ trải nghiệm đến với mọi người.

Thu nhập hiện tại của mình đến từ học bổng và công việc dạy thêm tiếng Anh online ở Việt Nam”.

Ngân có niềm đam mê đặc biệt với ngành Luật.

Ngân có niềm đam mê đặc biệt với ngành Luật.

Sau khi tốt nghiệp, Ngân mong muốn có thể được thử sức nhiều hơn với các cơ hội ở Châu Âu. Bảo Ngân sẽ tiếp tục khám phá thế giới, trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn trước khi trở về. Ngoài ra, cô nàng cũng có dự định tiếp tục học tập và theo đuổi ngành Luật ở bậc học cao hơn.

Gửi gắm đến các bạn sinh viên có mơ ước du học, Bảo Ngân chia sẻ các nguồn thông tin về cơ hội du học, học bổng rất đa dạng và không khó tiếp cận. Với cơ hội đang rộng mở, các bạn trẻ có thể vững tâm và kiên trì để tìm kiếm cơ hội cho mình.

Du học không chỉ có ở những nước lớn như Anh, Úc, Mỹ, Canada, mà vẫn còn rất nhiều đất nước khác với chất lượng giáo dục hàng đầu, phúc lợi xã hội cực kì tốt mà chi phí lại thấp hơn rất nhiều. Ngoài những học bổng danh giá và rất cạnh tranh, vẫn còn những học bổng khác với ít yêu cầu hơn mà chưa được nhiều người biết đến.

Ngân bật mí, đọc kĩ trang tuyển sinh của các trường là một cách khá hiệu quả để có thể hiểu rõ yêu cầu đầu vào và có sự chuẩn bị tốt nhất dù việc này mất khá nhiều thời gian.

“Mình tin sẽ luôn có cơ hội, chỉ là chúng mình có tìm ra nó hay không. Mình chúc các độc giả luôn đủ kiên trì, đủ tin tưởng vào bản thân và sống thật rực rỡ nhé!”.

Ảnh: NVCC

Phương Nga

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/co-gai-viet-gianh-2-hoc-bong-danh-gia-va-cuon-nhat-ky-tuoi-tre-dac-biet-post1695051.tpo