Cô gái xương thủy tinh mở lớp học '5 không' cho trò nghèo
Ước mơ trở thành giáo viên không thành bởi căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, cô gái Nguyễn Thị Ngọc Tâm (Nam Định) đã hiện thực bằng cách khác: Mở lớp học miễn phí cho trò nghèo. Lớp học 5 không của Tâm là 'Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí' đã duy trì suốt 18 năm qua.
Video cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm chia sẻ về lớp học 5 không:
Khát vọng cống hiến
Tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm (xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) trong dịp trao giải thưởng Kova 2022 mới đây. Cô giáo Ngọc Tâm từng được vinh danh trong hạng mục Sống đẹp lần này. Trước đó, Ngọc Tâm được vinh danh nhận giải thưởng Tình nguyện viên Quốc gia năm 2020; là một trong 64 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020.
Cô giáo Ngọc Tâm ngồi trên xe lăn và có sự hỗ trợ của mẹ, cũng như học trò trong khi di chuyển. Cô giáo Ngọc Tâm cho biết: “Năm nay tôi 32 tuổi, nhưng số lần bị gãy xương gấp nhiều lần số tuổi. Tôi không nhớ nổi mình đã gãy xương bao nhiêu lần. Khi lớn lên, tôi mắc thêm các thứ bệnh khác như tim, phổi, phế quản, dạ dày... khiến sức khỏe chị mỗi ngày một yếu”.
Cũng vì sức khỏe đặc biệt như vậy, Ngọc Tâm không đến trường mầm non như bạn bè trang lứa. Đến năm 8 tuổi, Ngọc Tâm được gia đình cho đến trường, bởi lúc này mới đảm bảo đủ sức khỏe cũng như khát khao được học chữ.
“Đến lớp, thấy giáo viên đứng ở bục giảng tôi rất thích. Lâu dần, ước mơ trở thành giáo viên lớn dần trong tôi. Tuy nhiên, sức khỏe ngày càng yếu giúp tôi nhận ra đó là giấc mơ xa vời”, cô giáo Ngọc Tâm chia sẻ.
Nhận ra những vấn đề của bản thân, Ngọc Tâm không ngừng nỗ lực học thật tốt các môn học. Trong suốt những năm được đến trường, Ngọc Tâm luôn có kết quả xuất sắc. Đồng thời, luôn là người sẵn sàng chia sẻ kiến thức với các em học lớp dưới.
“Lúc này tôi nhận thấy mình có thể hiện thực hóa phần nào ước mơ bằng cách dạy lại kiến thức cho các em lớp dưới. Lớp học Tâm thủy tinh dần hình thành tại nhà khi tôi chia sẻ kiến thức cùng với các em lớp dưới”, cô giáo Ngọc Tâm nhớ lại .
Học hết cấp II, Ngọc Tâm buộc phải dừng lại bởi việc đến trường không đảm bảo sức khỏe. Nhưng ước mở trở thành giáo viên thôi thúc cô gái xương thủy tinh này đến mức, mua sách để tự học tại nhà. Được sự hỗ trợ, động viên của các thành viên trong gia đình, Ngọc Tâm mở lớp học miễn phí dành cho học trò nghèo trong vùng với tiêu chí 5 không: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí.
Tiếng lành đồn xa
18 năm mở lớp học, cái tên "cô giáo Tâm thủy tinh" đã rất quen thuộc không chỉ với người dân xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Học sinh đến từ các vùng lân cận, tỉnh khác cũng được cha mẹ gửi đến học cô giáo Ngọc Tâm.
Nhớ lại thời gian đầu, cô giáo Ngọc Tâm cho biết: “Tôi sinh năm 1990 thì kèm các em học sinh sinh năm 1995. Tôi dạy miễn phí cho những trẻ em nghèo trong vùng. Rồi dần dần, phụ huynh trong làng, xã gửi con em tới học. Họ nói: “Gửi con đến không chỉ học kiến thức mà các con học được tinh thần vượt khó của cô giáo”. Nhiều em giờ đã học xong đại học và đi làm”.
Lứa tuổi cô giáo Ngọc Tâm dạy là học sinh lớp 1 đến lớp 8. Nhiều học trò nghèo của cô đã tiến bộ sau khi đến học một thời gian.
“Có lẽ, các em nhìn thấy cô giáo nhỏ bé, di chuyển khó khăn nên tính tự giác rất cao. Tôi dạy học trò phân bổ thời gian học tập, phương pháp học hiệu quả… Có những phụ huynh dắt con đến bảo “con không phải trò nghèo nhưng con muốn học lớp của cô Tâm”, tôi đều nhận cả... 18 năm qua, dù nhiều lần đau đớn, đối diện với bệnh tật hiểm nghèo nhưng được dạy học sinh, được chia sẻ khó khăn cùng với các em là động lực để tôi vui sống, vượt qua những khiếm khuyết của bản thân", cô giáo Ngọc Tâm.
Không chỉ dạy học, cô giáo Ngọc Tâm mở rộng không gian đọc sách ở nhà cũng như mở quỹ học bổng xương thủy tinh để khuyến khích học trò.
Có ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ trong điều kiện khó khăn là điều thật đáng quý. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm là một tấm gương về tinh thần vượt khó cũng như khát khao được cống hiến cho cộng đồng.