Có gì bên trong 'bài thuốc thần kỳ' chữa tiểu đường trên YouTube?
Các chuyên gia đều khẳng định y học chưa tìm ra và công nhận bất kỳ phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường. Điều này trái ngược với quảng cáo của bà Nguyễn Thị Nghê.
"Nguyên tắc trị bệnh tiểu đường theo bài thuốc của chúng tôi là không hạ đường huyết ngay tức thì giống như Tây y, chúng tôi chú trọng hồi phục tận gốc các chức năng tuyến tụy, thận bằng các vị thuốc như dây thìa canh, giảo cổ lam và một số vị thuốc bí truyền khác. Đây là thầy thuốc chữa khỏi bệnh tiểu đường bằng Đông y đầu tiên ở Việt Nam".
Đó là lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Nghê khi quảng cáo về "bài thuốc thần kỳ" của mình trong nhiều video đăng tải trên YouTube. Có gì bên trong thang thuốc này và những tuyên truyền của bà về việc điều trị bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào?
Tác dụng thực sự của "bài thuốc thần kỳ"
Sau khi phân loại và nhận diện từng vị thuốc được phóng viên Zing mua tại Bảo Xuân Đường, đại tá, lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), cho biết thang thuốc của bà Nghê bao gồm: Khổ qua, mộc thông, dứa dại, dạ rau đằng, bạch thược, phan tả diệp, hồng hoa, lá xạ đen, cà gai leo, dây đau xương, đại phúc bì, chỉ xác, hạ khô thảo, lá sen, lá ổi, cỏ đuôi ngựa, mộc hương nam, nam sâm, hoài sơn và một số loại thuốc nam khác như cam thảo.
Dựa trên đặc tính và tác dụng của từng vị, Phó chủ tịnh Hội Đông y Ba Đình nhận định bài thuốc này chủ yếu giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu. Một số thành phần có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan mỡ máu, gout, khớp, tiểu đường nói chung, thậm chí nhuận tràng.
“Đây là bài thuốc tổng hợp với mục đích chủ yếu là thanh nhiệt, giải độc, kiện lại hệ thống tiêu hóa. Khi uống, người bệnh gặp vấn đề nào, thuốc có thể chạm đôi chút ở đó và không tập trung vào vấn đề cụ thể của họ”, lương y Hồng Minh nhận định.
Về 2 gói nhỏ được nhân viên bán thuốc của Bảo Xuân Đường giới thiệu "điểm khác biệt giữa các bệnh nhân" là phan tả diệp và hồng hoa. Đây là hai vị thuốc đặc trị táo bón và tăng hoạt huyết. Ông Minh khẳng định: “Bài thuốc này không thể chữa khỏi bệnh tiểu đường”.
Chuyên gia này cho biết việc điều trị tiểu đường cần dựa trên cơ sở thăm khám, chẩn đoán và xác định đối với từng bệnh nhân, qua đó cắt thuốc, điều chỉnh các vị sao cho phù hợp. Việc cho bệnh nhân các vị thuốc điều trị chung như trên không thể giúp cải thiện tình trạng tiểu đường mà chỉ mang tính chất hỗ trợ và phòng ngừa ở một số trường hợp.
Trong Đông y, bệnh tiểu đường có 5 thể khác nhau gồm: thận dương hư, vi nhiệt thịnh vượng, táo nhiệt nổi thịnh, thủy thấp ngưng tụ và thận âm hư. Dù cùng có căn nguyên là tuyến tụy và hệ thống tiêu hóa, mỗi thể lại xuất phát từ nguyên nhân khác nhau. Người thầy thuốc sau khi thăm khám và xác định được thể bệnh sẽ từ đó đưa ra bài thuốc điều trị khác nhau.
“Không có bất cứ công thức chung nào cho các thể tiểu đường. Do đó, các bệnh nhân buộc phải được phân loại trước khi điều trị”, lương y Hồng Minh nhấn mạnh.
Về giá thuốc, ông cho biết chi phí trung bình cho một thang thuốc tương tự là 100.000 đồng. Tại cơ sở khám, chữa bệnh của lương y Nguyễn Thị Nghê, mỗi thang được bán với giá 150.000 đồng.
Mối nguy hiểm của lời hứa chữa khỏi tiểu đường
Về góc nhìn của Tây y đối với căn bệnh tiểu đường, thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Đồng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) khẳng định: “Nhiều bệnh nhân cũng từng hỏi tôi và chia sẻ rằng một số cơ sở hứa hẹn sẽ điều trị khỏi dứt điểm tiểu đường. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn”.
Theo bác sĩ Đồng, đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh mạn tính do tuyến tụy tiết insulin không đủ hoặc tế bào mất khả năng sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể gây tăng đường huyết. Hai nguyên nhân này thậm chí có thể xảy ra đồng thời.
Bệnh được chia thành 3 loại chính là đái tháo đường type 1 (chiếm khoảng 10% số trường hợp, thường gặp ở trẻ em và vị thành niên), đái tháo đường type 2 (chiếm khoảng 90%, thường gặp ở người trưởng thành) và đái tháo đường thai kỳ (tăng đường huyết trong khi mang thai).
Ngoài điều chỉnh chế độ ăn và vận động, người bệnh đái tháo đường type 1 buộc phải dùng insulin để kiểm soát đường huyết. Trong khi đó, bệnh nhân đái tháo đường type 2 có thể dùng các loại thuốc viên hạ đường huyết hoặc insulin kết hợp. Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ nếu điều chỉnh chế độ ăn không đạt mục tiêu, phải dùng thêm insulin kiểm soát đường huyết để tránh nguy cơ cho mẹ và bé.
Dù không thể điều trị khỏi hoàn toàn, bệnh nhân khi tuân thủ điều trị tốt kết hợp dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn, vận động hoàn toàn có thể sống khỏe.
Khi thăm khám cho bệnh nhân, lương y Nguyễn Thị Nghê thường xuyên nhấn mạnh sự nguy hại của thuốc Tây tới cơ thể. Người này cho rằng thuốc Tây chỉ giúp kiểm soát lượng đường huyết tức thời và làm ảnh hưởng xấu tới chức năng gan, thận, tụy, thậm chí mang lại nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân. Do đó, bà sẽ yêu cầu bệnh nhân tách dần, thậm chí không dùng thuốc Tây với những người chưa sử dụng.
Về điều này, bác sĩ Đồng cho hay: “Không chỉ đái tháo đường, tất cả thuốc điều trị khi vào cơ thể đều có một số tác dụng phụ nhất định. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này đã được cảnh báo và ghi nhận trong hướng dẫn để bệnh nhân và bác sĩ nắm rõ. Với thuốc điều trị tiểu đường, các tác dụng phụ thường là rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, chán ăn hoặc hạ đường huyết”. Vì vậy, bệnh nhân có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị, qua đó thay đổi thuốc hoặc có phương pháp kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên, ông khẳng định nếu bệnh nhân không được kiểm soát đường huyết tốt, bệnh có thể gây biến chứng cấp tính và nguy hiểm như tai biến, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
Bác sĩ này chia sẻ ông từng gặp nhiều trường hợp mua thuốc trị tiểu đường theo thông tin truyền tai hoặc quảng cáo trên YouTube, Facebook vì tâm lý lo lắng, ngại điều trị suốt đời.
Các loại thuốc này chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn gốc và không được Bộ Y tế cấp phép. Bệnh nhân sau khi mua thường ngưng sử dụng thuốc điều trị bác sĩ kê hàng ngày. Sau một thời gian, khi khám lại, nhiều người có chỉ số đường huyết tăng rất cao, thậm chí xuất hiện biến chứng.
Việc ngừng điều trị khiến tình trạng đường huyết của bệnh nhân cao trở lại. Lúc này, các bác sĩ buộc phải thiết lập, lên kế hoạch và phác đồ điều trị từ đầu.
“Chúng tôi cảm thấy rất tiếc khi chứng kiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan, thận, toan chuyển hóa nặng nề, phải lọc máu cấp cứu. Một số trường hợp thậm chí đã tử vong vì đến viện muộn”, bác sĩ Đồng kể lại.