Có gì bên trong chiếc bánh trung thu đắt nhất thế giới giá 30 tỷ đồng?
Một tết Trung Thu dường như sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi những chiếc bánh trung thu thơm ngon. Giờ đây, bánh trung thu không chỉ là món ăn truyền thống, mà còn là cách thể hiện đẳng cấp của một số thương hiệu đắt đỏ.
Bánh trung thu trứng cá tầm muối
Royal Caviar Club của Hong Kong, Trung Quốc đã cho thế giới thấy chiếc bánh trung thu trứng cá muối đầu tiên vào năm 2020. Những chiếc bánh trung thu có 100g trứng cá tầm muối và 1g nấm truffle. Bánh trung thu trứng cá muối này có giá 230 USD (khoảng 5,7 triệu đồng) cho một hộp 4 chiếc bánh.
Tuy nhiên, đây chưa phải chiếc bánh trung thu có mức giá đắt nhất.
Các đầu bếp tạo ra chiếc bánh này cho biết mục đích sáng tạo nên những chiếc bánh này không phải là kinh doanh. Điều quan trọng, họ muốn cho khách hàng có thêm những trải nghiệm mới bên trong những chiếc bánh trung thu quen thuộc.
Bánh trung thu nhân bào ngư cao cấp
Có nguồn gốc từ Reign Abalone House, một nhà hàng chuyên về các món ngon từ bào ngư tại Hong Kong, Trung Quốc, bánh trung thu bào ngư có giá hơn 5 triệu đồng cho mỗi một chiếc bánh.
Nhìn chung, các loài bào ngư quý hiếm được lựa chọn cẩn thận để sản xuất loại bánh trung thu này, được nhập khẩu trực tiếp từ Nam Phi. Ngoài ra, bánh bào ngư được kết hợp với sữa, trứng và nấm cục đen từ vùng Umbria, Ý, làm tăng thêm hương vị sang trọng của nó.
Bánh trung thu Mao Shan Wang - 15 triệu đồng
Bánh trung thu mang tên Premium Mao Shan Wang Truffle Snowskin Mooncake của hãng bánh nổi tiếng Golden Moments tại Singapore ra mắt trong mùa Trung thu năm 2019. Đây là phiên bản giới hạn và là một trong những bánh trung thu đắt nhất thế giới.
Những chiếc bánh được bao bọc trong lớp vỏ vàng 24K với hương vị sầu riêng đặc trưng kết hợp với lớp chocolate cao cấp làm tăng thêm sự hấp dẫn của bánh.
Đặc biệt, bên trong nhân bánh còn có nấm truffle đen quý hiếm với giá trị lên đến 80 triệu đồng/kg. Sự kết hợp này tạo nên một hương vị độc đáo và nâng cao giá trị của chiếc bánh.
Chiếc bánh trung thu "Premium Mao Shan Wang Truffle Snowskin Mooncake" có giá bán đến 628 USD/ hộp (khoảng 15 triệu đồng).
Chiếc hộp đựng bánh có hai tầng. Tầng trên dành cho 4 chiếc bánh được xếp ngay ngắn, tầng dưới dành cho các vật dụng cần thiết để thưởng thức như dĩa và dao dùng để cắt bánh, ấm trà và ly trà. Tất cả "phụ kiện" này đều được chế tác từ vàng thật.
Đặc biệt, không phải ai muốn cũng có thể mua liền chiếc bánh trung thu đắt đỏ này, mà người mua cần đặt trước vài tuần.
Bánh trung thu đắt nhất Malaysia - 23 triệu đồng
Năm 2017, Malaysia đã chứng kiến sự ra đời của loại bánh trung thu với mức giá 926USD (khoảng 23 triệu đồng) của thương hiệu Leong Yin Pastry.
Bánh trung thu này nặng 1,2kg, dày 17,5cm và 4cm. Được chế tác bởi Tiến sĩ Leong Kok Fai, chiếc bánh trung thu được làm từ 16 nguyên liệu cao cấp như nhân sâm, tổ yến, sữa ong chúa, đông trùng hạ thảo và vảy vàng 24K,...
Chiếc bánh này được chế tác cẩn thận bằng tay, không chất bảo quản, bánh trung thu có thời hạn sử dụng hạn chế là 3 ngày và phải đặt hàng trước 2 ngày để nhận được sản phẩm hoàn chỉnh.
Loại bánh này hướng đến mục tiêu mang lại những lợi ích sức khỏe đặc biệt, không sử dụng chất bảo quản. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi loại bánh trung thu này có mức giá cao như vậy.
Bánh trung thu đắt nhất thế giới Häagen-Dazs - 30 tỷ đồng
Với giá bán gần 30 tỷ đồng/bánh, không còn nghi ngờ gì khi Häagen-Dazs trở thành chiếc bánh trung thu đắt đỏ nhất thế giới. Loại bánh này đến từ thương hiệu kem nổi tiếng được thành lập tại The Bronx, New York vào năm 1961 bởi cặp đôi doanh nhân gốc Ba Lan và Do Thái là Reuben và Rose Mattus.
Những chiếc bánh trung thu Häagen-Dazs có hương vị thơm ngon không có gì để bàn cãi, tuy nhiên điều làm chúng trở nên đắt đỏ chính là phần hộp đựng được chế tác tinh xảo từ những kim loại đắt đỏ như vàng, bạc…
Tuy nhiên, đi đôi với giá thành đắt đỏ quá mức là những chiếc bánh thường được khách hàng sử dụng như một vật trưng bày kỷ niệm hơn là thực phẩm. Các vị khách thường đặt mua loại bánh này nhằm tạo ra những món quà tặng độc đáo hoặc để sưu tầm trưng bày như một đồ vật có giá trị.