Có gì trên hòn đảo được mệnh danh 'đáng sợ nhất Trái Đất'

Đảo Rắn nằm ở Đại Tây Dương, ngoài khơi Brazil, gần Sao Paulo cấm người thường lên đảo nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn chết người.

Nằm trên Đại Tây Dương, thuộc Brazil và cách thành phố nhộn nhịp Sao Paolo 35 km, có một hòn đảo mà không người dân địa phương nào dám đặt chân đến.

Tên chính thức của hòn đảo này là "Ilha da Queimada Grande" (Đảo Cháy rụi trong tiếng Bồ Đào Nha), hay còn được biết đến với tên gọi đảo Rắn.

 Do không hề có sự can thiệp của con người, môi trường tự nhiên trên đảo Rắn được giữ ở trạng thái hoang sơ. Ảnh: Soul Perúibe.

Do không hề có sự can thiệp của con người, môi trường tự nhiên trên đảo Rắn được giữ ở trạng thái hoang sơ. Ảnh: Soul Perúibe.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho đảo Ilha de Queimada Grande những "công trình" tuyệt đẹp về cảnh quan. Tuy nhiên, đi kèm với đó là hàng nghìn con rắn hổ lục đầu giáo vàng, một trong những loài rắn độc nhất thế giới.

Nơi đáng sợ nhất hành tinh

Theo tờ Smithsonian, khoảng 11.000 năm trước, mực nước biển dâng đã khiến đảo Rắn bị cô lập khỏi đất liền Brazil.

Điều này khiến loài rắn sống trên đảo, được cho là rắn jararaca đã tiến hóa theo một con đường khác với các loài rắn đồng loại trên đất liền.

Do không có động vật săn mồi trên mặt đất, những con rắn bị mắc cạn ở đảo Rắn sinh sản mất kiểm soát. Theo ước tính, trên đảo có khoảng 2.000-4.000 con rắn hổ lục đầu giáo vàng và nhiều loại rắn khác.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với chúng bởi điều đó cũng đồng nghĩa với việc không có con mồi trên mặt đất.

 Đảo Rắn là nơi cư ngụ của 430.000 con rắn trên diện tích 445.000 m2 của đảo. Ảnh: Viajeaqui.

Đảo Rắn là nơi cư ngụ của 430.000 con rắn trên diện tích 445.000 m2 của đảo. Ảnh: Viajeaqui.

Để tìm thức ăn, những con rắn phải trườn lên trên, săn mồi là những loài chim di cư đến thăm hòn đảo theo mùa trong những chuyến bay dài.

Thông thường, rắn rình con mồi, cắn và đợi nọc độc phát huy tác dụng trước khi lần theo dấu vết con mồi. Trong khi đó, rắn hổ lục đầu giáo vàng lại không thể theo dấu những con chim mà chúng cắn.

Vì vậy, loài này đã tiến hóa nọc độc của mình trở nên cực kỳ mạnh để nhanh chóng vô hiệu hóa và giết chết con mồi trước khi chúng kịp bay đi.

Các nhà khoa học tin rằng nọc độc của chúng mạnh gấp 5 lần rắn trong đất liền, có thể làm rữa da người khi tiếp xúc.

Dù là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, nhưng ở đảo Rắn, rắn hổ lục đầu giáo vàng xuất hiện với mật độ dày đặc, từ 1-5 con trên mỗi m2.

 Hổ lục đầu giáo vàng là một trong những loài rắn độc nhất thế giới. Nọc độc của chúng mạnh gấp 5 lần rắn trong đất liền, có thể làm rữa da người khi tiếp xúc. Ảnh: Vix.

Hổ lục đầu giáo vàng là một trong những loài rắn độc nhất thế giới. Nọc độc của chúng mạnh gấp 5 lần rắn trong đất liền, có thể làm rữa da người khi tiếp xúc. Ảnh: Vix.

Nọc độc của loài rắn độc nhất thế giới này có thể gây suy thận, hoại tử mô cơ, xuất huyết não và chảy máu đường ruột.

Nếu bị cắn, bạn sẽ mất mạng sau 90 phút nếu không kịp cấp cứu. Trong khi đó, đảo nằm cách bờ biển Brazil tới 90 km, rất khó để kịp đưa nạn nhân vào bờ kịp thời.

Truyền thuyết và tiềm năng với y học

Có nhiều truyền thuyết địa phương vẫn thường kể về số phận khủng khiếp sẽ chờ đợi những ai lang thang trên bờ biển của đảo Rắn.

Câu chuyện nổi tiếng nhất kể rằng có một ngư dân vô tình lên đảo để tìm chuối trong một lần đi biển và không may bị một con rắn cắn. Người ngư dân vội vã chạy về thuyền.

 Nhiều truyền thuyết địa phương vẫn thường kể về số phận khủng khiếp sẽ chờ đợi những ai lang thang trên bờ biển của đảo Rắn. Ảnh: Smithsonian.

Nhiều truyền thuyết địa phương vẫn thường kể về số phận khủng khiếp sẽ chờ đợi những ai lang thang trên bờ biển của đảo Rắn. Ảnh: Smithsonian.

Tuy nhiên, sau đó vài ngày, người dân đã phát hiện ông chết trên chiếc thuyền đang trôi lênh đênh và nằm trong một vũng máu.

Câu chuyện thứ hai nói về người canh ngọn hải đăng và gia đình. Vào một đêm yên bình, khi ông và vợ cùng 3 đứa con đang ngủ, những con rắn đã bò vào nhà và tấn công họ. Người canh ngọn hải đăng cùng gia đình đã cố gắng chạy trốn ra thuyền nhưng không kịp. Họ chết trước khi chạy tới bờ biển.

Từ năm 1920, chính phủ Brazil chính thức cấm người thường lên đảo nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn chết người.

Hàng năm, chỉ có hải quân Brazil lên đảo để bảo trì ngọn hải đăng hoặc các nhà khoa học đến nghiên cứu về rắn. Tuy nhiên, các đoàn được yêu cầu phải đem theo bác sĩ để cấp cứu kịp thời nếu có người bị rắn cắn.

Hòn đảo này cũng là một phòng thí nghiệm quan trọng dành cho các nhà sinh vật học và nhà nghiên cứu, những người được cấp phép đặc biệt đến thăm hòn đảo chỉ để tìm hiểu thêm về rắn hổ lục đầu giáo vàng.

Một số nhà khoa học tin rằng nọc độc từ loài rắn nguy hiểm nhất hành tinh này có thể là một công cụ hữu ích trong dược phẩm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vice, Marcelo Duarte, nhà khoa học thuộc Viện Butantan của Brazil chuyên nghiên cứu các loài bò sát có nọc độc cho mục đích chế thuốc, giải thích rằng nọc độc của rắn hổ lục đầu giáo vàng đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tim, tuần hoàn và máu đông.

Ngoài ra, nọc độc từ một số loài rắn khác trên đảo Rắn cũng cho thấy tiềm năng về một loại thuốc chống ung thư.

 Nọc độc của rắn hổ lục đầu giáo vàng đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tim, tuần hoàn và máu đông. Ảnh: Minden Pictures.

Nọc độc của rắn hổ lục đầu giáo vàng đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tim, tuần hoàn và máu đông. Ảnh: Minden Pictures.

Bên cạnh đó, do nhu cầu tăng vọt của thị trường chợ đen của các nhà khoa học và giới sưu tầm động vật hiếm, những kẻ buôn lậu động vật hoang dã, hay còn được gọi là cướp biển sinh học, cũng đã liên tục ghé thăm hòn đảo nguy hiểm này.

Theo báo cáo, những tên trộm này sẽ bẫy những con rắn và bán chúng thông qua các kênh bất hợp pháp. Một con rắn hổ lục đầu giáo vàng hiện có giá từ 10.000-30.000 USD.

Suy thoái môi trường sống, hậu quả từ việc hải quân Brazil nhiều lần thực hiện chiến dịch loại bỏ thảm thực vật cùng bệnh tật cũng đã gây thiệt hại không nhỏ cho những loài rắn cư ngụ trên đảo.

Theo số liệu năm 2014, số lượng rắn trên đảo đã giảm gần 50% chỉ trong vòng 15 năm. Hiện rắn hổ lục đầu giáo vàng đang bị xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gi-tren-hon-dao-duoc-menh-danh-dang-so-nhat-trai-dat-post1412610.html