Có gì trong chương trình nghị sự kinh tế của các ứng cử viên?

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến cuộc bầu cử, nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những cam kết quan trọng về kinh tế như giải quyết lạm phát, cắt giảm thuế…; trong khi đó bà Kamala Harris dự kiến trình bày một số chi tiết về chương trình nghị sự kinh tế trong bài phát biểu tại Bắc Caroline ngày 16.8.

Donald Trump: Xóa sổ lạm phát, cắt giảm thuế, "mở van" dầu

Hôm 14.8, phát biểu trước những người ủng hộ ở thành phố Asheville, bang North Carolina, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã công bố chương trình nghị sự kinh tế đầy hứa hẹn, đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ hơn. Cụ thể, ông tuyên bố sẽ đảo ngược các biện pháp hạn chế dưới thời Tổng thống Joe Biden về sản xuất nhiên liệu hóa thạch; sử dụng mọi công cụ cần thiết để hạ nhiệt lạm phát trong năm đầu tiên khi lên nắm quyền; bãi bỏ tất cả các khoản thuế đối với trợ cấp An sinh Xã hội; đồng thời khẳng định việc tăng trưởng kinh tế sẽ đủ để giúp nước Mỹ trả hết nợ và cam kết giảm giá năng lượng từ 50 - 70% trong từ 12 - 18 tháng. Ứng cử viên đảng Cộng hòa nhấn mạnh rằng, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông sẽ tăng cường cấp phép khai thác, thăm dò đất liên bang, nới lỏng quy trình cấp phép cho đường ống cùng với các biện pháp khác nhằm hạ giá tiêu dùng.

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Kamala Harris và ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Kamala Harris và ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters

Thêm vào đó, ông cũng kêu gọi áp dụng mức thuế rộng hơn và cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, duy trì các đợt cắt giảm thuế trước đó (một số trong số đó dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2025), đề xuất một số đợt cắt giảm mới như giảm thuế doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, ông Trump cũng dành phần lớn thời gian để nêu bật điểm khác biệt đối với đảng Dân chủ liên quan đến các vấn đề quen thuộc như biên giới Mỹ - Mexico và không quên nhắc lại một số vấn đề như ủng hộ lệnh cấm sử dụng công nghệ fracking (bẻ gãy thủy lực) để khai thác dầu khí đá phiến của bà Kamala Harris - ứng cử viên đảng Dân chủ.

Kamala Harris: Tiếp nối giá trị, khác biệt về tầm nhìn

Về phần mình, bà Harris dự kiến sẽ trình bày kế hoạch kinh tế của mình trong một bài phát biểu tại Bắc Carolina vào ngày 16.8. Các phụ tá và cố vấn cho biết, ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ sẽ tập trung vào việc giảm chi phí thực phẩm, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, củng cố tín dụng thuế trẻ em và tạo sự khác biệt với cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump về thuế quan và các loại thuế.

Có thể nói, chương trình kinh tế của bà Harris rất giống với của Tổng thống Joe Biden và nhắm đến việc thu hút tầng lớp trung lưu. Chiến dịch của bà sẽ chú ý đặc biệt đến những gì có hiệu quả với cử tri tại các bang chiến trường, trong bối cảnh còn chưa đến 90 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, các phụ tá mô tả chương trình kinh tế giữa bà Kamala Harris và ông Joe Biden là “có chung giá trị nhưng khác tầm nhìn”.

Chiến dịch của ông Donad Trump đã cân nhắc các khoản cắt giảm thuế mới cho các hộ gia đình trung lưu, cũng như đề xuất loại bỏ thuế đánh vào lương thưởng - điều mà bà Harris cũng đã làm ở Las Vegas vào tuần trước. Một cố vấn chia sẻ với tờ Reuters, bà Harris rất quan tâm đến “các vấn đề tài chính cho các gia đình lao động, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ” và ủng hộ tín dụng thuế trẻ em, giúp giảm gánh nặng thuế cho các gia đình có thu nhập thấp.

Bà Harris không còn ủng hộ các biện pháp từ chiến dịch tranh cử tổng thống ngắn ngủi năm 2020 của mình, chẳng hạn như cấm khai thác khí đá phiến hoặc Medicare for All. Ngoài ra, bà Harris sẽ thúc đẩy các kế hoạch giảm chi phí thuê nhà và mua nhà, bao gồm việc tài trợ thêm nhà ở giá cả phải chăng và xây dựng các cộng đồng chống chịu với biến đổi khí hậu; đồng thời nêu bật sự tương phản với ông Trump về chính sách thuế và thuế quan, và giữ lời hứa của ông Joe Biden về việc không tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/mỗi năm.

Các cử tri và các nhà tài trợ đang mong chờ chương trình nghị sự kinh tế của bà Kamala Harris sẽ đi theo có những hướng đi khác biệt như thế nào so với chính quyền hiện tại của Tổng thống Joe Biden. Bởi, các vấn đề của bà Kamala Harris được cho là gắn liền với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Dù “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ và số liệu việc làm vẫn tốt, nhưng ông Joe Biden vốn gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri rằng các chính sách kinh tế của mình sẽ mang lại lợi ích cho người dân. Trong một cuộc khảo sát của CNBC cho thấy, các cử tri cho rằng, bà Kamala Harris nên loại bỏ hoàn toàn hoặc thực hiện những thay đổi lớn đối với chính sách kinh tế của ông Joe Biden.

Các cố vấn cho biết, không phải tất cả các yếu tố nêu trên sẽ xuất hiện trong bài phát biểu ngày 16.8, bản thảo của bài diễn văn của bà Harris vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Dự kiến trong 3 tuần tới, đội ngũ tranh cử của bà Harris sẽ chi 90 triệu USD nhằm tăng cường hình ảnh của đảng Dân chủ trong mắt cử tri - một khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong chiến dịch của bà.

Kịch bản khó đoán

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay diễn ra hết sức quyết liệt và khó đoán. Theo kết quả được ghi nhận trong cuộc thăm dò của Financial Times và Trường Kinh doanh Ross của Đại học Michigan cho thấy, ngày càng nhiều người Mỹ tin tưởng vào ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris hơn là cựu Tổng thống Donald Trump trong việc điều hành nền kinh tế. Kết quả cuộc khảo sát với 1.001 người tham gia cho thấy, 42% ủng hộ bà Kamala Harris, nhỉnh hơn một chút so với 41% bình chọn ông Donald Trump. Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm, đảng Dân chủ vượt qua đảng Cộng hòa về khía cạnh kinh tế.

Trên thực tế, đảng Dân chủ đã nhận được ủng hộ nhiều hơn kể từ khi bà Kamala Harris tiếp quản chiến dịch tranh cử 2024, có thể thấy rõ qua sự gia tăng sự đáng kể các khoản tiền quyên góp, tình nguyện viên và số lượng người tham dự các cuộc vận động. Kết quả từ FT/Michigan Ross báo hiệu một khả năng “lội ngược dòng” cho đảng Dân chủ khi mà trong tháng trước, chỉ 35% cử tri cho biết họ ủng hộ cách ông Joe Biden điều hành nền kinh tế, thấp hơn hẳn mức 41% của ứng cử viên đảng Cộng hòa. Vị thế của ông Donald Trump trong khía cạnh kinh tế vẫn không thay đổi từ tháng 7, trong khi đó, bà Kamala Harris đang có lợi thế hơn 1 điểm phần trăm.

Song, có một số cuộc thăm dò khác cho thấy, ông Donald Trump lại đang vượt xa bà Harris trong khía cạnh kinh tế. Chẳng hạn, cuộc khảo sát Kinh tế Toàn quốc gần đây của CNBC chỉ ra rằng, các cử tri tin họ sẽ có tài chính tốt hơn dưới thời ông Trump so với thời bà Harris với tỷ lệ chênh lệch 2 - 1. Mặc dù tình hình có thể liên tục thay đổi, nhưng người Mỹ luôn coi nền kinh tế là yếu tố quan trọng nhất có tác động đến lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Châu Anh (Theo CNBC; Reuters; The Guardian)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/co-gi-trong-chuong-trinh-nghi-su-kinh-te-cua-cac-ung-cu-vien-i384332/