Có gì trong dự luật chi tiêu chính phủ vừa 'vượt ải' Thượng viện Mỹ?
Dự luật chi tiêu chính phủ trị giá 1.660 tỷ USD đã nhận được sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ vào ngày 20/12.
Theo đó, các nhà đàm phán của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã đạt được đồng thuận vào sáng sớm ngày 20/12 về dự luật tài trợ cho chính phủ liên bang cho đến cuối năm tài chính hiện hành (kết thúc vào ngày 30/9/2023).
Tổng số tiền tài trợ được đề xuất tăng đáng kể so với con số khoảng 1.500 tỷ USD được phân bổ vào năm trước.
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 70 phiếu thuận - 25 phiếu chống đối với việc tiếp tục tranh luận về dự luật. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hy vọng có thể đưa ra một số sửa đổi với dự luật. Một số khác cho biết, họ phản đối dự luật, nhưng sẽ không cố gắng ngăn chặn việc thông qua dự luật này.
Hiện dự luật đề xuất chi 44,9 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bên cạnh 40,6 tỷ USD hỗ trợ các cộng đồng trên khắp đất nước phục hồi sau thiên tai và các vấn đề khác.
Dự luật cũng đã đề ra mức chi tiêu quân sự kỷ lục 858 tỷ USD, tăng so với 740 tỷ USD của năm ngoái và cũng vượt quá yêu cầu của Tổng thống Biden.
Về khía cạnh phi quốc phòng, các nhà đàm phán đã ấn định mức tài trợ 800 tỷ USD trong dự luật, tăng 68 tỷ USD so với năm trước. Điều này bao gồm tăng chi cho các quỹ chăm sóc sức khỏe trẻ em nghèo.
Ngoài các khoản chi tiêu, dự luật bao gồm các biện pháp khác như lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu và làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc xác nhận kết quả các cuộc bầu cử - một nỗ lực nhằm tránh lặp lại sự kiện ngày 6/1/2021 .
Các nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện đặt mục tiêu thông qua dự luật dài 4.155 trang và trình lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào cuối tuần nhằm đảm bảo không có sự gián đoạn nào đối với các hoạt động của chính phủ.
Đây là bước đầu tiên trong loạt bước dọn đường cho việc thông qua dự luật vào ngày 23/12. Việc thất bại thông qua dự thảo trên có thể khiến chính phủ Mỹ đóng cửa một phần bắt đầu từ ngày 24/12, ngay trước Giáng sinh.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã 3 lần phải ký ban hành dự luật ngân sách ngắn hạn để tránh chính phủ liên bang bị đóng cửa do hết kinh phí hoạt động.