Có gì trong gói trừng phạt thứ 8 Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga?
Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố gói trừng phạt mới nhằm tăng cường sức ép đối với chính phủ và nền kinh tế Nga.
Theo một thông báo được công bố trên trang web của EU hôm nay (6/10), gói trừng phạt mới “tạo cơ sở để áp đặt giới hạn giá liên quan đến việc vận chuyển dầu Nga bằng đường biển cho nước thứ ba, hạn chế hơn nữa việc vận chuyển dầu thô trên biển và các sản phẩm dầu mỏ sang nước thứ ba”. Tuy nhiên mức giá trần hiện chưa được công bố.
Khối gia hạn lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm thép có xuất xứ từ Nga hoặc xuất khẩu từ Nga. Các hạn chế cũng được áp đặt đối với bột gỗ và giấy, thuốc lá, nhựa và mỹ phẩm cũng như các nguyên liệu được sử dụng trong ngành trang sức như đá và kim loại quý.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt còn nhắm vào nhiều cá nhân và tổ chức, bao gồm cả những người làm việc tại Bộ Quốc phòng Nga, những người có liên quan đến các cuộc trưng cầu dân ý ở vùng ly khai Ukraine.
EU cũng cấm các công dân khối này giữ bất kỳ chức vụ nào trong hội đồng quản trị của một số tổ chức, thực thể hoặc cơ quan thuộc sở hữu nhà nước của Nga.
“Chúng tôi đang tiếp tục đánh vào nền kinh tế của Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga và trên đà nhanh chóng giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU - Josep Borrell cho biết.
Gói trừng phạt mới khiến 3 quốc gia Địa Trung Hải là đảo Síp, Hy Lạp và Malta không khỏi lo ngại, đặc biệt là về tác động đối với ngành vận tải biển vì đội tàu chở dầu của các nước này vận chuyển hầu hết dầu của Nga. Tuy nhiên, Brussels được cho là đã đưa ra các nhượng bộ dưới hình thức “hệ thống giám sát” để giảm thiểu tác động của lệnh cấm vận.
Mátxcơva tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không tuân thủ kế hoạch giới hạn giá của EU và G7. Phó Thủ tướng Alexander Novak cảnh báo rằng Nga sẽ từ chối bán nhiên liệu cho các quốc gia tìm cách thực thi hoặc tuân theo quy định này.