Có gì trong lòng hồ Ngàn Trươi?
Lượng lớn cây gỗ mục, cây cọ, cây tre, nứa và cả công trình vệ sinh, chuồng gia súc của hàng nghìn hộ dân 2 xã Hương Điền và Hương Quang vẫn đang chìm ngập trong lòng hồ Ngàn Trươi.
Lòng hồ Ngàn Trươi có gì?
Liên quan đến nguồn nước tại Dập Dâng, công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang (đóng tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đang bị ô nhiễm, cơ quan chức năng Hà Tĩnh nhận định bước đầu, có 2 tác nhân chính khiến nguồn nước ô nhiễm là do công ty Gỗ MDF Thanh Thành Đạt xả thải và lượng mùn thối rữa đang lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi quá trình vệ sinh, thu dọn lòng hồ trước đó mà chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) bộ NN&PTNT triển khai chưa đảm bảo.
Vậy thực tế trong lòng hồ Ngàn Trươi đang có những gì?
Để trả lời cho câu hỏi này, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã đi thuyền vào lòng hồ Ngàn Trươi. Mất 15 phút đi xuồng máy, ở cốt nước 32, chúng tôi đã có thể bắt gặp liên tiếp hình ảnh những cây gỗ mục, nhiều nhất vẫn là tre, nứa, cọ chết mục, thối rữa vượt lên trên mặt nước, trong đó có những cây sống.
Ngoài ra, ở cao trình từ 32 – 52m, cây cối mọc um tùm, những ngôi nhà lộ mái nhấp nhô trên mặt hồ hay thậm chí là nhà vệ sinh vẫn nguyên hiện trạng. Nhà cửa và công trình vệ sinh, chuồng trại gia súc, cây cối của gần 1000 hộ dân 2 xã Hương Điền và Hương Quang di dời tái định cư vẫn nguyên không được thu dọn.
Theo cán bộ chính quyền địa phương, thời điểm di dời, người dân chỉ mang theo tài sản đi còn các công trình nhà ở và vệ sinh để lại vẫn nguyên không được chủ đầu tư triển khai thu dọn. Ngoài ra, khi thực hiện gói tận thu lâm sản trong lòng hồ, sau khi lấy những thân gỗ lớn, phần cành, ngọn đều được vứt lại. Hiện tại, mực nước lòng hồ đang ở cốt 32, sắp tới đây, khi nâng lên cốt 40 thì 2 xã này đều ngập hoàn toàn lúc đó, nguồn nước sẽ còn ô nhiễm hơn nữa.
Tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang số 1335 ngày 2/7/2008 của bộ TN&MT, tại điều 2 đã nêu rõ, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổ chức thu dọn, vệ sinh khu vực lòng hồ đảm bảo nguồn nước sau khi tích nước có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt.
Gói 35 tỷ không đủ để dọn sạch lòng hồ
Liên quan đến công tác thu dọn lòng hồ, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) bộ NN&PTNT cho biết, tháng 4/2016, đơn vị này bắt đầu thực hiện thu dọn lòng hồ với tổng diện tích thiết kế thu dọn 1.659,67ha/4.610,05ha gồm 10 tiểu khu (157, 137A, 137B, 138A, 139A, 139B, 146A, 146B, 149A, 149B) và 24 khoảnh, 330 lô thiết kế, thuộc phạm vi cao trình 12m đến 52m. Vùng thu dọn tính từ đập chính và tràn xả lũ đi vào phía trong lòng hồ. Giá trị dự toán của gói thu dọn lòng hồ là 35,717 tỷ đồng do Tổng công ty Trường Sơn (bộ Quốc phòng) thi công.
Liên quan đến nội dung cho rằng, quá trình thu dọn, làm sạch lòng hồ giai đoạn 2016 – 2018, chủ đầu tư triển khai không đảm bảo, để lại lượng lớn cây cối, mùn thực vật, quá trình ngâm nước lâu ngày thối rữa, phân hủy trở thành một lượng mùn khổng lồ đang lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi, ông Thịnh thừa nhận, không thể dọn sạch hoàn toàn lòng hồ và toàn bộ diện tích cây cối, nhà ở chuồng trại của 2 xã Hương Điền và Hương Quang cũng không được thu dọn.
Lý giải điều này, ông Thịnh cho hay, ban đầu, dự toán của gói làm sạch hoàn toàn lòng hồ, đảm bảo sau khi tích nước đạt chỉ tiêu nước sinh hoạt lên đến 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó do không có kinh phí nên được điều chỉnh xuống còn hơn 35 tỷ đồng. Với kinh phí đó, chủ đầu tư chỉ có thể triển khai khoanh vùng thu dọn một phần lòng hồ, đảm bảo lượng sinh khối cho những năm đầu tích nước đảm bảo thông số DO, dùng cho mục đích tưới tiêu nước thủy lợi, vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa đảm bảo kinh tế theo đúng như chỉ đạo của bộ NN&PTNT chứ không thể làm theo phê duyệt đánh giá tác động môi trường của bộ TN&MT được.
Cũng theo ông Thịnh, sau quá trình thu gom, cũng không thể tổ chức đốt được bởi thời điểm đó Hà Tĩnh đang nắng nóng, sợ xảy ra cháy rừng, hơn nữa một phần diện tích đã chặt phơi cũng chưa đủ độ để đốt trong khi lịch tích nước vào tháng 2/2017 không thể lùi lại. Chính bởi vậy, Ban 4 đã cho tích nước vào hồ. Tuy nhiên, ngay sau đó, đã xảy ra hiện tượng ô nhiễm nên tiếp tục cho rút bớt nước và thu dọn bù thêm 66,83 ha. Sau khi thu dọn, nước hồ hoàn toàn trong xanh, thời điểm đó cũng có lãnh đạo UBND tỉnh cùng sở ngành lên kiểm tra.
Ông Thịnh cũng cho hay, trong lòng hồ có 2 hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng và 1 phần là tận thu lòng hồ. Ban 4 chỉ thu dọn phần cây cối còn lại do UBND tỉnh Hà Tĩnh làm.
“Ai cũng muốn làm sạch cả nhưng chi phí Nhà nước hạn hẹp nên phải cân đối kỹ thuật và kinh tế… Trên thực tế hồ Ngàn Trươi đã vận hành nhưng đến hiện tại vẫn chưa được hội đồng nghiệm thu của bộ Xây dựng nghiệm thu. Mặt nước hồ từ khi tích đến giờ không thay đổi. Nước hồ trong xanh ngoài thời điểm năm 2017 thì chưa từng xảy ra hiện tượng ô nhiễm. Khi có nhà máy gỗ MDF của Thanh Thành Đạt mới bị. Còn gói làm sạch lòng hồ chúng tôi đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của bộ Nông nghiệp”, ông Thịnh nói.
Tính chất nghiêm trọng của việc ô nhiễm Đập Dâng công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang đã được ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng cục Quản lý công trình bộ NN&PTNT vào thị sát phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành Hà Tĩnh kiểm tra, chỉ đạo tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm vào sáng ngày 28/7. Ông Nguyễn Hải Thanh cũng chính là người đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Ban 4 giai đoạn 2017 – 2018, thời điểm triển khai gói làm sạch lòng hồ.
Tại buổi làm việc này, ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh, sự cố ô nhiễm nước Đập Dâng là vô cùng đáng tiếc và nghiêm trọng. UBND tỉnh đang nghiên cứu, cân nhắc việc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thống nhất phương án sẽ xả kiệt nước trong Đập Dâng vào thứ 3 (ngày 30/7), lấy lượng mùn lắng đọng phía dưới đáy đập, xét nghiệm. Ngoài ra, sẽ cô lập các nguồn xả thải khác ra Đập Dâng để lấy mẫu quan trắc, xác định chính xác nguồn gây ô nhiễm. Tất cả các kết quả quan trắc từ trước tới nay sẽ được tổng hợp, để có đánh giá tổng quan, khách quan nhất, đảm bảo dựa trên cơ sở khoa học. 10 ngày sau phải có báo cáo UBND tỉnh, nếu vượt tầm sẽ mời đơn vị độc lập vào làm. Nhiệm vụ trước mắt, huyện Vũ Quang có giải pháp kịp thời đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, nếu nước không đảm bảo phải có phương án thay thế.
Công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang là một trong ba công trình thủy lợi lớn nhất cả nước. Thời gian qua, nước tại Đập Dâng - Ngàn Trươi Cẩm Trang chuyển màu đỏ đen, bốc mùi hôi thối. Việc ô nhiễm nguồn nước tại dự án nước đa mục tiêu, ngoài thủy lợi còn là nước sinh hoạt phục vụ cho hơn 300 hộ dân thị trấn Vũ Quang và nước tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân của 6 huyện bắc Hà Tĩnh khiến chính quyền và người dân vô cùng lo lắng. Nhà máy nước sạch Vũ Quang cũng đã phải tăng cường hóa chất để xử lý nước đầu vào. Đây không phải lần đầu tại đây xảy ra hiện tượng nước ô nhiễm, trước đó, từ ngày 13 - 16/5, nước Đập Dâng cũng chuyển màu đỏ đục. Kết quả quan trắc mẫu nước thời điểm đó cho thấy, có nhiều điểm thông số Fe, Amoni, CO, COD vượt ngưỡng.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-gi-trong-long-ho-ngan-truoi-a443572.html